Bette Midler là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng vào những năm 1970. Cô giành giải Grammy hạng mục Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất vào năm 1973 và từng được đề cử Oscar cho giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong bộ phim “Đóa Hồng” (1979).
Tạp chí Time xuất bản ngày 2/3/1987 từng nhận xét cô là một “huyền thoại”, “nữ ca sĩ diễn viên năng động và sâu sắc”. Trong các bài hát được nhiều người biết đến của Bette Midler có tác phẩm “Do You Want To Dance”.
Năm 1985, Công ty Ford Motor thuê công ty Young & Rubicam tiến hành chiến dịch quảng bá cho mẫu xe mới Ford Lincoln Mercury. Ý tưởng của Young & Rubicam là thực hiện chuỗi các video quảng cáo trên truyền hình dài 30-60giây với mục đích là tạo dựng và kết nối cảm xúc giữa Ford với thế hệ Yuppies – những người trẻ khiến họ hồi tưởng lại quãng thời gian còn học đại học. Từng video trong chiến dịch quảng cáo sẽ phát trên nền một bài hát nổi tiếng của thập niên 70, kèm theo đó là màn trình diễn của chính nghệ sĩ đã gắn liền tên tuổi của mình với thành công của bài hát.
Thất bại trong thực hiện ý tưởng trên, công ty quảng cáo khắc phục bằng cách thuê người hát thế để “nhại” bài hát được chọn phát sóng. Tới lượt bài hát nổi tiếng của Bette Middler, phía Young & Rubicam liên lạc với người quản lý của cô song bị từ chối thẳng thừng.
Young & Rubicam tiếp đó mời Ula Hedwig – người từng là hát bè cho Bette trong suốt 10 năm. Ula nhận lời.
Sau khi quảng cáo được phát sóng, nhiều người đinh ninh rằng giọng hát trong đó giống hệt bản thu âm bài “Do You Want To Dance” của Bette Midler. Ngay cả bạn thân của Ula cũng cho rằng chính Bette chứ không phải ai khác là người trình bày.
Cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm, Bette Midler khởi kiện Công ty Ford Motor và Young & Rubicam đòi bồi thường với lý do chiếm đoạt giọng hát đặc trưng của cô để thu lợi, từ đó xâm phạm vào quyền bí mật đời tư.
Phía bị đơn phản bác cho rằng: Trong đoạn quảng cáo không xuất hiện hình ảnh hay tên tuổi của Bette, và cũng chính Young & Rubican là đơn vị giữ bản quyền bài hát được phát sóng. Vì vậy, Bette Midler không có căn cứ hợp lệ để đòi bồi thường.
Dù bày tỏ thái độ không đồng tình, cho rằng hành vi đó không khác gì “quân trộm cắp vặt”, tòa cấp quận vẫn ra quyết định có lợi cho bên bị kiện với lý do chiếu theo Bộ luật Dân sự California, một bên chỉ bị cấm khi dùng “tên, giọng nói, chữ ký, ảnh chụp hoặc hình ảnh” của người khác khi không được phép.
Nhưng ở đây, bên bị kiện không hề sử dụng những điều trên, giọng hát trong bài là của Ula Hedwig, không phải của Bette Midler. Cụm từ “hình ảnh” theo luật dùng để chỉ hình ảnh thị giác, không bao hàm nghĩa sự mô phỏng giọng nói. Như vậy, tòa cho rằng không có nguyên tắc pháp lý nào ngăn cấm người khác mô phỏng giọng hát của Bette Midler.
Không đồng ý với quyết định của tòa, nữ ca sĩ kháng án lên Tòa kinh lý số IX ở California.
Đứng trước vấn đề chưa từng có tiền lệ, Tòa kinh lý phân tích: Vì sao bên bị kiện nhất thiết phải mời Bette Midler nếu giọng hát của cô không có giá trị gì với họ? Tại sao họ phải dày công thuê một người hát thế và yêu cầu cô này bắt chước Bette Midler nếu giọng hát của cô không có giá trị? Như vậy, điều bên bị kiện cần chính là một thuộc tính trong nhân dạng của Bette Midler.
Hơn nữa, giọng nói cũng mang dấu ấn đặc trưng cho một cá nhân như khuôn mặt, là một trong những phương thức bộc lộ hữu hình nhất của danh tính. Mỗi người ắt hẳn đều nhận ra bạn của mình chỉ sau vài câu nói qua điện thoai. Áp dụng với giọng hát, đặc biệt là ca sĩ nổi tiếng thì bắt chước giọng hát cũng là "đánh cướp nhân dạng”.
Tháng 6/1988, sau khi nghị án kết thúc, Tòa kinh lý tuyên hủy quyết định của Tòa cấp quận và cho Bette Midler hưởng bồi thường với lý do bên bị kiện đã cố tình chiếm đoạt một phần danh tính của cô để thu lợi.
Quyết định của tòa đã đặt ra một án lệ mới về quyền bí mật đời tư, theo đó giọng nói đặc trưng của một người nổi tiếng sẽ thuộc về nhân thân người đó, người nào muốn sử dụng cần phải được sự đồng ý của chủ sở hữu.