Khi mâu thuẫn vợ chồng nảy sinh, trẻ thường trở thành nạn nhân của bạo hành. Ảnh: corbis |
Vợ chồng đang cãi nhau, gặp lúc con trai đi chơi về muộn, ông Trường lớn tiếng quát mắng con trong khi vợ ra sức bênh vực. Giận quá, ông lôi cậu bé ra giữa nhà rồi lấy dao chặt dứt ngón tay của đứa con mặc cho nó khóc lóc van xin.
Câu chuyện đau lòng trên xảy ra hơn một tuần nay ở một làng quê huyện Tân Phú, Đồng Nai.
Vân vê bàn tay của đứa con trai với ngón út bị thương vẫn còn rỉ máu bà Lan xót xa kể, chỉ vì chuyện đám lúa bị đàn trâu nhà hàng xóm giày xéo, đêm ấy hai vợ chồng bà cãi nhau, người này đổ lỗi cho người kia không chịu trông chừng để trâu phá ruộng. Vừa đúng lúc đứa con đi chơi về khuya, ông Trường trút mọi bực dọc lên đầu cậu bé. Ông lôi thằng nhỏ ra giữa nhà, dùng chiếc dao phay ở góc bếp chặt đứt 2 đốt ngón tay khiến đứa con 13 tuổi đau đớn đến ngất lịm.
Vợ chồng bà Lan có 4 người con, trong đó chỉ đứa út là con trai nên rất được mọi người trong dòng họ cưng chiều. Bản thân ông Trường sau khi chặt ngón tay đứa con cũng không thôi day dứt, ân hận. Cả tuần nay, ông như người mất hồn cứ thơ thẩn la cà ở quán nhậu uống rượu giải sầu cho đến tối mịt mới chịu về nhà.
"Cả tuần nay gia đình tôi như có tang vậy, ông ấy cũng cắn rứt mãi chuyện vừa qua. Nghĩ lại mới thấy mình dại, giá như lúc ấy tôi đừng nói thêm gì hoặc lẳng lặng bỏ đi thì giờ con cái đâu ra nông nỗi này", bà Lan sụt sùi tâm sự.
Chứng kiến cảnh nhiều người hễ có chuyện mâu thuẫn lại đem cơn thịnh nộ trút xuống đầu con thơ, Chuyên viên tâm lý Văn Thanh Sĩ, Văn phòng TT&T, Đài 1088 TP HCM nhìn nhận, xã hội cần lên án hành động bạo lực này, không để những hậu quả đau lòng tương tự xảy ra.
Ông cho rằng, do các bậc cha mẹ ngày nay phải chịu nhiều áp lực của công việc, cuộc sống, cơm áo gạo tiền khiến họ rất dễ nổi giận. Đây là loại xúc cảm tiêu cực, biểu hiện dưới những cường độ khác nhau, từ sự bực mình đến tức giận điên cuồng và nổi cơn thịnh nộ. Trong trường hợp người đàn ông nổi nóng mà phụ nữ không có cách cư xử khéo léo sẽ rất dễ dẫn đến những hành động bạo lực mà nạn nhân phải hứng chịu hậu quả thường là con trẻ hoặc chính người vợ đó.
Nhìn chung, khi mâu thuẫn nảy sinh, một trong hai vợ chồng nên ý thức dừng cuộc tranh cãi, không nên bằng mọi cách giải quyết vấn đề sẽ dẫn đến hệ lụy đáng tiếc. Ông Sĩ cho biết, thông thường bằng cách hít thở thật sâu rồi sau đó đặt mình vào vị trí của đối phương để suy xét vấn đề sẽ giúp người ta dịu cơn nóng giận thì sẽ không để nảy sinh những hành động tiêu cực đáng tiếc.
Như trường hợp của gia đình anh Chung (quận 3, TP HCM), chỉ vì chuyện phân chia công việc trong gia đình mà ngày nào vợ chồng cũng cự cãi. Hôm đó vừa đi làm về mệt mỏi lại gặp vợ cằn nhằn, thách thức, anh giận quá đạp đổ cái bàn làm đồ đạc bắn tung tóe, trong khi đứa con 8 tháng tuổi đang nằm dưới sàn nhà bị bình nước sôi từ trên bàn rơi xuống dội vào người bỏng nặng.
Ngồi trông con ở bệnh viện nhi để "thay ca" cho vợ đi làm, anh Chung thở dài: "Đàn ông cả ngày ở cơ quan làm việc đã mệt, về đến nhà lại nghe vợ con cằn nhằn, ai mà không điên. Giờ mới thấy khổ, cứ đi làm về là vợ chồng phải thay nhau vào bệnh viện trông con vất vả hơn trước nhiều...".
Một bi kịch gia đình đau lòng khác thu hút sự quan tâm của dư luận vừa xảy ra ở thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương, khi người cha chỉ vì không được vợ chấp thuận đưa con về quê thăm nội đã quăng con trai mới 2 tháng tuổi xuống sàn nhà khiến cháu bé tử vong.
Đề cập đến đây, Chuyên viên Thanh Sĩ cho rằng, trong trường hợp này, pháp luật cũng cần truy cứu trách nhiệm của người mẹ trong việc gián tiếp gây ra cái chết của đứa con nhỏ. Bởi khi thấy chồng nóng nảy mà người vợ biết xuống nước, không đẩy cuộc tranh cãi đến cực điểm thì tấn thảm kịch kia đã không xảy ra.
"Bất kỳ hành vi tiêu cực nào cũng là kết quả của một quá trình dồn nén, tạo nên những phản ứng ngầm rồi sau đó mới thể hiện thành hành động bộc phát nhất thời. Vì thế khi mâu thuẫn nảy sinh mà một trong hai người không xuống nước thì chính sự kết hợp giữa cảm xúc giận dữ và sự kích thích từ phía đối phương, khiến người kia thực hiện những hành vi mất kiểm soát. Những trường hợp này thường để lại hậu quả khó lường", ông Sĩ đúc kết.
Ngoan Ngoan
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi