Sáng 19/8, anh Tâm (ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) nghe con trai báo sau rẫy mãng cầu na có con rắn liền ra xem. Khi vừa đến bãi cỏ, anh thấy con rắn "khủng" nên tìm cách bắt. Nhưng không may, con rắn quay lại tấn công, cắn vào đùi phải, quấn chặt tay, cổ, không thể gỡ ra.
Anh Tâm dùng tay còn lại bóp cổ con rắn. Mọi người xung quanh nhanh chóng dùng vải cột ngang đùi nạn nhân, chặn nọc độc lan rộng; đồng thời lấy băng keo quấn miệng con rắn lại. Anh Tâm được chuyển đến tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cách đó hơn 20 km bằng taxi.
"Lúc nhập viện, bệnh nhân vẫn nói chuyện bình thường, sau khi được người dân hỗ trợ gỡ con rắn còn sống ra thì chúng tôi mới cấp cứu được", nữ bác sĩ cho biết.
Sau khoảng 30 phút nhập viện, anh Tâm tím tái, khó thở... Các bác sĩ phải đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy, sau đó chuyển viện xuống TP HCM. Hiện bệnh nhân tỉnh, được truyền kháng độc tố tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Chuyên khoa II Liêu Chí Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cho biết, đã nhiều lần cấp cứu trường hợp rắn cắn nhưng đây là lần đầu tiên thấy một người nhập viện cùng với con rắn còn sống. "Người bị rắn cắn rất nguy hiểm khi biến chứng nhanh, ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch...", bác sĩ Hùng nói.
Con rắn được xác định là hổ mang chúa, dài khoảng 3 m, nặng gần 5 kg, đã chết sau đó. Theo các chuyên gia y tế, đây là loài rắn lớn và nọc độc đặc biệt nguy hiểm. Nạn nhân bị hổ mang chúa cắn thường tỷ lệ tử vong cao nếu không được xử lý, cấp cứu kịp thời. Khi bị rắn cắn cần phải băng bó kỹ vết thương, không để nọc độc di chuyển đến các cơ quan trọng yếu của cơ thể như tim, não...
Phước Tuấn