James Foley - người bị phiến quân hồi giáo hành quyết vài ngày trước tại Iraq là nhà báo thứ 2 của Mỹ gặp nạn khi bị bắt tại nước ngoài, sau vụ Daniel Pearl của Wall Street Journal bị sát hại tại Pakistan năm 2002. Pearl làm việc cho một trong những hãng tin tức lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Foley là phóng viên tự do cho GlobalPost - một tờ báo mạng chỉ có 28 nhân viên chính thức.
Đối lập này phản ánh thay đổi trong ngành công nghiệp tin tức, Reuters nhận định. Những năm gần đây, ngành này đang mạnh tay cắt giảm nhân sự và ít hào hứng với các bản tin quốc tế, trong đó có tin chiến tranh.
Ít nhất 20 tờ báo Mỹ từng có văn phòng tại nước ngoài, như Baltimore Sun, Los Angeles Times và Boston Globe đã đóng cửa các cơ sở này và thu hẹp quy mô bản tin quốc tế, theo nghiên cứu của Pew Research Center. Các kênh truyền hình lớn tại Mỹ như ABC, NBC và CBS đều giảm thời lượng cho bản tin nước ngoài xuống chưa đầy một nửa so với cuối thập niên 80, báo cáo này cho biết.
Ngược lại, rất nhiều tờ báo nhỏ như GlobalPost, Vice Media hay BuzzFeed lại đang tăng cường đưa tin từ các vùng đang xảy ra xung đột. Các phóng viên tự do với smartphone và camera cầm tay cũng đổ đến đây để tự tác nghiệp mà không cần hỗ trợ của hãng tin tức nào.
Theo Guardian, rất nhiều phóng viên tự do hiện nay phải làm việc mà không được mua bảo hiểm, không được thanh toán chi phí và thậm chí còn chẳng có hỗ trợ vé máy bay về nhà. Tom A. Peter, một phóng viên tự do chuyên đưa tin Trung Đông cho biết trên IBTimes rằng anh không được trả bảo hiểm y tế và nhiều phúc lợi khác. Để được bảo hiểm khi hoạt động tại vùng chiến sự, anh phải trả 2.700 USD cho chương trình huấn luyện “Hostile Environment” (môi trường chiến tranh) tại Anh. Sau đó, anh lại mất thêm 600 USD phí bảo hiểm mỗi năm. Lần đầu tiên đến Iraq năm 2006, anh thậm chí chẳng nhận được đồng nào.
Rất nhiều hãng tin đã tận dụng sự nhiệt tình của các phóng viên trẻ để cử họ đến vùng chiến sự mà không tốn kém. "Họ muốn có tin bài nhưng không muốn trả tiền. Mô hình hoạt động của mảng tin quốc tế là dựa vào các phóng viên tự do muốn đăng bài đến mức sẵn sàng tự trả mọi chi phí", Peter cho biết.
Từ năm 1992, hơn 1.000 phóng viên đã bị thiệt mạng khi đưa tin tại các vùng chiến sự, CPJ cho biết. Dù vậy, ngày nay, các hãng tin như GlobalPost, Vice và BuzzFeed vẫn tiếp tục cử người đến đây.
Người phát ngôn của Vice cho biết hãng đã phải tuân theo rất nhiều quy trình an ninh, trong đó có đánh giá rủi ro, huấn luyện sinh tồn, lên trước kế hoạch giải cứu và mua bảo hiểm "để đảm bảo an toàn cho các phóng viên".
“Kể từ khi tham gia ngành này, một trong những điều đầu tiên chúng tôi làm là thuê cố vấn an ninh. Chúng tôi cũng không bao giờ dùng phóng viên tự do tại các vùng nguy hiểm”, Ben Smith - Tổng biên tập BuzzFeed cho biết.
Philip Balboni, đồng sáng lập kiêm CEO GlobalPost thì tiết lộ bất kỳ ai làm việc tại các vùng chiến sự cũng phải trải qua một khóa đào tạo trong môi trường chiến tranh. GlobalPost sẽ chi tiền cho các khóa này hoặc hỗ trợ tùy từng trường hợp.
Không tiết lộ chi phí cụ thể phát sinh do trường hợp của Foley, Balboni cho biết: “2 năm qua, ngày nào chúng tôi cũng bàn bạc về trường hợp của Foley và luôn duy trì một đội an ninh tại chiến trường từ sau khi cậu ấy mất tích”.
Chi phí cho một khóa huấn luyện ban đầu thường là 2.500 USD trong 5 ngày, Frank Smyth - nhà sáng lập kiêm CEO công ty an ninh Global Journalist Security cho biết trên Reuters. Nhưng nếu phóng viên bị bắt hay giam giữ, tổng chi phí để đảm bảo an toàn cho họ sẽ lên tới hàng trăm nghìn USD mỗi năm, bao gồm cả tiền trả cho cố vấn an ninh. Nếu phải trả tiền chuộc, con số này còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Robert Mahoney - Phó giám đốc Ủy ban Bảo vệ Phóng viên (CPJ), cho biết kể cả các hãng tin lớn còn cảm thấy khó khăn với khoản tiền này nếu phóng viên của họ mất tích tại chiến trường. “Nếu là hãng tin nhỏ, việc này không khác nào bị sóng thần quét qua”, ông nói.
Năm ngoái, Reuters cũng bị chỉ trích vì để một phóng viên ảnh tự do người Syria thiệt mạng tại đây. Tuy nhiên, người phát ngôn của hãng sau đó cho biết họ đã cung cấp cho phóng viên đầy đủ thiết bị an ninh, như áo và mũ bảo hiểm chống đạn, cũng như tham gia khóa huấn luyện sinh tồn.
Mahoney nhận xét nhận thức về bảo đảm an toàn cho phóng viên của các hãng tin đã cải thiện đáng kể trong hai thập kỷ qua. Nhưng thách thức thì lại ngày một nhiều lên. “Bạn không còn có thể dựa vào mác phóng viên để được an toàn nữa. Rất nhiều người trở thành mục tiêu tấn công chỉ đơn giản vì họ là nhà báo”, ông nói.
Hà Thu