- Từng làm việc cùng cậu ở tuyển Anh giai đoạn 2015-2016 và chứng kiến những gì cậu trải qua khoảng 12 – 18 tháng qua, câu hỏi đầu tiên của tôi là cậu ổn chứ?
- Tôi nhận được hỏi câu này khá nhiều. Sau một thời gian dài, giờ tôi có thể trả lời là mình cảm thấy tinh thần đã ổn trở lại, có thể là ổn nhất từ trước đến nay. Tôi cũng đã hồi phục sau chấn thương và dần tìm lại được niềm đam mê với bóng đá.
- Cụ thể thì chuyện gì đã xảy ra với cậu trong quãng thời gian đó?
- Đây có lẽ là lúc thích hợp để tôi nói ra những điều mà từ trước đến nay tôi tìm cách giấu kín, những điều mà tôi sợ cho người khác biết. Sau khi trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ, tôi phải lên bàn mổ (cho ca phẫu thuật ở hông hồi tháng 4). Lúc đấy, tinh thần tôi rất tệ và tôi quyết định tìm đến một cơ sở hồi phục/cai nghiện hiện đại. Ở đó, họ giúp những người bị nghiện hoặc mắc các vấn đề về tâm lý, bị tổn thương tinh thần.
Thành thật mà nói, tôi bấy giờ rơi vào một chu kỳ tồi tệ. Tôi duy trì những thói quen có hại cho bản thân. Tôi tìm cách thức dậy mỗi ngày, chiến thắng trong cuộc chiến của chính mình và tỏ ra mỉm cười khi bước ra sân tập. Nhưng bên trong, tôi biết mình đang là kẻ thua cuộc. Vì thế, đến lúc phải thay đổi. Khi hay tin phải phẫu thuật, tôi sợ rằng cái chu kỳ ấy sẽ lại diễn ra và tôi không muốn một chút nào.
Thế là tôi đến trung tâm hồi phục đó trong khoảng sáu tuần. Tôi sẽ biết ơn Everton (CLB chủ quản của Dele Alli) mãi mãi vì CLB đã hỗ trợ tôi tuyệt đối suốt quãng thời gian đó, thú thật tôi không thể đòi hỏi gì hơn. Đi hồi phục nghĩa là tôi đã có quyết định quan trọng nhất đời mình, một thứ mà trước đây tôi luôn cảm thấy sợ hãi, nhưng đó lại là quyết định đúng đắn nhất.
Tôi không ngờ rằng mọi chuyện lại hiệu quả đến vậy. Trước đây, cứ mỗi khi ai đó nói về chuyện đi hồi phục hoặc cai nghiện, nó giống như một vết nhơ trong đời vậy. Không một ai muốn phải trải qua chuyện đó cả, vì nó có vẻ đáng sợ. Nhưng nhờ làm vậy mà tinh thần tôi đã hồi phục rất nhiều.
Khi còn trẻ, tôi đã làm nhiều điều ngu xuẩn mà bản thân luôn cảm thấy tự trách mình. Chỉ đến khi đi hồi phục, tôi mới học được nhiều điều, biết rằng có những thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát của bản thân. Những cảm giác tồi tệ tôi từng có, liên quan đến bố mẹ ruột của mình, những thứ từng kiềm chân tôi, giờ tôi đã có thể cho qua.
- Cậu có thể nói rõ hơn được không?
- Tôi đã bị nghiện thuốc ngủ và có lẽ vấn đề này không chỉ mình tôi gặp phải. Tôi nghĩ đây là một thực trạng diễn ra hơn những gì mọi người nghĩ trong thế giới bóng đá.
Hy vọng rằng việc tôi công khai nói về nó có thể giúp ích cho nhiều người. Đừng hiểu sai ý tôi, thuốc ngủ thực ra có tác dụng đấy. Với thời gian biểu của các cầu thủ, khi chuẩn bị bước vào một trận đấu, hay như bạn phải dậy sớm để tập luyện, rồi adrenaline và những thứ khác, thì việc uống một viên thuốc ngủ vào đêm hôm trước và hôm sau cảm thấy cơ thể sảng khoái là tốt. Nhưng khi hàm lượng dopamine trong cơ thể tôi quá nhiều, nó sẽ có tác dụng ngược. Mọi thứ ổn cho đến khi không còn ổn nữa.
Tôi đã thật sự lạm dụng thuốc ngủ. Thực tế thì có lúc tôi dừng lại, không dùng đến chúng trong khoảng vài tháng, nhưng bản thân khi đó lại không thể tìm ra cách đối phó với gốc rễ vấn đề của mình. Mà nguồn cơn của các vấn đề tôi mắc phải là những tổn thương tâm lý khi còn nhỏ.
Tôi đã tìm cách tự mình đối phó, thay vì kể nó với người khác để tìm kiếm sự giúp đỡ. Có thời điểm, gia đình nhận nuôi tôi, cụ thể như anh trai tôi, họ đã phải bật khóc, họ năn nỉ tôi hãy nói cho họ biết suy nghĩ và cảm xúc của tôi, nhưng quả thực tôi không thể. Vì như tôi nói rồi đấy, tôi chỉ muốn tự mình giải quyết, tôi không cảm thấy mình cần phải mở lòng với bất kỳ ai.
Rất nhiều người đã tìm cách để giúp đỡ tôi, vì họ thấy con người tôi không còn như trước. Quả đúng vậy, tôi đánh mất bản thân mình trong suốt nhiều năm. Tôi chỉ càng đẩy mọi người ra xa, không chấp nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào, ngay cả đó là gia đình đã nhận nuôi và cứu vớt cuộc đời tôi.
- Vậy họ có biết việc cậu bị nghiện thuốc ngủ không?
- Chắc là họ cũng được nghe phong thanh đâu đó, nhưng tôi không muốn sự giúp đỡ. Tôi luôn thề với họ rằng tôi chưa bao giờ cần đến thuốc ngủ, đó lại là một phần của vấn đề khi bạn từ chối giúp đỡ, từ chối nói ra sự thật. Tôi luôn tự nói với bản thân rằng mình không phải là một thằng nghiện ngập, tôi không muốn trong mắt họ mình là kẻ nghiện, nhưng tôi đúng là như vậy.
Chỉ đến khi không còn có thể tự mình chịu đựng được nữa tôi mới quyết định đi chữa trị và sẵn sàng kể về nó cho người khác để được giúp đỡ. Nhờ việc đi hồi phục mà tôi mới hiểu ra vấn đề, rằng đã là con người với nhau thì chúng ta một khi đoàn kết, gắn bó với nhau thì sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta không cần phải một mình làm mọi thứ, không cần phải cô độc đối phó với vấn đề. Ý tôi là nếu bạn cảm thấy việc tự mình tìm cách giải quyết khó khăn chỉ càng để lại tác động tiêu cực, đừng ngại tìm đến sự giúp đỡ, bạn không trở nên yếu đuối nếu cần ai đó giúp.
- Nói thật thì thời tôi còn là cầu thủ, việc dùng đến thuốc ngủ không phải là điều gì đó quá bất thường trong bóng đá. Bạn sẽ được bác sĩ cho một viên vào đêm trước ngày diễn ra trận đấu, vì một cầu thủ có thể bồn chồn trước ngày thi đấu, dẫn tới khó ngủ. Đôi khi là cả sau trận đấu nữa. Nhưng việc cậu nói thực trạng lạm dụng thuốc ngủ phổ biến trong bóng đá thì cụ thể là các cầu thủ uống thuốc ngủ trong nhiều đêm liền, hay uống quá liều trong một đêm? Cụ thể với cậu thì việc dùng quá liều là ở mức độ nào, vì từ những gì cậu nói ra nghe có vẻ đáng sợ...
- Đúng là đáng sợ thật, nhất là giờ khi tôi đã cai hoàn toàn và ngẫm lại hồi đó. Trước đây, có quãng tôi không cần dùng đến thuốc ngủ, nhưng vẫn còn cảm giác thôi thúc. Tôi duy trì được sự tỉnh táo trong một giai đoạn, cho đến khi gặp phải chuyện gì đó và những cảm xúc tồi tệ quay lại và tôi cần một lối thoát. Thuốc, rượu bia,... chúng có tác dụng những lúc như thế. Và thế là tôi tìm đến chúng, rất nhiều là đằng khác.
Tôi không muốn nói con số cụ thể, nhưng chắc chắn là rất nhiều, đến nỗi có lúc tôi còn cảm thấy sợ. Bên phía đội bóng sẽ đưa cho bạn thuốc ngủ vì lý do cụ thể, chẳng hạn như để giúp bạn dễ ngủ. Nhưng tôi không dùng thuốc ngủ chỉ để ngủ trong đêm. Tôi còn dùng chúng cả vào ban ngày, để trốn tránh thực tại. Thỉnh thoảng là từ 11 giờ trưa, nếu hôm đấy tôi được nghỉ. Tôi không bao giờ uống thuốc ngủ vào ngày diễn ra trận đấu. Nhưng nếu có ngày nghỉ thì tôi sẽ dùng, như tôi nói là để trốn tránh thực tại.
Bóng đá không dễ như mọi người nghĩ. Nó không phải là đỉnh cao cuộc sống.
- Thuốc ngủ là thuốc được kê đơn từ bác sĩ, vậy hẳn là cậu phải có cách để mua chúng với số lượng lớn?
- Đầu tiên là từ bác sĩ của đội, họ sẽ cho tôi để giúp tôi dễ ngủ. Ban đầu, chắc chắn là tôi được kê đơn với số lượng chấp nhận được. Sau đó, tôi muốn nhiều hơn và một khi đã muốn rồi thì bạn sẽ tự tìm ra cách để mua chúng từ bên ngoài. Với hầu hết người khác, ngần ấy thôi là đủ với họ, vấn đề đã có thể được giải quyết. Nhưng với tôi thì không, vì tôi phải đối phó với những thứ khác mà bản thân không biết rằng việc dùng thuốc ngủ có thể giúp được hay không.
Đừng hiểu sai ý tôi, tôi yêu bóng đá, bóng đá đã cứu đời tôi, tôi nợ bóng đá mọi thứ. Nhưng bóng đá không dễ như mọi người nghĩ. Nó không phải là đỉnh cao cuộc sống. Đúng là bạn có nhiều tiền, bạn có thể làm được rất nhiều thứ nhờ bóng đá, nhưng về mặt tinh thần, mọi người sẽ không thể nào hiểu thấu được những sức ép mà cầu thủ trải qua, cho đến khi thật sự sống với nó.
Giả sử bạn bị chê, bị loại khỏi đội bóng, rằng bạn không đủ giỏi,... ngày nào bạn cũng như phải chiến đấu. Hay như khi bạn thua một trận đấu, tinh thần bạn cũng bị ảnh hưởng mà, những lúc như thế bạn phải cố tỏ ra tươi tỉnh, mỉm cười cho ngày hôm sau.
- Cậu nói rằng mình mới đi hồi phục cách đây vài tuần, nhưng chính xác thì từ lúc nào mà cậu cảm thấy những cảm xúc tồi tệ ập đến với mình?
- Khó có thể xác định chính xác mốc thời gian. Có lẽ khoảnh khắc buồn nhất đối với tôi là khi Jose Mourinho còn làm HLV ở Tottenham, tôi nghĩ khi đó tôi 24 tuổi. Tôi nhớ có một buổi sáng nọ, tôi thức dậy và phải ra sân tập, đó cũng là thời điểm ông ấy quyết định không còn chọn tôi trong đội hình. Tôi thật sự cảm thấy rất tệ khi ấy.
Tôi nhớ mình đã đứng trước gương – nghe thì có vẻ giật gân nhưng đúng là tôi đã nhìn chằm chằm mình trong gương – và tôi đã tự hỏi liệu mình có nên giải nghệ ngay lúc này. Ở tuổi 24 và tôi nghĩ đến chuyện từ bỏ thứ mà tôi yêu nhất. Thật đau lòng khi tôi có suy nghĩ đó vào lúc 24 tuổi. Tôi cảm thấy bị tổn thương và là thứ mà tôi sẽ nhớ mãi.
- Vậy là cũng lâu rồi nhỉ, tầm 3 – 4 năm trước. Và suốt từ đó đến nay cậu cứ luôn mang theo những cảm xúc tồi tệ vậy à? Nghĩa là suốt ngần ấy năm cậu lạm dụng thuốc ngủ, cả việc uống rượu bia liên tục?
- Khoảng thời gian đó, tôi tiệc tùng liên miên. Nhưng những gì báo lá cải nói không đúng với thực tế. Họ gọi tôi là ‘chàng trai tiệc tùng’ ngay từ cả trước khi tôi lâm vào giai đoạn đó. Vì thế, tôi nghĩ cách nhìn nhận của mọi người về tôi khác rất nhiều so với thực tế cuộc sống mà tôi trải qua.
Rất nhiều thứ được tích tụ theo thời gian. Đã là con người thì luôn có xúc cảm, đôi khi chúng ta nghĩ rằng tốt nhất là đè nèn chúng lại, giấu chúng đi và khóa lại. Nhưng theo thời gian, khi những cảm xúc tiêu cực được dồn nén, chúng buộc phải vỡ ra và phơi bày.
Tôi không trách cứ Mourinho, tôi cũng không trách cứ bất kỳ ai. Phản ứng của tôi ngày ấy là không đúng, nhưng đó lại không phải là thứ mà tôi có thể kiểm soát được. Chúng là hiện thực xuất phát từ những tổn thương tôi từng trải qua khi còn trẻ, những thứ mà tôi phải ôm lấy trong suốt cuộc đời. Đôi khi tôi lại thấy biết ơn vì chúng ập đến vào giai đoạn đó, lúc mà tôi không cảm thấy gì, lúc mà tôi không tìm được mục đích sống của bản thân. Tôi không nhớ nổi là tại sao, tại sao tôi lại như vậy, tại sao tôi lại làm như vậy.
Chuyện đấy xảy ra và đã kết thúc, nghĩa là tôi vẫn còn có thể bám víu vào một thứ gì khác để dừng lại. Tôi muốn nói rằng mình không có ý đổ lỗi cho bất kỳ ai. Tôi cho rằng chính tôi đã luôn tìm cách chống lại mình trong mọi việc – tôi là anh hùng và cũng là kẻ thù của chính mình.
Đã đến lúc tôi cần phải dễ bị tổn thương hơn, để mọi người có thể hiểu tôi nhiều hơn. Vì rất nhiều vấn đề phát sinh từ việc tôi không chịu cởi mở, không cho phép người khác được bước vào, chỉ vì đó là cách mà tôi cảm thấy an toàn. Tôi từng nghĩ nếu mọi người biết về cuộc sống của tôi, họ sẽ dễ làm tổn thương tôi hơn, vì vậy tôi cần phải giấu kín nó và không cho ai khác biết. Nhưng càng làm vậy, tôi càng cảm thấy tệ đi.
Tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều có lúc cố chấp không muốn thay đổi, vì đó là con người của chúng ta, chúng ta sợ đánh mất bản ngã của mình. Nếu việc là chính mình khiến bạn cảm thấy hạnh phúc thì chúc mừng bạn, nhưng có thể đến một thời điểm nào đó khi mọi thứ không còn ổn nữa, bạn cần phải chấp nhận thay đổi và tôi từng đến cái giới hạn ấy.
- Cậu nói là mọi người không biết cậu từng phải trải qua những chuyện gì trong cuộc sống. Đúng là vậy, bản thân tôi cũng không rõ tuổi thơ của cậu ra sao. Chúng tôi chỉ biết rằng có thời điểm cậu quyết định đổi tên trên áo đấu của mình, điều đó cho thấy khả năng là cậu từng có vấn đề gì đấy với bố mẹ ruột. Cậu có thể kể cho chúng tôi nghe đôi chút về tuổi thơ của cậu được không?
- Thật sự thì tôi chưa bao giờ muốn nói về tuổi thơ cho người khác. Có vài chuyện tôi có thể kể ra, phần nào sẽ giúp anh và mọi người hình dung được.
Năm lên 6, tôi từng bị một người bạn của mẹ đẻ lạm dụng tình dục, người này rất thường xuyên đến nhà của tôi. Mẹ tôi thì lại là một người nghiện rượu nặng...
(Dele Alli đã bật khóc vào lúc này, Gary Neville ngồi đối diện cũng rưng nước mắt. Cả hai dừng lại trong hơn 10 giây trước khi Dele trấn an và tiếp tục câu chuyện)
... Đó là khi tôi mới 6 tuổi. Sau đó, tôi từng bị gửi sang châu Phi để được ‘uốn nắn’ và rồi quay lại Anh. Năm lên 7, tôi bắt đầu hút thuốc. Năm lên 8, tôi bắt đầu bán ma túy...
- Bán ma túy?
- Phải, bán ma túy. Một người đàn ông lớn tuổi nói rằng cảnh sát sẽ không chặn một đứa nhóc đi xe đạp lại để kiểm tra, vì thế tôi đi xe đạp với trên quả bóng trên người và bên trong tôi giấu ma túy. Đó là năm tôi 8 tuổi. Năm 11 tuổi, tôi từng bị treo trên một cây cầu...
- Bởi ai?
- Bởi một người đàn ông gần nhà.
Năm lên 12, tôi được nhận nuôi bởi một gia đình khác. Đó là một gia đình tuyệt vời, tôi không thể cầu mong gì hơn. Nếu Chúa thật sự tạo ra loài người thì đúng là Chúa đã tạo ra bố mẹ nuôi của tôi. Họ quá tốt với tôi và đã giúp đỡ tôi rất nhiều.
Khi sống với họ, thật khó để tôi có thể mở lòng, vì sâu bên trong tôi cảm thấy rằng nếu kể cho họ nghe về tuổi thơ trước đó, có thể họ sẽ tìm cách bỏ rơi tôi. Tôi đã cố gắng để là một đứa con ngoan trong mắt họ. Tôi ở với họ từ 12 tuổi và sau đó thì bắt đầu đến với bóng đá chuyên nghiệp vào năm 16 tuổi. Mọi thứ như được cất cánh từ lúc ấy.
- Vậy nghĩa là cậu chỉ có một cuộc sống bình yên đâu đó khoảng 3 – 4 năm, tức từ năm 12 cho đến 15 hoặc 16 tuổi, trước khi tất cả những chuyện tồi tệ khác lại ập đến?
- Đại loại vậy. Đây lại là một lý do khác mà vì sao tôi lại sợ kể cho người khác biết, tôi không muốn mọi người cảm thấy tôi đáng thương. Khi người khác có cảm giác đó, từ sâu trong lòng, tôi không thể chấp nhận được.
- Cậu nói rằng mình từng bị đưa đến châu Phi để được uốn nắn. Nghĩa là sao?
- Lúc ở trung tâm hồi phục, các bác sĩ nói rằng tôi không được có suy nghĩ rằng mình là một đứa trẻ hư, nhưng đúng là khi còn nhỏ, tôi hư hỏng thật, tôi thường xuyên gặp rắc rối với cảnh sát. Tôi như một đứa trẻ không có luật lệ, tôi lớn lên theo cách đó.
Như tôi đã kể, mẹ tôi nghiện rượu nặng và tôi không hề trách bà ấy vì tất cả những gì đã xảy ra. Nhờ đi hồi phục mà tôi mới cảm thấy mình hiểu hơn hoàn cảnh của bà, những thứ bà đã phải trải qua, gần như cuộc sống của bà chỉ có vậy. Như việc bà quyết định để tôi được một gia đình khác nhận nuôi, cả bà và tôi đều hiểu tôi cần được như vậy, đó là cơ hội để tôi có một cuộc đời mới. Bằng không, cuộc đời của tôi rồi sẽ giống như của bà.
Bố ruột của tôi, ông ấy sống ở châu Phi. Thế nên tôi được gửi đến đó. Ban đầu, ý định là tôi sẽ ở đó trong một năm. Nhưng ở đấy mọi thứ thật kinh khủng. Tôi không muốn ở đó chút nào. Tôi không có ý xúc phạm hay chê bai nguồn cội bản thân gì cả, không hề. Chỉ là đến đấy khi gia đình tôi không có đồng bạc nào trong người, chúng tôi phải sống 10 người chỉ trong một căn nhà, giống như một ổ ma túy vậy; rồi cả sự thay đổi văn hóa đột ngột, nên tôi không muốn đến đó. Tôi càng trở nên nghịch ngợm và sau sáu tháng thì tôi bị đuổi về Anh...
- Đuổi về bởi bố đẻ?
- Đúng thế.
- Cậu có còn nói chuyện với bố đẻ của mình nữa không?
- Không. Có một quãng ông ấy biến mất. Đến khi tôi bắt đầu được chơi cho tuyển Anh, ông ấy xuất hiện. Với mẹ đẻ thì khác, tôi từng nói chuyện với bà ấy rất thường xuyên, vì tôi muốn giúp bà. Nhưng giờ không còn như thế nữa.
Khi tôi 18 tuổi, bố mẹ đẻ của tôi lên báo và bắt đầu nói xấu gia đình nhận nuôi tôi, rồi họ muốn tôi quay về. Nhưng tôi không bao giờ muốn đi. Trong khi, chính bố mẹ nuôi của tôi luôn tìm cách khuyên tôi rằng ‘Bà ấy vẫn là mẹ đẻ của con’. Tôi nghĩ điều đó thôi cũng đã đủ nói lên nhiều điều về bố mẹ nuôi của tôi, những con người tuyệt vời.
Có lúc, bố mẹ đẻ của tôi còn lên báo nói rằng gia đình nhận nuôi tôi đang tìm cách trục lợi từ các hợp đồng của tôi. Tôi không nói chuyện với bố đẻ tôi trong nhiều năm rồi. Vì tôi biết những chuyện đó không xuất phát từ ý định của mẹ đẻ tôi, bà ấy không bao giờ làm thế, bà ấy chẳng bao giờ muốn rời khỏi khu bà ấy sống là Milton Keynes.
Tôi cảm thấy như bị phản bội, thật sự thất vọng. Tôi đau đớn khi mình không thể tiếp tục giữ quan hệ với mẹ ruột của mình. Còn với bố ruột, tôi không muốn có bất kỳ mối quan hệ gì với ông ấy cả.
- Với tất cả những gì cậu đã trải qua, liệu cậu có cho rằng việc mình kể ra câu chuyện này có thể giúp những người khác, dù là trong giới bóng đá lẫn những người ở các lĩnh vực khác?
- Tôi nghĩ vậy. Những gì đã trải qua giúp tôi thật sự hiểu được mục đích sống của mình. Kiểu như sau tất cả, tôi mổ xẻ lại quá khứ và tìm kiếm câu trả lời vì sao tôi lại ở đây, điều gì mà tôi muốn trong đời.
Tôi biết trên sân bóng mình có thể làm được gì. Tôi nghĩ mình cũng đã cho mọi người thấy khả năng của mình và giờ cái cảm giác muốn chứng minh bản thân đã trở lại. Cái cảm giác mà tôi có trước đây, khi đến với Tottenham ấy, khi tôi muốn chiến đấu, muốn thể hiện mình, cảm nhận được rất nhiều tình yêu và đam mê từ bóng đá. Sau nhiều năm, tôi mới lại có được cảm giác này. Mặt khác, tôi cũng muốn truyền cảm hứng cho những người không phải là cầu thủ.
Mourinho gọi tôi là lười biếng. Một tuần sau đó, ông ấy đã xin lỗi.
- Khi cậu ở giai đoạn hạnh phúc nhất trong đời, tôi cảm thấy rằng xung quanh cậu luôn có những người dìu dắt đúng nghĩa. Đó có thể là gia đình nhận nuôi cậu, những người mang đến một cuộc sống bình yên cho cậu. Hay như đó là tại Tottenham, với HLV Mauricio Pochettino và quả thực khi ấy, cậu có được sự nghiệp đỉnh cao. Có phải đây mới chính là yếu tố quan trọng mà cậu luôn cần trong cuộc sống của mình? Cậu cần những sự dìu dắt, chỉ bảo mà tuổi thơ cậu không thể có được?
- Tôi nghĩ đúng là vậy. Pochettino là HLV xuất sắc trong mắt tôi. Thời đó, tôi không cần gì hơn ngoài một HLV như ông ấy. Ông ấy cùng các trợ lý của mình, những người như Jesus Perez, Miguel d’Agostino, Tony Jimenez, họ đều là những người thầy tuyệt vời. Họ tìm cách thấu hiểu bạn. Giữa bạn và họ không chỉ đơn thuần là mối quan hệ thầy trò, nó còn sâu sắc hơn thế. Pochettino luôn thấu hiểu những quyết định của tôi, ông ấy chỉ bảo, dẫn lối cho tôi, quan tâm tôi trước tiên là với tư cách của một con người, rồi sau đó mới tới vấn đề chuyên môn. Đấy lại là những thứ tôi cần nhất khi ấy. Và với những cầu thủ trẻ cũng như vậy.
Khi bạn đến một nơi nào đó mới mẻ, bạn thường sẽ luôn có cảm giác sợ hãi. Nhưng ngày ấy tôi không cảm thấy sợ, tôi chỉ tìm cách thể hiện bản thân mình, vì tôi cảm giác Pochettino luôn biết cách để tạo nên một nền tảng cho tôi phát huy bản thân và được thoải mái. Tôi đơn giản là không thấy sợ gì cả, chỉ có sự mạnh mẽ thôi. Nhưng mặt khác, tôi nhận ra rằng dũng cảm cũng có nghĩa là bạn cần có nỗi sợ, song Pochettino cho phép tôi được thỏa sức thể hiện.
Pochettino đã có tác động quan trọng lên giai đoạn sự nghiệp đó của tôi. Thế nên, khi ông ấy rời đi, tôi liền gặp khó. Với những HLV mới sau này, tôi cảm thấy khó có thể mở lòng với họ, cứ như thể mọi thứ đều giả tạo vậy. Khi những HLV tìm cách nói chuyện với tôi, tôi cảm thấy những cuộc trò chuyện không thật.
Khó để giải thích cụ thể. Chỉ là có thể vấn đề nằm ở bản thân tôi, nằm ở cái đầu và cái tôi ngang bướng của tôi. Tôi không muốn cởi mở với họ, và tôi cũng cảm thấy không một ai trong số họ thật sự muốn hiểu rõ tôi ở góc độ cá nhân. Vì vậy, tôi khó lòng toàn tâm toàn ý và chiến đấu hết mình. Về lâu dài, chính bản thân tôi mới là người chịu thiệt.
- Trong một tập của bộ phim tài liệu về Tottenham trên Amazon Prime, cậu từng bị Jose Mourinho gọi là lười biếng. Rồi sau đó là một cuộc nói chuyện riêng giữa cậu và ông ấy, ở đó Mourinho nói về việc làm sao để cậu có thể phát triển được hết tiềm năng của mình. Cậu thấy sao về những sự việc đó, vì bản thân tôi khi làm việc với cậu ở tuyển Anh, tôi không hề nhận thấy cậu là một cầu thủ lười biếng. Dele Alli trong mắt tôi luôn là một tiền vệ box-to-box tràn đầy năng lượng. Thế nên sau này khi người ta nói về cậu bằng cụm từ lười biếng, tôi cảm thấy sốc. Liệu có phải cái mác đó đã để lại những ảnh hưởng không tốt cho bước đường sự nghiệp mà về sau cậu trải qua?
- Tôi mừng vì anh hỏi tôi về chuyện đó. Mourinho gọi tôi là lười biếng trong một buổi sau hôm tập hồi phục. Một tuần sau đó, ông ấy đã xin lỗi tôi vì gọi tôi như thế, vì ông ấy thật sự thấy tôi có tập luyện chăm chỉ. Nhưng chi tiết này không bao giờ được đưa vào bộ phim tài liệu, không một ai nói về nó vì Mourinho chỉ nói riêng với tôi.
Ý tôi muốn nói là, những gì đôi khi bạn trông thấy không hẳn là bản chất vấn đề. Với mạng xã hội và tất cả những thứ tồn tại ngày nay, chúng tôi có thể dễ dàng khắc họa một ai đó mà vốn dĩ lại không đúng sự thật. Sau này, tôi nghĩ mọi người đã thật sự mặc định tôi với cái mác lười biếng đó. Thậm chí, một số HLV cũng lầm tưởng như vậy. Kiểu như để tìm một lý do nào đó giải thích cho việc tôi không được ra sân, thì chọn lấy cái lý do lười biếng là dễ nhất rồi.
- Thời còn ở Tottenham, có một cầu thủ đàn anh nào trong đội mà cậu xem là tấm gương, một kiểu cầu thủ luôn tìm cách che chở, bảo ban cậu không?
- Thời đó chúng tôi là một tập thể trẻ, nhưng vẫn có những người mà tôi dành rất nhiều sự nể trọng và cũng là những người anh em tốt. Tôi nghĩ chắc là không một ai trong số họ thật sự biết tôi làm gì, thế nên tôi tìm cách che giấu họ, tỏ ra không thành thật với họ.
Chẳng hạn như Eric Dier, một người anh em tốt. Bạn có thể dễ dàng nhận ra đâu là bạn bè thật sự ngay tức thì, vì đó là những người không phải lúc nào cũng nói có với bạn. Như thế lại mới giúp ích cho chính bạn và họ sẽ luôn có một chỗ đứng quan trọng trong lòng tôi. Những người như Eric, Harry Kane, Son Heung-min hay Ben Davies, họ không tán thành những gì tôi làm ngày ấy. Nếu họ mà biết tôi làm gì sao, họ sẽ không ngần ngại nói ra. Thậm chí, chẳng hạn như Harry và Eric, họ luôn nói ra một cách thẳng thừng, không phải nói trước đám đông mà sẽ nói riêng với tôi.
Đôi lúc họ phát hiện ra ngay từ biểu hiện trên gương mặt tôi. Thật khó để tôi có thể giấu giếm điều gì trước họ. Nhưng như tôi nói rồi, ngày ấy tôi mặc kệ, tôi không quan tâm, tôi không cần ai giúp đỡ. Tôi như bị tê liệt trước vạn vật, mà đến cả gia đình nhận nuôi tôi từng bật khóc cũng không làm tôi hé miệng.
Đó là những người anh em với những câu chuyện mà giờ ngẫm lại tôi cảm thấy buồn vì mình đã ngang bướng không lắng nghe, nhưng cũng là những người anh em tôi tự hào có được.
- Với những gì đã nỗ lực trong những tháng ngày qua, liệu cậu có nghĩ mình đã sẵn sàng để tìm lại đẳng cấp chơi bóng như giai đoạn từ 2015 – 2018, như hồi còn ở Tottenham dưới thời Mauricio Pochettino?
- Tôi không muốn trở lại làm cầu thủ như giai đoạn đó, tôi muốn mình phải tốt hơn thế nữa cơ, ở khía cạnh chuyên môn lẫn con người. Nhìn lại giai đoạn ấy, tôi nghĩ ‘Ừ, mình hay đấy’, nhưng tôi không thỏa mãn. Nó giống như việc bạn không thể lái xa mà lúc nào cũng nhìn vào gương chiếu hậu, bạn không thể cứ níu giữ quá khứ mãi được. Giờ tôi chỉ mong chờ vào cuộc hành trình mới mà bản thân sẽ trải qua sắp tới. Tôi thật sự đã tìm lại niềm đam mê với bóng đá, các bạn có thể tin là như vậy và tôi thật sự đúng là như vậy.
- Với những gì cậu đã kể trong cuộc trò chuyện này, cậu có mong chờ điều gì vào những tác động trong câu chuyện của mình đến những người khác trong thời gian tới không?
- Tôi hy vọng nó có thể giúp được nhiều người. Trước tiên thì nó sẽ giúp cho chính tôi. Vì tôi muốn giải thích và được trút bỏ những gánh nặng, tôi muốn nói theo cách mà tôi cảm thấy đó mới là sự thật. Vì như tôi đã nói, người ta có thể viết những câu chuyện theo cách họ muốn trên các mặt báo. Tôi tin chắc sau cuộc trò chuyện này, họ cũng sẽ chọn ra những tiêu đề mà họ muốn, như kiểu để giật tít câu view ấy.
Tôi đã đọc quá nhiều câu chuyện được viết về bản thân mình và chúng không đúng tí nào. Tôi không nói rằng mình đã là mục tiêu xâu xé của báo chí, tôi không rõ chuyện đó. Nhưng tôi biết là mình đã không tự giúp chính bản thân, khi tự đặt mình vào thế yếu, làm những thứ ngu xuẩn, để trở nên quá dễ dàng làm đối tượng khai thác của báo chí. Giờ, tôi không quan tâm họ sẽ viết gì tiếp theo, miễn là tôi có thể giúp một ai đó dám bước ra và thay đổi cuộc đời của chính họ, đó mới là tất cả những gì tôi cần qua lần chia sẻ này.
- Cậu nói rằng mình sẽ không bao giờ trách cứ hay đổ lỗi cho bất kỳ ai sau tất cả những gì cậu đã trải qua. Nhưng hôm nay ngồi đây, cậu có cảm thấy rằng nếu như ngày xưa cậu được chỉ đường dẫn lối, được dìu dắt tốt hơn, thì có lẽ cậu đã trở thành một con người tốt hơn?
- Đúng là tôi đã có thể được nuôi dạy tốt hơn. Cụ thể như cho đến trước năm tôi 12 tuổi. Trước đấy, tôi như đứa trẻ bất trị, hư hỏng, không luật lệ. Hầu hết mọi đứa trẻ năm lên 7 đều phải ở trong nhà, còn tôi ngày đó thì trong người luôn có chìa khóa nhà và tôi có thể đi ra đi vào bất kỳ lúc nào mình muốn.
Nếu tôi có một người lớn nào đó chăm sóc và bảo hộ như bao đứa trẻ bình thường khác, có thể đã khác. Nhưng tôi không trách mẹ tôi vì điều đó, vì như tôi đã nói, nhờ việc đi hồi phục mà tôi hiểu mẹ mình nhiều hơn. Tôi luôn nhìn vào bản thân mình trước tiên, lỗi lầm là do tôi và tôi luôn muốn tự chịu trách nhiệm, tôi đã cố gắng giải thích như vậy khi đi hồi phục.
Nếu tôi không chơi tốt, tôi là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Không ai khắt khe với bản thân tôi hơn chính tôi, vậy nên khi chuyện đổ bể, bất kể người ngoài có nói góp thế nào, tôi vẫn cảm thấy người có lỗi là mình. Tôi không bao giờ đánh giá bản thân mình từ những sai lầm, tôi luôn đánh giá rằng mình sẽ học được gì từ những sai lầm đó.
Không phải lúc nào làm vậy cũng tốt và từ giờ, sau những gì tôi học được trong vài tháng qua, tôi sẽ bắt đầu cảm thấy tự hào hơn từ những gì mình trải qua. Vì nếu tôi có phạm sai lầm thì liệu bản thân đã làm được gì để sửa chữa sai lầm đó? Liệu mình có thật sự cố gắng để trở thành một con người tốt hơn chưa? Tôi nghĩ là mình đang như thế và tôi sẽ tìm cách giúp đỡ những người khác, cố gắng không chỉ là một cầu thủ tốt mà còn là một công dân tốt, để truyền cảm hứng cho những người trẻ lẫn những người khác nữa.
Thay vì tìm cách đổ lỗi, tôi phải cảm ơn đến rất nhiều người. Vì chính những giai đoạn khó khăn trong đời mà họ mang đến mới giúp tôi trở thành một con người cứng cỏi hơn bây giờ, nhờ vậy mà tôi cảm thấy có dũng khí hơn, kiên cường hơn để giúp tôi vượt qua những thử thách mà khi chúng giáng xuống, tôi vẫn có thể đương đầu được. Tôi phải cảm ơn họ vì giúp tôi có được sự khát khao và niềm đam mê để tiếp tục chiến đấu và chứng minh rằng họ đã sai.
- Cậu còn 12 tháng nữa trong hợp đồng với Everton, cậu có lẽ sẽ cần thêm vài tuần nữa để hoàn toàn hồi phục sau phẫu thuật. Liệu cậu có hy vọng một khi trở lại, cậu sẽ nhanh chóng chiếm được một suất trong đội hình đá chính không?
- Bất kể chuyện gì diễn ra sau năm nay, thậm chí sớm hơn nữa thì khi tôi trở lại cùng Everton, chúng tôi cũng sẽ quyết định xem đâu là giải pháp tốt nhất cho đôi bên...
- Giữa cậu và HLV trưởng Sean Dyche có nói chuyện với nhau về chuyện tương lai hay chưa?
- Tôi và Sean đã có những cuộc nói chuyện rất cởi mở cùng nhau, không hẳn là về bóng đá không vì tôi vẫn còn đang chưa bình phục sau chấn thương. Tôi phải nói lời cảm ơn đến ông ấy. Vì với một người chưa thật sự biết rõ về con người tôi, lại vớ phải trường hợp như của tôi, thì ông ấy đã cho thấy sự thấu hiểu và động viên của mình đối với tôi.
Những cuộc nói chuyện giữa tôi và ông ấy chủ yếu tập trung vào việc tôi hồi phục để trở lại chơi bóng và cho Sean thấy được khả năng của mình. Tôi chỉ cần có vậy, rồi sau đó sẽ trở lại, tận hưởng bóng đá một lần nữa. Tôi đang cảm thấy rất thoải mái và hưng phấn. Tôi sẵn sàng cho mùa giải mới và sẽ càng sẵn sàng để đương đầu trước mọi thử thách.
- Thế cậu có nói chuyện với các đồng đội của mình về những gì bản thân đã trải qua trong vài tháng rồi không?
- Những đồng đội của tôi ở Everton không biết tôi đã ở đâu, nhưng khi tôi trở lại vào vài ngày trước, chúng tôi cũng đã có những cuộc nói chuyện, họ rất ủng hộ và động viên tôi, cũng như hiểu cho hoàn cảnh của tôi. Có thể vì đó là những người thật sự hiểu rõ con người tôi. Mặc cho người ngoài nghĩ gì, nói gì, các đồng đội ở Everton biết rõ tôi và tôi tin là họ cũng mong những điều tốt đẹp nhất dành cho tôi. Tôi cũng đã mở lòng với họ hơn rất nhiều rồi.
Tôi cũng có gặp một số đồng đội cũ, vài người là ở Tottenham. Vì đã từng cùng nhau trải qua những năm tháng đầy hãnh diện ở đó nên tôi cũng dễ dàng kể cho họ nghe việc tôi đã ở đây, vì sao lại làm thế,... tôi đoán là họ cũng muốn biết chuyện gì đã xảy ra với tôi suốt thời gian qua. Tôi hy vọng là mọi người đã có thể hiểu thêm một chút về con người tôi.
- Liệu còn có điều gì cậu muốn nói thông qua chương trình này nữa không?
- Tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa rằng mọi người không cần phải sợ sệt gì nếu chọn thay đổi. Thay đổi lúc nào cũng khó, vì bạn sẽ không còn thoải mái như trước đó. Nhưng một khi có cảm giác đó, đấy chính là lúc bạn phải nhảy khỏi vùng an toàn, tìm kiếm sự thay đổi, vì mặt khác của nỗi sợ và sự thay đổi chính là những điều tích cực rồi sẽ đến. Hy vọng, câu chuyện của tôi cùng những trải nghiệm của bản thân sẽ có thể hữu ích với mọi người.
Hoàng Thông (theo The Overlap)