Mỗi ngày, Farah đều đến cửa hàng tạp hóa cao cấp mua thực phẩm và nấu các món cầu kỳ cho chủ nhà. Nhưng cô không được phép dùng những đồ ăn này, kể cả chúng là đồ thừa, đã ở trong tủ lạnh nhiều ngày.
Chủ nhà không cấm cô tự nấu ăn nhưng thường xuyên khó chịu về mùi thức ăn, kể cả khi nó đơn giản là cơm trắng và cá khô. Farah chuyển sang ăn mì gói và trứng luộc.
"Nó là cơn ác mộng", cô nói. "Tôi không cảm thấy đói nữa, chỉ kiệt sức". Cuối cùng, Farah chọn nghỉ việc.

Farah giảm 12 kg sau ba tháng giúp việc ở Singapore. Ảnh: CNA
Trải nghiệm của Farah cho thấy một vùng xám đáng lo ngại trong cách đối xử với người giúp việc ở Singapore. Họ không bị bỏ đói nhưng không được cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ và luôn cảm thấy mệt mỏi và thiếu thốn.
Bộ Lao động Singapore cho biết trong giai đoạn 2019 - 2023 nhận được khoảng 630 khiếu nại từ người giúp việc gia đình về việc không được cung cấp đủ thức ăn.
"Hầu hết các khiếu nại này xuất phát từ sự hiểu lầm giữa chủ nhà và người giúp việc về nhu cầu và thói quen ăn uống", người đại diện nói.
Bà Jaya Anil Kumar, giám đốc tổ chức Hỗ trợ di cư kinh tế (HOME) cho biết nhiều chủ nhà thường đơn giản hóa vấn đề thức ăn. Họ nghĩ rằng chỉ cần người giúp việc không bị đói là không có gì phải lo.
Nhiều trường hợp chỉ được phát hiện khi người giúp việc đạt đến giới hạn của sự chịu đựng, thường đi kèm với các hành vi khác như bóc lột, bạo hành lời nói. Vấn đề bữa cơm của người giúp việc phản ánh một góc khuất của một số chủ nhà Singapore. "Không chỉ là việc có đủ cơm ăn mà còn là việc có rất ít thịt hoặc rau củ", bà Jaya nói.
Dù chủ nhà không cấm ăn uống nhưng chỉ cần những lời mỉa mai, người giúp việc cũng cảm thấy sợ hãi và không dám tự lấy thức ăn. "Rất nhiều người giúp việc cho biết họ chỉ được ăn những gì còn lại từ bữa ăn họ nấu cho chủ nhà", bà nói. Tình trạng phân bổ bữa ăn không công bằng rất phổ biến. Tổ chức HOME từng ghi nhận trường hợp người giúp việc chỉ được ăn tối đa ba quả trứng kèm cơm mỗi ngày.
Chủ nhà cũ của Farah xem thức ăn là công cụ thao túng, đưa ra như phần thưởng và rút lại như hình phạt.
"Bà ấy biết tôi thích bơ đậu phộng nên mỗi lần phật lòng, bà sẽ nói hết bơ", Farah kể. Chủ nhà cũng lắp camera hướng thẳng về tủ lạnh. Để chống lại cơn đói, cô phải mua đồ ăn vặt và giấu trong phòng.

Người lao động nhập cư ở Singapore. Ảnh minh họa: CNA
Priya, 26 tuổi, người Ấn Độ, chỉ sống sót với vài chiếc bánh chapati (làm từ bột mì và nước rồi nướng) mỗi ngày trong ba tháng làm việc.
Trong 20 ngày đầu, cô ăn cùng gia đình chủ nhà và dùng thức ăn mình nấu, nhưng sau đó, thái độ của chủ nhà thay đổi, không cho cô ăn cùng nữa. Cô chỉ được ăn thức ăn thừa trong hai đến ba ngày sau. Khi gia đình ăn ngoài, họ không mua thức ăn cho cô.
Để tự nuôi mình, Priya lén thêm rau vào nồi khi nấu cho chủ nhà và giấu bánh chapati để ăn sau.
"Họ sẽ mắng nếu thấy tôi ăn", Priya nói. Cô thường ăn bánh chapati với dưa muối hoặc chấm với trà. Vì camera gắn trong phòng, cô luôn cảm thấy bị theo dõi.
Priya chỉ có thể tìm thấy niềm an ủi duy nhất vào chủ nhật, khi cô được phép dùng bữa tại đền Sikh. Thỉnh thoảng, bạn Priya nấu cơm mang đến nhưng cô không thể mang vào nhà, phải ăn cạnh hồ bơi chung cư hoặc nhờ bảo vệ giữ giúp.
Ông Michael Lim, giám đốc Trung tâm Lao động nhập cư tại Singapore, nói chủ nhà cần nhận thức nhu cầu thể chất của người giúp việc. Dù luật pháp bảo vệ quyền lợi của người giúp việc, ông vẫn tin giáo dục nhận thức người thuê lao động vẫn quan trọng nhất.
Bà Jaya cho biết trong luật tuyển dụng lao động người nước ngoài, chủ nhà buộc phải cung cấp đủ thức ăn nhưng khái niệm mơ hồ và không có hướng dẫn pháp lý ràng buộc.
"Khi xã hội nhận thức người giúp việc là nhân viên dịch vụ và cần được hưởng quyền lợi, mọi thứ sẽ bắt đầu thay đổi", bà nói.
Ngọc Ngân (Theo CNA)