Mấy ngày nay, người dân xóm chài Cầu Đá (Nha Trang, Khánh Hòa) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của Phong, cha của hai đứa trẻ. Sáng hôm ấy cả nhà Phong hoảng hốt khi phát hiện anh đã tắt thở trong tư thế treo cổ.
Phong cưới vợ khi vừa qua tuổi vị thành niên, sinh hai đứa con, một trai một gái. Không có việc làm ổn định, được cha mẹ mua cho một căn nhà nhỏ, vợ chồng chạy vạy làm thuê xây dựng tổ ấm. Cuộc sống chật vật, họ thường xuyên cãi vã, đánh chửi nhưng vẫn sống với nhau 13 năm. Những cuộc cãi vã, xô xát không giảm bớt mà ngày càng căng thẳng đã làm tan nát gia đình nhỏ. Vợ chồng ly hôn.
Chưa đầy một năm sau, cả xóm được mời đi dự đám cưới của vợ cũ Phong lấy chồng mới. Cô ở cùng chồng mới ngay gần tổ ấm cũ và nhanh chóng mang bầu. Hai con riêng của cô với Phong khi thì ở nhà nội, lúc qua nhà ngoại. Trong khi đó, Phong thường xuyên dẫn về nhà một cô gái rất trẻ, xinh tươi. Mới đây, cả xóm Cầu Đá phải giúp gia đình họ đi tìm con gái 13 tuổi của Phong bị lừa đưa đi Tây Nguyên làm ở quán cà phê đèn mờ…
Sau đó Phong bỗng nhiên stress nặng, lơ ngơ, lảm nhảm phải vào bệnh viện tâm thần để điều trị. Vài hôm trước khi bi kịch xảy ra, Phong trốn viện về nhà cũ rồi đón hai con về ngủ cùng… Không ai ngờ, sáng hôm sau Phong tự tử ngay trong nhà.
Trước đó, cái chết vì quyên sinh của Tâm, một chủ tiệm cắt tóc nổi tiếng ở Nha Trang, làm những người xung quanh bất ngờ. Không chỉ nổi tiếng là thợ tạo mẫu tóc tài năng mà Tâm còn rất sành điệu, có phong cách và khá giả nhờ giỏi nghề.
Tâm ly hôn với cô vợ cùng nghề sau khi có một cậu con trai. Sau đó, anh cưới một cô vợ khác rất xinh đẹp và có thêm một cậu con trai. Khi con chưa đầy năm, người vợ này đã bỏ chồng con đi theo một nhóm bạn chuyên "cắm" ở các quán bar.
Lúc đó Tâm suy sụp thấy rõ, hai mắt quầng thâm, sút cân và tiều tụy. "Vợ em mê đi bar, ngày nào cũng gần sáng mới về, có khi biền biệt vài ba ngày. Em không thể chấp nhận được đành phải chia tay. Em nhận nuôi con, đêm nào nó cũng khóc đòi mẹ, em đuối lắm rồi", Tâm có lần tâm sự. Chỉ vài tháng sau khi ly hôn, Tâm thắt cổ tự tử bằng một sợi xích sắt ngay trong phòng ngủ.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Cẩm Vân, dù luôn thể hiện mạnh mẽ nhưng người đàn ông nào cũng khao khát được sống hạnh phúc trong tình yêu gia đình. Hôn nhân tan vỡ là một sang chấn lớn trong đời sống của người chồng. Họ thường không chấp nhận sự thật, không dám đối diện vấn đề. Họ yếu đuối và đau khổ nhưng có khuynh hướng giấu mình sau vỏ bọc mạnh mẽ, cố gắng che giấu cảm xúc và không chia sẻ cùng người thân. Họ ân hận và nuối tiếc về những gì đã qua.
Bà Vân cho rằng sự mâu thuẫn về mặt cảm xúc khiến người đàn ông mất đi sự cân bằng trong đời sống tinh thần, xao lãng công việc, tìm đến với bia rượu, thuốc lá để giải phóng nỗi buồn, để rồi sau đó họ càng thêm dằn vặt, đau khổ. Áp lực tài chính, mặc cảm có lỗi khi nhìn thấy những đứa con thiếu vắng tình thương của mẹ, trách nhiệm một mình gánh vác gia đình hậu ly hôn khiến họ bế tắc và mất phương hướng. Nếu bị phụ tình, những người đàn ông này càng trở nên suy sụp tinh thần, cho rằng mình là người thất bại, không có giá trị và mất niềm tin vào bản thân, dễ stress, thậm chí rơi vào trầm cảm hoặc tự sát.
Theo chuyên gia tâm lý, nếu người đàn ông sau khi ly hôn rơi vào tình trạng stress kéo dài, có một số triệu chứng dẫn đến trầm cảm như buồn chán, mệt mỏi, thường xuyên mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, khó kiềm chế cảm xúc, khó tập trung chú ý, đánh giá thấp bản thân, có ý định tự sát… Gia đình và người thân cần sớm đưa họ đến khoa tâm lý tại các bệnh viện để có sự điều trị kịp thời.
Chuyên gia tâm lý cũng khuyên, sau khi ly hôn, người đàn ông cần chấp nhận sự thật và đối diện vấn đề, nên tìm đến bạn bè, người thân để chia sẻ, giải tỏa cảm xúc. Càng cố tỏ ra mạnh mẽ, càng gắng chịu đựng một mình thì cảm xúc càng bị dồn nén và có thể vỡ òa bất cứ lúc nào. Hướng mình đến những hoạt động thể thao, sinh hoạt đội nhóm, tham gia các câu lạc bộ sẽ giúp bản thân giải phóng nỗi buồn và tìm lại chính mình. Thay vì luôn sống trong cảm giác dày vò, ân hận, mỗi người cần hướng mình đến với suy nghĩ tích cực, học cách tha thứ cho nhau. Bởi vì khi không chấp nhận tha thứ thì chính bản thân mình sẽ mãi là nạn nhân và sẽ rất khó tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống sau này.
"Tan mà không nát, là điều mà các cặp vợ chồng nên hướng đến trước khi ly hôn để không rơi vào tình trạng đau khổ bế tắc, stress kéo dài dẫn đến trầm cảm", chuyên gia Cẩm Vân nhấn mạnh.
Việt Nữ
* Tên nhân vật đã thay đổi