DJ Ferguson nhập viện Brigham và Phụ nữ tháng 11 năm ngoái sau khi phổi chứa đầy máu và chất lỏng do bệnh tim di truyền. Kể từ đó, Ferguson phải chiến đấu giành giật sự sống và rất cần được ghép tim.
Tuy nhiên, theo chính sách của bệnh viện, Ferguson không đủ điều kiện ghép tim vì chưa tiêm vaccine Covid-19.
"Như nhiều chương trình cấy ghép khác ở Mỹ, vaccine Covid-19 là một trong những loại vaccine bắt buộc đối với ứng viên để tạo cơ hội tốt nhất cho ca phẫu thuật thành công và bệnh nhân sống sót sau khi cấy ghép", bệnh viện cho biết trong một tuyên bố đầu tuần này.
Tiến sĩ Arthur Caplan, trưởng khoa y đức tại Trường Y Grossman thuộc Đại học New York, giải thích rằng tiêm chủng là cần thiết với loại phẫu thuật này.
"Bất kỳ ca ghép tạng nào đều khiến hệ miễn dịch của bạn suy giảm nghiêm trọng. Cúm, cảm lạnh, Covid-19 đều có thể giết bạn. Nội tạng khan hiếm, chúng tôi sẽ không phân phối cho những người ít có cơ hội sống, trong khi những người khác được tiêm vaccine có cơ hội sống tốt hơn sau phẫu thuật", Caplan nói.
David Ferguson, cha của bệnh nhân, nói rằng DJ "không tin tưởng" vaccine Covid-19 và coi tiêm chủng "đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản" của bản thân.
"Con trai tôi đã chiến đấu dũng cảm. Con tôi chính trực, có những nguyên tắc nó thực sự tin tưởng và điều đó khiến tôi tôn trọng con hơn. Đó là cơ thể, là lựa chọn của con", ông cho hay.
Trong khi đó, trang gây quỹ ủng hộ Ferguson trên GoFundMe cho biết anh từ chối tiêm vì lo ngại không thể chịu được các biến chứng tim tiềm ẩn do tác dụng phụ của vaccine.
DJ là ông bố hai con và con thứ ba sắp chào đời. Gia đình dự kiến chuyển viện cho anh, nhưng tình trạng của DJ hiện rất yếu. Họ biết ơn các bác sĩ và y tá tại bệnh viện, nhưng không đồng tình với chính sách phải tiêm chủng để được ghép tim.
Ferguson dự kiến được trang bị máy bơm tim khẩn cấp để hỗ trợ anh trong hai tuần tới.
Mỹ là một trong những nước đầu tiên phát triển được vaccine Covid-19. Tuy nhiên, một bộ phận dân số hoài nghi vaccine và không muốn tiêm, khiến chiến dịch tiêm chủng của Mỹ trì trệ. Hiện 210 triệu người Mỹ đã tiêm đủ mũi, tương đương hơn 63% dân số.
Huyền Lê (Theo CBS, RT)