Năm đó, Hu 16 tuổi. Sự cự tuyệt của cô đã khiến gia đình chồng mất kiên nhẫn, họ đập cửa yêu cầu cô cho chồng vào phòng. "Tôi cảm thấy ghê sợ mỗi lần anh ta chạm vào người", người mẹ ba con, nay đã 50 tuổi, nói.
Những người như Hu được gọi là tong yang xi (cô dâu nuôi), tập tục lâu đời của Trung Quốc khi các gia đình gả anh chị em nuôi với nhau. Đàn ông ở những gia đình này thường nghèo, không đủ khả năng cưới vợ.
Giai đoạn 1970-1990, Trung Quốc có khoảng 30.000-100.000 bé gái bị bán cho các gia đình ở Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến. "Cô dâu nuôi" như Hu thường bị ngược đãi bởi gia đình chỉ nuôi cô để làm vợ tương lai cho con trai họ.
Khi chính sách một con có hiệu lực vào năm 1980, tình trạng bỏ rơi trẻ em gái trở nên trầm trọng hơn. Ở Phúc Kiến, nhiều gia đình nghèo chấp nhận gửi con cho môi giới với hy vọng có cuộc sống tốt hơn. Họ không biết con gái bị bán cho gia đình đang tìm kiếm cô dâu trẻ em.
Năm 1990, ông Cai Zhenming đã mua một bé gái (đặt tên là Cai Xiuping) với giá 28 USD. Khi Xiuping 16 tuổi, cô bị sốc khi được bố mẹ nuôi thông báo cô sẽ kết hôn với anh trai nuôi của mình.
"Tôi lập tức nói không", người phụ nữ 34 tuổi, nói. Cai Xiuping đã mạnh mẽ chống lại sự ép buộc đó.
Nhưng cô Huang Shuhong không may mắn được như vậy. Cô được mua với giá 17 USD. Họ xem cô là người hầu trong nhà. Ví dụ, Huang phải để ý việc mọi người dùng cơm để xới thêm vào bát.
Khi bị ép cưới anh trai nuôi, cô cố gắng bỏ trốn nhưng bị bắt lại. Họ nhốt và đánh đập cô trong nhiều ngày. "Hàng xóm thậm chí cũng gây áp lực với tôi. Họ nói rằng anh trai rất tốt, không hiểu tại sao tôi lại từ chối", Huang nói.
Gia đình nuôi chỉ nhượng bộ khi Huang dọa tự tử. Dù vậy, việc tìm chồng với cô vẫn vô cùng khó khăn. Người mai mối chỉ giới thiệu cô với người đã ly hôn hoặc những đàn ông rất nghèo, đang phải vật lộn để tìm vợ.
Tục tong yang xi đã bị cấm khi Trung Quốc ban hành luật hôn nhân đầu tiên vào năm 1950. Tuy nhiên, phong tục này vẫn đang tồn tại ở một số vùng nông thôn. Trong 100 hồ sơ ly hôn ở Phúc Kiến, tình huống "cô dâu nuôi" chiếm đa số.
Li Wenbin, nhân viên phòng tư vấn pháp lý Zhongda cho biết rất khó để "cô dâu nuôi" đưa ra các bằng chứng đau khổ trong hôn nhân bởi mọi người trong làng đều đứng về phía chồng cô ấy.
"Tất cả các vụ ly hôn đều do phụ nữ đệ đơn", ông nói. "Đàn ông muốn ly hôn thường là vì anh ta coi thường 'cô dâu nuôi' của mình".
Hu vẫn còn sợ gần gũi với chồng, ước mình có thể thoát khỏi cuộc hôn nhân. Bản thân chồng cô cũng đang sống trong đau khổ.
Mặt khác, những "cô dâu nuôi" cũng không được học hành, chỉ có thể đảm nhận những công việc nặng nhọc, lương thấp khi trưởng thành. Họ nhốt mình vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
"Tôi không dám tìm việc ở thành phố do không biết chữ, sợ bị lừa đảo", Liang Meirong, một cô dâu nuôi, nói. Cô kiếm được 13 USD mỗi ngày từ nghề đan lưới đánh cá. Liang đã phải vật lộn với nạn mù chữ và sự kỳ thị của việc bị bỏ rơi. Thời bé, cô thường bị châm chọc, khinh miệt bởi người dân trong làng.
Hôn nhân của cô và anh trai nuôi kết thúc khi người này được gia đình cho phép cưới với bạn gái bên ngoài. Liang gặp chồng hiện tại thông qua bà mối. Tuy nhiên, gia đình chồng chỉ trả cho cô sính lễ 3.000 USD thấp hơn mức thông thường là 4.000 USD.
"Trên thị trường hôn nhân, mọi người đều coi thường chúng tôi", cô nói. "Nếu người đàn ông kết hôn với 'cô dâu nuôi' của người khác, mọi người sẽ nói xấu sau lưng anh ta".
Khi điều kiện kinh tế được cải thiện và chính sách một con kết thúc vào năm 2015, nhiều gia đình đã bắt đầu tìm kiếm con gái.
Cơ sở dữ liệu DNA của một nhóm tình nguyện ở tỉnh Phúc Kiến hiện có khoảng 16.000 hồ sơ tìm người thân, trong đó có 10.000 hồ sơ là con gái bị bỏ rơi và 6.000 là của cha mẹ từng cho con.
Cai ao ước được gặp bố mẹ ruột mình từ năm cô 7 tuổi. "Cuộc sống tôi đã ổn nhưng tôi luôn muốn biết mình đến từ đâu", cô nói.
Ngọc Ngân (Theo Sixthtone)