Sau mỗi tờ di chúc ít nhiều ẩn chứa những bất ổn của gia đình. Ảnh: Sgtt.com.vn. |
Xung quanh tờ di chúc có bao nhiêu câu chuyện mà đôi khi khiến cả người lập ra nó lẫn những người trong gia đình, người có liên quan phải dở khóc, dở cười.
Máu đào thua nước lã...
Năm ngoái, có một bà cụ chống gậy đến một văn phòng luật sư để làm di chúc. Bà là vợ của một cán bộ cấp cao, đến mời luật sư về nhà làm di chúc để lại phần sở hữu ngôi biệt thự có giá trị đến vài nghìn cây vàng.
Bà muốn làm di chúc để lại phần gia tài cho con gái. Nhưng đến khi tiến hành làm giấy tờ, ông luật sư hết sức ngạc nhiên vì họ của người con gái không trùng với họ của gia đình bà. Hỏi ra mới biết, bà làm di chúc để lại gia tài cho... con dâu, mà cô này đã bị con trai bà đâm đơn ly dị. Người con trai lẽ ra phải được hưởng thừa kế thì không được bà nhắc đến một lời trong tờ di chúc. "Nó là đứa không ra gì.", bà nói, có vẻ tức giận.
Theo lời bà kể, anh này do bồ bịch lăng nhăng, đã ly dị vợ, bỏ nhà ra đi để lại mấy đứa con, cũng đang ở chung nhà với bà. Dù trên danh nghĩa không còn là con dâu, nhưng vợ cũ anh vẫn thường xuyên đến thăm con, thăm nom, chăm sóc bà trong những lúc bà đau yếu bệnh hoạn, lo cho bà như thể con ruột. Quyết định của bà, chắc không dễ dàng gì. Nhưng có lẽ, không chỉ là vì thương cô con dâu, mà bà còn nghĩ đến những đứa cháu.
Những con đường di chúc
Trường hợp của cựu chủ tịch một tỉnh lại trái ngược vì người con dâu ông không muốn để lại gia sản cho con trai đầu. Cô con dâu đã vay mượn, lường gạt khá nhiều người, nợ đến hai tỉ đồng. Nếu như phần tài sản gồm những bất động sản của ông để lại được chia đều cho các con, chắc chắn người con cả sẽ chẳng còn gì vì cô con dâu lại bán để trả nợ. Một phương án làm di chúc được luật sư gợi ý: phần tài sản thay vì cho con trai sẽ được chia cho các cháu nội của ông.
Có những con đường lạ lùng dẫn đến các tờ di chúc. Trường hợp ở quận 8, TP HCM chẳng hạn. Khi người chồng phát hiện vợ ngoại tình, ông ghen lồng lên và cho rằng người ấy theo đuổi vợ chỉ vì tiền. Để chứng minh điều ngược lại với lời buộc tội của chồng, bà vợ lập di chúc để lại phần tài sản riêng mà bà có được trong thời gian chung sống để bà được tự do theo người tình mới.
Hai năm trước, luật sư Trần Hùng Phong, TP HCM tiếp một thân chủ đặc biệt. Đó là người đàn ông có một bà em đã đi tu ở quận 7. Bà em trước khi đi tu là chủ của nhiều miếng đất, gom lại cũng rộng hơn một mẫu và đa số đã được bà hiến tặng. Bà đang bệnh nặng, và anh trai bà nhờ làm tờ di chúc để đòi lại những miếng đất ấy. Thấy vấn đề cũng hợp lý, luật sư Phong thảo mấy bản di chúc và cùng ông lên chùa. Thế nhưng khi lên tới nơi thì vị sư trụ trì ngăn cản, không cho cả hai vào gặp. Đến khi thuyết phục được vị này thì bà đã nằm liệt giường, không còn biết gì. Dù vậy, ông thân chủ vẫn chuẩn bị sẵn mọi thứ để lấy dấu vân tay của bà vào bản di chúc. Thấy cảnh tượng ấy, luật sư Phong chợt hiểu ra, người này chắc đã nhiều lần đến chùa làm "náo loạn cửa thiền" vì mối lợi, và ông từ chối làm chứng cho trường hợp lập di chúc hy hữu đó...
Di chúc, di hoạ?
Có nhiều gia đình chỉ vì tờ di chúc mà các thành viên trở nên xung đột, tranh chấp nặng nề.
Một lần, văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu, TPHCM phải một phen náo động vì di chúc của thân chủ. Một nhóm anh chị em ở quận Bình Thạnh, TPHCM kéo tới đây "làm dữ" vì phát hiện được tờ di chúc mà người cha âm thầm lập, để lại gia sản cho anh con út, trong khi gia đình có đến bảy người con. Theo người cha, chỉ đơn giản vì những người còn lại đều đã có cơ ngơi riêng, trong khi anh con út thì rất nghèo mà lại có lòng hiếu kính đối với cha. Người cha nói: "Nó nghèo, nhưng lo lắng, chăm sóc tui đàng hoàng lắm, trong khi mấy đứa khác cả năm cũng không thăm viếng tui một lần".
Trong một lần lục lại giấy tờ cũ, một người trong nhóm anh em họ phát hiện được tờ di chúc. Họ nặng lời trách móc cha, lôi ông lên phòng luật sư để làm áp lực buộc ông phải làm lại tờ di chúc. Trước thái độ bất kính của đàn con, ông già nói trên chỉ còn biết im lặng, nước mắt lưng tròng. "Tui còn sống mà tụi nó đã vậy, tui chết rồi chúng còn loạn cỡ nào".
Đối với đa số những tờ di chúc lập tại văn phòng mình, luật sư Hậu đều nhìn thấy ít nhiều ẩn chứa những bất ổn của những gia đình. Ông nói: "Xã hội ngày càng trở nên khá giả, dồi dào tài sản nhưng tình cảm con người dành cho nhau lại nghèo nàn hơn. Những bản di chúc phần nào phản ảnh chuyện thế thái nhân tình".
Lạc quan hơn, luật sư Phong cho rằng, đa số các di chúc là những "bài toán" đã được giải quyết một cách tối ưu cho các vấn đề về vật chất và tình cảm của người lập di chúc để lại. Theo các luật sư, lập di chúc là một hành vi văn minh, thể hiện được ý thức về quyền sở hữu và trách nhiệm của người sở hữu tài sản. Có những trường hợp, người chủ gia sản chia đều cho các con, nhưng cũng phải lập di chúc để tránh cho con cháu những tranh chấp sau khi họ qua đời. Có những di chúc không chỉ để lại gia sản cho con cháu mà cả cho cô cậu, chú bác, như một phần trả những món nợ tình cảm riêng của người lập di chúc...
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cuộc tranh chấp, kiện tụng giữa những người trong gia đình diễn ra sau khi di chúc được công bố. Lời khuyên của những luật sư là người lập di chúc phải chú ý đầy đủ đến những yếu tố pháp lý. Luật sư Phong nói: "Những tờ di chúc được lập không đúng luật càng là tiền đề cho những chuyện nồi da xáo thịt...".
(Theo Sài Gòn tiếp thị)