Cuối năm 2008, khi công ty xuất khẩu lao động đến giới thiệu về chương trình đi làm việc ở Đài Loan, Trương Thị Thúy Nga (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đăng ký tham gia. "Lúc đó em đã trúng tuyển Cao đẳng Thực phẩm Đà Nẵng, nhưng nghĩ nhà nghèo, bố mẹ buôn bán nhỏ không thể đủ tiền nuôi 3 em ăn học, nên em quyết đi xuất khẩu lao động Đài Loan", Nga kể.
Qua sự giới thiệu của người quen, bố Nga, người có thời gian đi xuất khẩu lao động dạng thuyền viên nghề cá, cũng xin đi làm xây dựng tại Nga. Để xoay được 5.700 USD chi phí cho Nga và 3.000 USD chi phí cho bố, gia đình đã phải thế chấp sổ đỏ, vay mượn họ hàng, người quen. Cuối năm 2008, hai bố con lần lượt xuất cảnh, mang theo hy vọng kiếm đủ tiền nuôi 3 đứa em Nga ăn học thành tài.
Sang đến Đài Loan, mới học việc một tuần thì Công ty Ân Mậu, nơi Nga làm việc, tuyên bố thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công vì không có đơn hàng. Mất 3 tháng chờ đợi, mỗi tháng nhận lương cơ bản 17.280 đài tệ (khoảng 8,5 triệu đồng Việt Nam), đầu tháng 2, Nga cùng nhóm bạn phải về nước. "Bố em mới đi xuất khẩu sang Nga được hơn 2 tháng, cũng gọi điện về nói ngành xây dựng không có việc nên sắp phải về", Nga kể.
Nga cho biết, gia đình như đang ngồi trên đống lửa khi con nợ hối thúc, trong khi phía công ty đưa đi Đài Loan thông báo chỉ thanh toán được 3.400 USD. "Em chưa biết làm gì bây giờ, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, xin việc trong nước rất khó khăn. Mà có xin được thì với người không có nghề như em, thu nhập cao lắm cũng chỉ 1-1,5 triệu đồng, làm sao có thể bù đắp khoản chi phí đã mất khi đi xuất khẩu", giọng Nga rưng rưng.
Cũng giống Nga, nhóm bạn 10 người cùng xuất cảnh sang Đài Loan vào tháng 10/2008, cùng đi qua Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC), đều thấp thỏm lo âu. Một lao động quê Hải Dương cho biết: "Hoang mang không có tiền về trả nợ, có bạn đã trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan. Còn em, gia đình động viên về. Nhưng về tới nhà thì mấy mẹ con ôm nhau khóc, ngày ngày ngóng tiền thanh lý hợp đồng để sớm trả khoản vay nặng lãi. Giờ em sợ nhất là chủ nợ đến đòi tiền".
Các năm 2005-2007, mỗi năm thị trường Malaysia tiếp nhận 30.000 lao động Việt Nam. Nhưng nay, khó khăn kinh tế khiến nước này đang muốn cắt giảm nhân công nước ngoài. Ảnh: Hồng Khánh. |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty AIC, khẳng định: "Trước khi đi, chúng tôi đã thẩm định kỹ hợp đồng. Ân Mậu là đối tác tin cậy, đã hợp tác với AIC hơn 3 năm. Rất nhiều lao động do AIC đưa sang đã làm việc ổn định ở đây và thu nhập rất tốt. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tới Ân Mậu và đó là rủi ro khách quan, không thể lường trước".
Ông Sơn cho biết, là doanh nghiệp sản xuất vi mạch điện tử xuất khẩu sang Mỹ, do không có đơn hàng, Ân Mậu buộc phải thu hẹp sản xuất. Hơn 100 lao động của công ty AIC đã phải về nước trước thời hạn, hoặc không được gia hạn hợp đồng.
"Chúng tôi và phía công ty môi giới đã tính tới khả năng chuyển chủ cho lao động, nhất là nhóm mới sang, nhưng khả năng chuyển là rất ít vì hầu hết doanh nghiệp tại Đài Loan đều gặp khó, hoạt động cầm chừng", ông nói.
Về việc giải quyết quyền lợi của nhóm lao động xuất cảnh vào tháng 10/2008, Phó giám đốc Sơn khẳng định sẽ thực hiện đúng cam kết, đúng quy định của nhà nước, là hoàn trả khoản 3.400 USD, thời hạn thanh lý hợp đồng 25-28/2. "Chúng tôi sẽ xem xét hoàn cảnh cụ thể của từng lao động để cân nhắc hỗ trợ thêm. Ngoài ra, những lao động phải về nước trước hạn sẽ được công ty đưa vào danh sách nhận hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước", ông Sơn cho biết.
Hiện không chỉ AIC, rất nhiều công ty xuất khẩu lao động sang Đài Loan đã phải làm thủ tục thanh lý hợp đồng cho lao động về nước trước thời hạn. Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng ban Quản lý lao động tại Đài Loan, cho biết khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến hơn 2.000 lao động Việt Nam phải về nước từ cuối năm 2008 đến nay.
Theo quy định của Đài Loan, lao động có thể đăng ký tìm chỗ làm mới, không bị hạn chế số lần chuyển chỗ làm, cũng như lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận, khả năng tìm việc mới chỉ 10%. Sau 60 ngày, nếu lao động không tìm được việc mới thì phải về nước. Họ được chủ sử dụng cấp vé máy bay và bồi thường 1 tháng lương cơ bản theo hợp đồng một năm làm việc (trường hợp làm việc chưa đủ 2 tháng thì không có khoản tiền bồi thường này).
Không chỉ Đài Loan, theo tìm hiểu của VnExpress.net, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động tới rất nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Tại Malaysia, nhiều lao động phải về nước trước hạn. Một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, số phải về nước ít hơn, nhưng lao động không có việc làm thêm, thu nhập giảm.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tình hình suy thoái kinh tế ngày càng nghiêm trọng, mục tiêu xuất khẩu 90.000 lao động trong năm nay của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là rất khó khả thi.
Hồng Khánh