Ảnh: Corbis.com. |
Thật ra, anh đã biết trước kết quả này nhưng vẫn đi làm xét nghiệm vì bố mẹ yêu cầu. "Dù nó là con thật thì mình cũng có được nuôi đâu", anh thở dài.
Là cán bộ của một cơ quan nhà nước, anh Trung, 40 tuổi, có một gia đình hạnh phúc và địa vị xã hội khiến nhiều người mơ ước. Tuy thế, anh vẫn buồn phiền vì mình là con một mà lại không có thằng cu nối dõi. Vợ anh, sau khi sinh đứa con gái thứ hai, đi xem bói thì được phán là sẽ không thể đẻ được con trai, nếu có thì mẹ sẽ chết. Nhìn chồng ủ dột, bố mẹ chồng buồn bã, chị đồng ý để anh đi "kiếm con" với điều kiện phải ở xa, sau đó mang về chị nuôi và không được quan hệ gì với "người đẻ mướn" nữa.
Được lời như cởi tấm lòng, một lần về quê người bạn, anh Trung đã quen một cô gái trẻ có hoàn cảnh khó khăn và đề nghị: "Anh không thể yêu em vì đã có vợ con. Nhưng anh muốn có một cậu con trai và anh sẽ không để em phải chịu thua thiệt gì". Cô gái đồng ý. Hợp đồng miệng được kí kết. Khi có mang, đi siêu âm biết là con trai, cô gái được anh Trung đưa lên Hà Nội, thuê cho căn hộ tiện nghi và một người giúp việc chăm lo. Trong thời gian ấy, một người con trai đã đến với cô gái và họ yêu nhau chân thành. Anh Trung thấy vậy càng mừng vì nghĩ như thế, sinh con xong cô ấy càng dễ giao đứa bé lại cho mình. Thế nhưng mọi chuyện không như anh tính.
Khi cậu con trai bụ bẫm chào đời, anh mê nó đến quên hết mọi thứ. Nhưng cô gái lúc này lại nhất định không trao con cho anh. Cô muốn trả lại anh tất cả mọi thứ, giữ lại đứa trẻ và sẽ lấy người thanh niên chấp nhận coi con cô như con mình.
Trong khi ấy, người vợ, dù đã đồng ý để chồng đi kiếm con, giờ quay sang nói anh phản bội, chỉ lo cung phụng hai mẹ con cô gái, không còn màng đến gia đình nên đòi ly hôn. Ra tòa, anh là người đuối lý.
"Giờ con trai thì đã bị họ mang đi, hai đứa con gái nhìn cha như kẻ thù. Bố mẹ tôi thì héo hon. Tôi chả còn gì nữa", anh buồn bã nói.
Con xét nghiệm để hòa giải bố mẹ
Bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm ADN và công nghệ di truyền ở phố Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội, cho biết, đa số những ca xét nghiệm ADN là các cặp vợ chồng nghi ngờ nhau ngoại tình (chiếm khoảng 70%), trong đó chủ yếu là các ông không tin vợ. Chính bà đã chứng kiến bao tấn bi kịch quanh chuyện ngờ vực và người gánh chịu hậu quả nhiều nhất chính là những đứa con. Cũng vì lý do đó, không chỉ có chồng hay vợ đến xác định ADN của con mà có nhiều ca chính người con bí mật đến kiểm tra nguồn gốc của mình và cũng nhằm giải tỏa mâu thuẫn giữa các bậc sinh thành. Câu chuyện của anh Thành ở Long Biên, Hà Nội là một ví dụ.
Đến trung tâm, anh Thành lặng lẽ đưa mẫu máu cho giám đốc Nga và hỏi. "Có đủ 3 mẫu, của cháu, chị gái và mẹ thế này chắc đủ kết luận chính xác cháu có phải là con đẻ của bố mẹ chứ cô?". Bà Nga gật đầu. Anh tiếp: "Cháu phải bịa lý do đưa cụ đi khám sức khỏe mới lấy được mẫu máu này".
Theo anh Thành kể, bố mẹ anh giờ đã gần 70 tuổi nhưng suốt ngày cãi vã, chửi rủa, trách móc nhau. Mấy chục năm qua, cả gia đình anh sống như địa ngục chỉ vì bố anh nghi ngờ vợ không chung thủy và đứa con thứ hai, tức là anh không phải con ông. Ông không bỏ vợ nhưng chì chiết, nhục mạ bà rồi chửi rủa con cái. Bà cũng chẳng chịu nhún mà cũng nhất quyết không ly dị.
"Lần này, tôi đã bàn với chị gái, sẽ xét nghiệm ADN xem mình có phải là con của bố không. Nếu kết quả là đúng, chúng tôi sẽ đưa cho bố để ông biết đã nghi oan cho mẹ. Còn nếu kết quả không phải, chúng tôi sẽ đưa cho mẹ, để bà biết nín nhịn hơn. Tôi không muốn sống như thế này mãi.", anh Thành chia sẻ.
Bà Nga cho rằng, tuy xét nghiệm ADN luôn cho kết quả chính xác nhưng mọi người không nên coi đó là căn cứ duy nhất để giải quyết các mối quan hệ. Người ta sẽ không cần đến các xét nghiệm này khi biết tha thứ, bao dung với những lỗi lầm của nhau và luôn sống lành mạnh, chân thực. "Một khi đã trót mắc lỗi lầm thì tốt nhất là dũng cảm đối mặt với sự thật. Vì có nói dối cũng không được. ADN vào cuộc thì sự thật sẽ bị bóc trần và có khi bi kịch còn bị đẩy cao hơn", bà Nga nói.
Nhiều người tìm đến trung tâm chỉ mong mua một tờ kết quả theo ý mình. Bà Nga còn nhớ mãi câu chuyện về một phụ nữ tên Nhung, người tìm đến trung tâm với lời đề nghị: "Em không cần xét nghiệm, chỉ muốn có tờ kết quả xác nhận 2 mẫu này có quan hệ bố con, chi phí bao nhiêu không quan trọng.". Chị Nhung kể, 2 tháng trước, trong một lần đi khám phụ khoa, chị tình cờ phát hiện mình bị vô sinh. Người yêu chị lúc ấy đang lao động ở nước ngoài. Muốn lấy rồi sang đó ở với anh, chị bịa ra là mình có mang trong một lần anh về phép.
Anh người yêu khá tin tưởng chị nên đã gọi điện cho gia đình ở quê lo liệu mọi chuyện. Nhưng bên nhà trai bắt chị phải xác minh được đứa bé là giòng giống của họ thì mới làm đám cưới.
"Em cũng thuộc hàng quá lứa, khó khăn lắm mới tìm được người đàn ông của đời mình, giờ em không muốn mất anh ấy. Mong chị giúp cho", chị Nhung nước mắt ngắn dài nói với giám đốc Nga. Tất nhiên, dù rất thương cảm, nhưng bà Nga vẫn phải từ chối lời yêu cầu ấy.
Tình cờ, vài ngày sau, bà lại tiếp một người đàn ông có dáng vẻ quê mùa nhưng lời nói rất tự tin và hiểu biết. Nghe người đàn ông tên Huy đó tâm sự, bà nhận ra ngay, đây chính là em trai của người yêu chị Nhung.
Theo anh Huy kể, sau khi nhận được điện của anh trai, rằng chị Nhung đang mang thai và nhờ gia đình tổ chức lễ cưới, anh Huy vội ra Hà Nội để xem thực hư thế nào. "Tôi thấy trên giường đã có một đứa trẻ sơ sinh, còn chị Nhung vẫn đi lại bình thường, trông không có dáng vẻ gì của người vừa vượt cạn nên nghi có điều gì khuất tất", anh kể.
Yêu cầu đưa ra: Anh Hoàng ở nước ngoài gửi mẫu móng tay về, chị Nhung lấy cuống rốn của đứa trẻ rồi đưa cho anh Huy mang đi xét nghiệm ADN. Tất nhiên, biết rõ kết quả sẽ ra sao, nên chị Nhung đã lấy mẫu móng tay của cha ruột đứa bé tráo mẫu của người tình. Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", khi đến xét nghiệm, anh Huy đã không dùng mẫu móng tay kia để kiểm tra quan hệ cha con mà xin lấy máu của mình với đề nghị xét nghiệm quan hệ "chú-cháu". Kết quả là đứa trẻ không phải cháu anh ta và tất nhiên, không phải con của người anh trai.
Sau khi biết kết quả này, chị Nhung còn nhiều lần đến gặp bà Nga, thậm chí tìm ra cả địa chỉ nhà riêng để xin đổi kết quả, nằn nì có, mua chuộc có nhưng tất nhiên bà vẫn một mực "ADN không biết nói dối".
Bà Nga cho biết, từ ngày thành lập đến nay, bà đã gặp hơn 20 ca xin đảo ngược hoặc mua kết quả xét nghiệm ADN. Đó thường là những người muốn rũ trách nhiệm làm cha, tìm cớ bỏ vợ hoặc các bà vợ không muốn công nhận con riêng của chồng, những cô gái không muốn người yêu (hoặc chồng) bỏ vì đã trót có con với người khác. Chị Nhung lại là một trường hợp ngoại lệ.
Minh Thùy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi