Ảnh: Testadn.ch. |
3 năm sống hạnh phúc bên người chồng hết mực yêu thương vợ con, Hiền 26 tuổi, người Hải Phòng, càng day dứt về sự buông thả trong quá khứ. Chồng cô chưa bao giờ ngờ vực đứa con không phải của mình. Điều ấy càng làm Hiền dằn vặt.
Được một người bạn chỉ chỗ, Hiền tìm đến Trung tâm ADN và công nghệ di truyền ở phố Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội với hai mẫu móng tay, một của chồng, một của con, yêu cầu xét nghiệm ADN. Hồi hộp chờ đợi ngày nhận kết quả, lúc nhìn thấy dòng chữ: "Không phải bố con", hai mắt Hiền nhòe đi, đất dưới chân như muốn sụt xuống. Khi bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm an ủi, Hiền càng khóc nức nở: "Cháu phải làm sao đây hả cô? Cháu không muốn mất hạnh phúc đang có, không muốn con mình mất một người cha tốt như anh ấy và càng không muốn tiếp tục lừa dối".
Hiền không phải là trường hợp hiếm hoi tìm đến Trung tâm ADN và công nghệ di truyền để tìm bố cho con. Cũng như cô, nhiều cô gái lỡ sống buông thả đã không chịu nổi nỗi dày vò khi không biết đứa con của mình là kết quả của mối quan hệ với ai nên tìm đến đây. Cũng có những phụ nữ đến xét nghiệm ADN cho con nhằm lấy bằng chứng để đòi "bồi thường" cho một cái bẫy giăng sẵn cho người tình. Cũng có chị em tìm đến mong giải nỗi oan bao lâu do sự ngờ vực của chồng.
Tuy nhiên, số phụ nữ tìm đến dịch vụ xét nghiệm ADN rất ít. Trong số khoảng 1700 ca đến đây thì có tới gần 80% số trường hợp là các ông bố đến để giải tỏa nỗi nghi ngờ đứa con có phải của mình hay không. Có người cùng lúc gửi từ TP HCM ra 5 mẫu tế bào má, trong đó yêu cầu xét nghiệm xem 4 đứa con có đúng là ruột thịt của anh ta. Những trường hợp yêu cầu xác định quan hệ với 2-3 đứa con cũng khá nhiều. Khi nhận được kết quả, có người vui lòng mãn nguyện, có người đau khổ và cũng có những trường hợp vẫn không tin.
Anh Trung, 40 tuổi, ở Thanh Hóa là ví dụ. Dù được nhân viên của trung tâm hướng dẫn cách lấy mẫu để gửi đến làm xét nghiệm nhưng anh vẫn nhất quyết tự mình mang đến vì không tin tưởng cả bưu điện. "Các chị phải làm cẩn thận nhé, xem đây có phải là con tôi không", anh ta nói đi nói lại. Cho đến khi cầm tờ kết quả khẳng định đứa trẻ đúng là giọt máu của mình, anh Trung vẫn giãy nảy: "Không thể thế này được. Các chị có nhầm không? Hay vợ tôi biết được đã tìm đến đây và yêu cầu các chị thay đổi kết quả?".
Dù được giải thích nhiều lần rằng, dù là ai yêu cầu, với mục đích gì thì trung tâm cũng không bao giờ làm sai kết quả và không thể có chuyện nhầm lẫn, anh ta vẫn một mực quả quyết thằng bé không phải con mình và đưa ra cả đống lý do: Nào là, vợ anh ta mới mang thai 9 tháng đã sinh trong khi bình thường phải 9 tháng 10 ngày, rồi càng lớn, đứa trẻ càng giống người tình cũ của vợ. Hơn nữa, khi đi xem bói, ông thày cũng phán đó không phải là con anh.
Với cùng lý do kiểm tra ADN để xác định quan hệ cha con nhưng mỗi người đàn ông khi đến xét nghiệm và nhất là lúc nhận kết quả lại có những sắc thái tình cảm trái ngược: Có anh vui mừng vì biết chắc đó là con mình và hối hận vì đã nghi ngờ vợ. Anh khác lại cay đắng vì ngộ ra mình chỉ là kẻ "nuôi hộ con thằng khác". Cũng không ít người đàn ông không giấu nổi niềm hân hoan khi nhận tờ kết quả "không phải con". Đó đa số là những ông quan hệ ngoài luồng có con riêng và muốn rũ bỏ trách nhiệm với người tình.
Xét nghiệm vô tình làm thay đổi cuộc đời
Anh Thông, Thanh Xuân, Hà Nội là trường hợp duy nhất đến xét nghiệm ADN của mình và con không phải vì nghi ngờ mối quan hệ với "núm ruột" của mình. Anh chưa bao giờ mảy may nghi ngờ sự chung thủy của vợ. Anh tìm đến trung tâm ADN chỉ vì muốn giúp một người bạn. Thế nhưng, kết quả xét nghiệm lại làm thay đổi cả cuộc sống gia đình anh.
Chuyện là, bạn thân của anh Thông yêu một phụ nữ đã có con. Anh này phải nói dối gia đình rằng đứa trẻ là giọt máu của mình để họ chấp thuận đám cưới. Tuy vậy, bố mẹ anh ta đòi phải xác nhận điều đó bằng kết quả xét nghiệm ADN thì mới tin. Khi ấy, anh Thông đã đồng ý giúp bạn bằng cách lấy mẫu móng tay của mình và con đẻ mang đi xét nghiệm nhưng khai tên của người bạn và đứa trẻ con người đàn bà kia. Và rồi, anh như chết đứng khi nhìn tờ kết quả ghi rõ ràng: Không phải bố con.
Đau khổ, ngờ vực, anh đưa tờ kết quả cho vợ, kèm lời kể về câu chuyện giúp bạn. Chị nhìn anh thảng thốt rồi bất ngờ giơ tay tát mạnh chồng, bưng mặt khóc và không nói một lời nào suốt mấy ngày sau. Anh Thông hoang mang quá nên trở lại trung tâm xét nghiệm ADN và nhận được lời khuyên: Nếu đứa trẻ không phải con riêng của vợ thì rất có thể hai người đã nhầm con ở bệnh viện.
Tuy bán tin bán nghi nhưng anh vẫn lựa lời nói với vợ rồi cả hai cùng trở lại bệnh viện nơi sinh con, nhờ kiểm tra lại những ca sinh cùng, nằm cùng hôm ấy. May mắn thay, sau nhiều ngày tìm kiếm, anh chị đã gặp được cặp vợ chồng đã bị trao nhầm con với mình. Và lần này, cũng lại nhờ kiểm tra ADN, họ đã xác định được đúng đứa trẻ kia là con đẻ.
"Niềm hạnh phúc của chúng tôi giờ được nhân đôi. Chúng tôi có thêm một đứa con. Con tôi cũng có thêm một cha, mẹ và một người anh em nữa.", anh Thông tâm sự.
Người bạn anh Thông giờ cũng quyết định không nói dối nữa mà chọn cách đối mặt, nói rõ với gia đình rồi cùng cố gắng thuyết phục họ ủng hộ quan hệ của mình.
"Sự thật bao giờ vẫn là sự thật, dù nó có thể mang lại đau đớn, thất vọng cho người ta. Nhưng dẫu sao, đó cũng là sự giải tỏa, là điều giúp mỗi người nhìn thẳng vào vấn đề, biết trân trọng hơn những gì mình có và cư xử và đối với nhau 'người' hơn", bà Nga tâm sự. Là người đã được nghe bao câu chuyện ngang trái, chứng kiến cả nước mắt lẫn nụ cười từ chính Trung tâm này, chính bà đã nhiều lần trở thành nhà tư vấn tâm lý bất đắc dĩ cho khách hàng của mình.
(Còn nữa)
Minh Thùy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi