Tôi của câu chuyện chính là gió. Tôi mơn man nhẹ nhàng trong nắng sớm, tôi ru lòng người lúc tơ vò trong họ, tôi mang lại ký ức xa xôi, tôi là nhân chứng cho câu những cảnh đời buồn bã đang xảy ra trong thực tại và hơn ai hết, tôi khiến họ hiểu được giá trị của mình.
![]() |
Không gian của "Cánh đồng gió". Ảnh: Huỳnh Đức. |
Câu chuyện nặng mà bay bổng, chất chứa nhưng lại rất thanh thản. Bà Năm, người mẹ mang trong mình giọt máu của kẻ thù sau vụ cưỡng hiếp, sinh con ra, chứng kiến nó lớn lên, chẳng vẽ cho con hình tượng một người cha đẹp đẽ, nhưng cũng không dạy cho nó căm thù cha, vì rất đơn giản, "con không có cha, chỉ có mẹ trong cuộc đời này". Cháu của bà, đứa con gái 13 tuổi bị tâm thần, bị cha chối bỏ vì muốn đi thêm bước nữa, có xót xa trong lòng, cảm nhận rằng "cha không thương Bì", nhưng vẫn muốn tin rằng đó chỉ là một trò chơi.
Hai người phụ nữ ấy, một tóc đã điểm bạc, một đầu vẫn còn xanh, cùng chịu chung nỗi đau trong thầm lặng. Xót xa trong họ có thể "cứa" lòng người khác, có thể "nổ tung" để giải thoát, nhưng lại có một cái lý riêng để cam chịu, vì họ đang hy sinh cho "ruột thịt" của mình. Hy sinh cho con, cho cha của mình, đau một chút thì có gì to tát. "Ở đời, chỉ cần "một giọt máu đào" là khiến con người ta đã có thể sống chết vì nó", chân lý đã nghe quen mà vẫn thấm đượm ngọt ngào trong vở kịch này. Vì lẽ đó, "giọt máu đào" trong Cánh đồng gió không bị đem cân đo là hơn kém với "ao nước lã", mà vẫn làm người xem cảm động, nhói lòng.
![]() |
Sống hạnh phúc vì "một giọt máu đào". Ảnh: H.Đ. |
Long, người con, người cha của 2 bà cháu ấy dường như cũng khiến người ta thương hơn là giận. Anh chìm giữa những nỗi đau quá lớn: mất người vợ tuyệt vời, người yêu ra đi chỉ vì con riêng bị tật nguyền... Từ đó, phải dằn vặt lựa chọn giữa con và tình yêu khi gặp Thảo, một cô gái lý tưởng để "đi bước nữa". Người cha tưởng là nhẫn tâm chối bỏ con, vô tình trước nỗi đau của mẹ, cũng đã hơn một lần nhói đau vì bắt con mình gọi bằng chú, cũng nổi khùng khi người khác xúc phạm đến người cha mình chưa hề biết mặt. Điều này cũng là vì trong anh mang nặng 2 chữ "ruột thịt".
Đáng lắm chứ sự hy sinh thầm lặng của bé Bì và bà Năm, hạnh phúc đã ấm áp tỏa sáng trong căn nhà lá nghèo bên cánh đồng gió. Để từ đó, xung quanh họ tiếp tục là những niềm vui nối tiếp. Đó là sự vị tha, thật thà của Thảo, cô nhà báo hay quên - người yêu của Long, sẵn sàng chấp nhận đứa con tật nguyền của người yêu bằng cả tấm lòng mình. Ông Tám "Nổ" chờ đợi bà Năm hàng chục năm trời, chọn những câu nói tình tứ vu vơ của bà làm lẽ vui, dù không ít khi trong lòng gợn sóng, muốn bộc phát tình yêu chôn kín của mình. Họ hy sinh, chờ đợi nhau như một lẽ đời đẹp đẽ, tự nhiên mà những con người nhân hậu dành cho nhau. Tình cảm hiện diện tự nhiên và sâu nặng là vậy.
Cái kết mở để hiểu rằng hạnh phúc có thể không đến với 5 nhân vật này, có thể đến với họ nhưng không trọn vẹn vì một vết nứt nào đó trong quá khứ, hiện tại, nhưng bù lại họ có nhau và cùng nhau vươn đến những ngày tươi đẹp hơn. Nơi hạnh phúc ấy tồn tại có không khí của cánh đồng gió vốn đã lồng lộng sự dịu dàng, mát mẻ, càng trở nên trong lành, tinh khiết hơn.
![]() |
5 nhân vật chính của "Cánh đồng gió". Ảnh: H.Đ. |
Kịch được dựng trên sân khấu với những trang trí giản đơn, hình ảnh lãng mạn: bến nước, con sông, lũy tre làng, cánh diều... Những chi tiết ấy gợi một sự yên bình thanh thản, giữa những nỗi đoạn trường trong cuộc sống con người. Nhạc nền bài hát Quê hương tuổi thơ tôi của Từ Huy và Nương chiều của Phạm Duy cũng thật hợp tình, hợp cảnh, góp phần vào bức tranh Nam bộ tuyệt đẹp mà đạo diễn đã vẽ nên.
Về diễn viên, bên cạnh 2 "cây đa cây đề" - NSƯT Hồng Vân và NSƯT Bảo Quốc - Thanh Thúy, Vân Anh có 2 vai mới lạ, diễn khá sinh động.
Tác phẩm chứng tỏ tài năng của Đức Thịnh đã vào độ chín. Vai Long trong kịch chính là thành công kép của chàng đạo diễn.
Vở được công diễn tại sân khấu Phú Nhuận từ 16/8.
Đỗ Duy