Theo trang tin hk01.com, trước khi sinh con, Zhang lo sợ chồng cũ và gia đình chồng có thể làm hại cô nên đã chuyển đến nhà anh họ sống. Vào ngày sinh, em dâu của người anh họ nói với Zhang rằng con trai cô bị khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Zhang không mảy may nghi ngờ và đã nhờ người họ hàng này tìm kiếm giúp đỡ của bác sĩ. Nhưng người phụ nữ nói cậu bé bị liệt cả hai chân và thuyết phục cô từ bỏ đứa trẻ. Sau đó, anh họ Zhang nói con trai cô đã chết vì lạnh. Zhang tin lời anh họ mình.
Gần đây, khi tình cờ biết được con trai vẫn còn sống và đang học tại một trường trung học, Zhang bắt đầu tìm kiếm con. Cô nhận thấy một cậu bé có nhiều đặc điểm giống chồng cũ của mình. Kết quả xét nghiệm ADN sau đó xác nhận cậu bé chính là con trai cô. Nhưng đặc biệt hơn, "mẹ nuôi" cậu bé là em dâu của người anh họ.
Khi sự thật được phơi bày, Zhang và con trai muốn trở về sống cùng nhau nhưng người "mẹ nuôi" và chồng cô ta đã đệ đơn kiện phản đối. Hai vợ chồng đòi Zhang hoàn trả số tiền họ đã bỏ ra để nuôi cậu bé. Zhang từ chối với lý do họ đã nhận nuôi con trai cô một cách bất hợp pháp.
Câu chuyện đau lòng của Zhang đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và khiến nhiều người bàng hoàng.
"Chúa ơi, thật tội nghiệp cô ấy. Gia đình người anh họ quá tồi tệ", một người dùng mạng xã hội bình luận.
"17 năm mất con, Zhang hẳn phải rất đau buồn", một người khác viết.
Dữ liệu điều tra dân số năm 2021 do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy vào năm ngoái, tỷ lệ giới tính của dân số nước này vẫn nghiêng về nam giới với 723 triệu nam so với 689 triệu nữ. Trong độ tuổi kết hôn truyền thống từ 20 đến 40, đàn ông nhiều hơn phụ nữ 20 triệu người.
Để đối phó với mối lo ngại ngày càng tăng về xu hướng dân số này, chính phủ Trung Quốc năm ngoái ban hành chính sách ba con, thay thế chính sách hai con được đưa ra vào năm 2016. Trước đó, các cặp vợ chồng Trung Quốc bị hạn chế chỉ sinh một con trong gần 40 năm.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)