Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vay tài sản được xác lập dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên. Cụ thể, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, và đến thời hạn trả, bên vay có nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản cùng loại, đúng số lượng và chất lượng như đã nhận. Việc trả lãi chỉ phát sinh nếu các bên có thỏa thuận rõ ràng hoặc pháp luật có quy định cụ thể. Điều này cho thấy mối quan hệ vay nợ là một quan hệ dân sự dựa trên nguyên tắc tự nguyện, trung thực và có sự thống nhất ý chí của cả hai bên.
Trong trường hợp bạn không hề ký kết, không tham gia bất kỳ thỏa thuận vay tiền nào, không nhận tiền từ công ty tài chính và hoàn toàn không biết về khoản vay đó, thì bạn không phải là chủ thể của hợp đồng vay. Do đó, bạn không có nghĩa vụ pháp lý phải thanh toán khoản nợ phát sinh từ hành vi giả mạo, gian lận danh tính của người khác. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của mình và tránh rắc rối về pháp lý sau này, bạn cần chủ động thực hiện một số bước cụ thể.
Trước tiên, bạn cần liên hệ trực tiếp với công ty tài chính đã liên lạc để trình bày rõ ràng sự việc, đồng thời đề nghị họ cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng vay, như: giấy tờ, hồ sơ xác minh, hình ảnh, chữ ký, sao kê tài khoản nhận tiền... Nếu các chứng cứ cho thấy có hành vi giả mạo danh tính, bạn cần lập tức trình báo sự việc với cơ quan công an (nơi gần nhất) để họ kịp thời điều tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, bạn phải yêu cầu công ty tài chính ngừng các biện pháp thu hồi nợ đối với bạn nhằm tránh ảnh hưởng đến uy tín, điểm tín dụng, cũng như không đưa bạn vào danh sách nợ xấu (vì bạn không vay tiền).
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM