Theo quy định mới vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố, các trường top trên và chất lượng cao tại Hà Nội sẽ được linh động trong phương án tuyển sinh theo hình thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực môn Toán, Văn, tiếng Anh.
Dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực (Competency-based Curriculum) là hình thức kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được hình thành trong quá trình học để giải quyết những vấn đề cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
Do đó, đề kiểm tra năng lực đầu vào lớp 6 nhằm mục tiêu đánh giá sau quá trình học cấp một, trẻ có sẵn sàng đáp ứng chương trình học sau này của cấp trung học cơ sở.
Cô Trần Mai Anh (giáo viên ngoại ngữ đã có gần 10 năm kinh nghiệm giảng dạy và luyện thi tiếng Anh cho hàng nghìn học sinh mọi lứa tuổi, nhất là học sinh lớp 5 tại Hà Nội) chia sẻ bí quyết đạt điểm cao bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh vào lớp 6.
Theo cô, bài thi sẽ được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm khách quan, kết hợp tự luận kiểm tra hình thức mới - đảm bảo yêu cầu 4 cấp độ nhận thức là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.
Bài thi dự đoán chú trọng vào hai kỹ năng đọc và viết, sẽ không chỉ giới hạn tập trung vào các kiến thức trong chương trình sách giáo khoa mà còn bao gồm những câu hỏi trắc nghiệm khảo sát năng lực tư duy, sự nhanh nhạy, năng lực vận dụng kiến thức cơ bản vào cuộc sống.
Cũng theo cô Mai Anh, học sinh luyện thi cần học vốn từ phong phú, nắm chắc nghĩa của từ và rèn luyện các phương pháp đọc hiểu nhanh như Skimming và Scanning để khai thác nội dung và trả lời chắc câu hỏi trong bài. Các câu hỏi về kỹ năng giao tiếp cũng là một chủ đề cần được bổ sung thực hành thường xuyên.
Với kỹ năng viết luận, thí sinh chú ý rèn luyện viết những dạng đoạn văn ngắn về các chủ đề gắn liền với đời sống hàng ngày và phù hợp với lứa tuổi như viết về công việc ước mơ sau này, môn học yêu thích hoặc sở thích cá nhân... bằng phương pháp Mind Mapping để phác thảo ý tưởng một cách rõ ràng và khái quát.
Bên cạnh đó, các em cũng cần luyện bài nghe thường xuyên qua những nguồn có chọn lọc và bám sát với chương trình học kết hợp với kỹ năng viết Key word khi nghe đến những đoạn khó và phức tạp. Kỹ năng loại trừ đáp án nhanh cần được vận dụng thành thạo trong phần thi trắc nghiệm chọn đáp án đúng.
Cô Mai Anh cũng không quên nhắc nhở phụ huynh, thời gian này thay vì tạo áp lực cho trẻ, bố mẹ nên khuyến khích con quan tâm hơn đến đời sống xã hội xung quanh, động viên con từng bước làm quen với các dạng đề kiểm tra năng lực, định hướng cho con cách đặt mục tiêu và nỗ lực hết mình để chinh phục được mục tiêu đó. Nếu con không thể tự học, bố mẹ cũng có thể tìm cho con những lớp học ngoại khóa để trẻ làm quen với các kiểu bài kiểm tra năng lực và được các thầy cô chia sẻ thêm các kỹ năng mềm cần thiết.
Thế Đan