Bà Trần Thị Sáu (49 tuổi, ở xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đang bị giam giữ tại trại tạm giam Công an Hà Nội. Bà Sáu là bị can trong vụ án hại chết hai con nhỏ xảy ra gần 22 năm trước tại một ngôi làng nghèo thuộc huyện Chương Mỹ (tỉnh Hà Tây cũ).
Hai tháng trước, bà Sáu bị bắt theo lệnh truy nã và bị di lý ra Hà Nội để phục vụ điều tra của cơ quan công an. Hiện bà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người, theo Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015.
Theo hồ sơ vụ án, 20 tuổi, người đàn bà này kết hôn với người đàn ông cùng quê. Một năm sau, vợ chồng Sáu có con gái đầu lòng. Năm 1995, bà Sáu sinh thêm một con gái, cuộc sống nhà nông thêm phần vất vả do kinh tế không có.
Chồng Sáu, người đàn ông ham rượu chè nên mỗi lần có chất men trong người, lại quay ra đánh đập vợ thậm tệ.
Mùa hè năm 1996, bà Sáu muốn giải thoát cuộc sống bế tắc và chọn cách ba mẹ con cùng chết. Bà ta ra chợ mua thuốc chuột, thuốc tẩy giun sán cho gia súc và một chai nước ngọt rồi hòa chung cả ba hợp chất này với nhau.
Bà Sáu dắt đứa lớn, tay bế con gái gần một tuổi ra cánh đồng trong thôn. Tại đây, người mẹ uống nửa chai chất độc, còn lại cho hai con. Cả ba mẹ con bất tỉnh và được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu.
Hai con tử vong, bà Sau thoát chết, do sức khỏe yếu nên được công an cho tại ngoại trong quá trình điều tra. Bà ta sau đó bỏ trốn vào vùng kinh tế mới thuộc tỉnh Lâm Đồng, với lý do khai sau này vối cảnh sát rằng do không chịu nổi những lời dị nghị, khinh miệt của láng giềng. Cùng năm 1996, bà Sáu bị Công an tỉnh Hà Tây phát lệnh truy nã về tội Giết người.
Người đàn bà sống day dứt trong 22 năm bỏ trốn
Ông Nguyễn Anh Thơm, luật sư chỉ định được tham gia bảo vệ quyền lợi cho bà Sáu từ quá trình cơ quan công an phục hồi điều tra vụ án. Tiếp xúc với bị can trong trại tạm giam Công an Hà Nội, bà Sáu không ngừng khóc, bảo luôn bị dằn vặt bởi biến cố 22 năm trước. Bà ta không một ngày sống yên ổn dù đã có cuộc sống mới với người chồng mới và hai con trai.
Năm 2013, người chồng này qua đời, bà Sáu làm đủ mọi nghề từ trồng trọt thuê, buôn bán đồng nát... Cuộc sống bận rộn với những lo toan, song bà ta cho hay không bao giờ quên được tội lỗi đã gây ra với cô con gái.
Bà kể với luật sư rằng nhiều đêm tỉnh giấc vì ám ảnh câu nói ngây ngô của con gái lớn: “Mẹ ơi, sao lại phải uống”.
Nhiều lần, bà Sáu muốn tự tử, hoặc về đầu thú song hai con trai còn nhỏ cần mẹ chăm sóc nên từ bỏ ý nghĩ đó. Bà ta bảo với luật sư: Hơn 20 năm trốn chạy, lương tâm luôn dằn vặt nên giờ hai con đã lớn, bà chấp nhận chịu mọi mức án để được thanh thản.