Vợ chồng anh Dũng, chị Quyên (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) kết hôn đã hơn 20 năm. Công việc lái taxi và cho vay lãi của anh Dũng gặp khó khăn, dẫn đến phá sản, tiền nợ hàng trăm triệu đồng. Từ đây, anh Dũng hay cáu kỉnh, bạo hành vợ nên chị Quyên không chịu được bỏ nhà đi.
Hai vợ chồng ly thân từ năm 2011. Cậu con trai lớn 21 tuổi bỏ đến sống cùng mẹ. Cậu con út 15 tuổi ở lại nhưng không chịu nổi cảnh bố thường bỏ nhà đi theo phụ nữ khác, sinh con riêng nên cũng đến ở với mẹ.
Đến năm 2015, xác định không còn tình cảm, muốn được chia một phần nhà, đất để mẹ con sinh sống, làm ăn nên chị Quyên đâm đơn ra tòa xin ly hôn. Bản án của TAND huyện Phúc Thọ tuyên hồi giữa năm 2015 chấp nhận yêu cầu này, chia cho chị phần nhà đất nằm phía trong. Anh Dũng nhận phần nhà đất phía mặt đường.
Tòa sơ thẩm cho hay vì phần đất bên trong giá trị thấp hơn nên chia cho chị Quyên diện tích lớn hơn. Tuy nhiên chị Quyên phải trả cho chồng cũ phần tiền chênh lệch và trả phần nợ chung nhiều hơn anh Dũng. Chị Quyên nuôi cả hai con và anh Dũng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người con nhỏ chưa đủ 18 tuổi.
Chị Quyên kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm do TAND Hà Nội mở đầu năm 2016, chị yêu cầu xem xét lại phần nhà đất được chia và phần nợ chung phải gánh. Chị muốn được ở phần đất phía mặt đường và số nợ chung phải chia công bằng vì cho rằng chồng nợ nần cờ bạc liên lụy tới vợ con. Nếu không được ở phần phía ngoài, chị muốn được chia ngôi nhà theo chiều dọc.
Vai chị run bần bật khi nói, khóc liên tục khiến việc trình bày bị ngắt quãng nhiều lần. Chị cũng tố chồng ngoài việc nợ nần khiến gia đình tan nát còn đi theo người đàn bà khác, đánh đập vợ con. Cậu con cả xác nhận thông tin mẹ nói, cho hay cũng muốn về nhà ở nhưng mỗi lần về lại bị bố đánh hoặc cho người đánh đuổi. Cậu út bảo bố hay đi với“gái” nên không có ai quan tâm, bầu bạn.
Trong khi đó, anh Dũng phủ nhận, cho rằng vì mình phá sản nên vợ bội bạc, các con khinh rẻ. Anh phân bua không đuổi các con, đã gọi về sống cùng nhưng họ đều tự bỏ đi hết. “Có lúc tôi gặp ở ngoài đường mà chúng coi tôi như người xa lạ, không thèm chào hỏi”, anh này kể.
Lý giải về việc có người phụ nữ khác và sinh con riêng, anh Dũng bảo sau khi phá sản, vợ con bỏ đi có người thương anh nên tự nguyện đến chăm sóc. Điều này khiến anh không thể từ chối tình cảm chứ không phải phụ bạc vợ con.
Anh bảo chị Quyên đã làm đơn ly hôn, vậy thì "cắt đứt luôn không quan hệ gì nữa”. Hai đứa con nếu muốn về ở với bố lúc nào anh cũng chào đón nhưng nếu ở với mẹ cũng không cần quan hệ gì nữa. Anh Dũng nói chỉ cho con về, vợ thì không được.
Hôm tòa xử phúc thẩm, bố anh Dũng có mặt. Từ phiên xử sơ thẩm ông đã có đơn đòi lại mảnh đất cho vợ chồng con dâu va đến giờ vẫn giữ nguyên quan điểm. “Trước đây vợ chồng ở với nhau thì tôi tặng, giờ bỏ nhau tôi thu hồi lại hết. Tôi chỉ tặng chứ có ký giấy cho anh chị đâu? Anh chị tự làm tự ăn”, ông nói lớn trước tòa.
Ông cho rằng vợ chồng con dâu đã tự ý làm sổ đỏ đứng tên khi chưa hỏi ý kiến mình. Nhưng cấp sơ thẩm cho rằng ở thời điểm vợ chồng chị Quyên làm sổ đỏ ông không có ý kiến nên hiện mảnh đất thuộc sở hữu hợp pháp của con trai và con dâu. Trước tòa ông một mực bênh con trai và phủ nhận việc con trai bạo hành.
Giờ nghị án, anh Dũng ra hành lang ngồi một mình. Bố anh quay lưng lại với hai đứa cháu trai ngồi ở hàng ghế cuối. Một mình chị Quyên ngồi im ở bàn đầu, gục mặt xuống.
Cuối cùng, tòa tuyên mảnh đất anh Dũng chị Quyên đứng tên sổ đỏ là hợp pháp và chấp nhận một phần kháng cáo. Tòa tuyên chia cho chị Quyên phần diện tích nhà đất phía trong lớn hơn của anh Dũng như tòa sơ thẩm quyết định. Tuy nhiên, chị Quyên không phải trả cho anh Dũng tiền phần diện tích chênh lệch. Về nợ chung, mỗi người phải gánh một nửa.
Tòa cho rằng vì kết cấu của ngôi nhà không rộng nên nếu chia theo chiều dọc sẽ không đảm bảo không gian sinh sống cho cả hai bên nên không chấp nhận kháng cáo của chị Quyên về vấn đề này.
*Tên các nhân vật đã thay đổi.
Bảo Hà