Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013, hành vi lấn chiếm đất đai của người hàng xóm này là hành vi bị cấm.
Khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, bạn có thể lựa chọn một trong hai cách giải quyết như sau:
Tố cáo tại cơ quan chức năng có thẩm quyền
Căn cứ Điều 22 của Luật tố cáo 2018, bạn có thể gửi đơn hoặc tố cáo trực tiếp tại UBND nơi có bất động sản để yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm đối với hành vi xây dựng trái phép của người hàng xóm.
Theo điểm đ khoản 7, điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017 của Chính phủ, hành vi lấn chiếm diện tích, không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác... có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50 đến 60 triệu đồng, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.
Khởi kiện tại tòa án
Căn cứ Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bạn có thể khởi kiện tại TAND cấp huyện - nơi có bất động sản để yêu cầu buộc người hàng xóm tháo dỡ phần công trình vi phạm, và bồi thường thiệt hại nếu có.
Dù lựa chọn phương án giải quyết nào, thì việc tháo gỡ công trình vi phạm cũng chỉ được thực hiện sau khi có quyết định của cơ quan chức năng. Bạn không nên tự ý đập phá, tháo dỡ phần công trình này để tránh gặp rắc rồi về pháp lý, vì có thể sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH Ta Pha