Chị Loan (30 tuổi ở Đồng Nai) từ nhỏ đã quen làm mọi việc bằng tay trái. Đi học lớp một, cô giáo tập cho viết bằng tay phải, chỉ được một lát sau chị lại chuyển bút sang tay trái. Mỗi lần như thế, cô lại lấy thước gỗ gõ vào tay khiến chị đau điếng. "Viết bằng tay phải đối với tôi là một cực hình, nhưng vì sợ bị đòn nên cuối cùng cũng phải tập luyện. Tất cả những việc khác tôi vẫn làm bằng tay trái", chị kể.
Ngày ấy, khó khăn lớn nhất của cô học trò nhỏ là cầm kéo. Hôm bắt đầu học môn thủ công cắt dán, thấy các bạn khác sử dụng kéo ngon lành, chị cũng háo hức nhưng khổ nỗi cắt hoài không đứt nên phải dùng dao lam rạch nham nhở. Đến khi được giải thích, chị mới hiểu ra vấn đề và nhờ mẹ đặt mua cho một chiếc kéo tay trái.
Đến nay bước vào ngưỡng cửa tuổi 30, bà mẹ một con cho biết cuộc sống của chị không còn gặp nhiều khó khăn do thói quen sử dụng tay trái, ngoại trừ lúc đi ăn tiệc. Mỗi lần ngồi chung bàn ăn với ai, chị lại thấy bất tiện bởi khuỷu tay của mình liên tục va vào người bên cạnh. Đó là lý do chị ngại đến những nơi tiệc tùng đông đúc.
Thanh Tùng cũng có thói quen thuận tay trái, chân trái nhưng sau một thời gian luyện tập, anh đã sử dụng được cả hai tay hai chân thạo hơn người khác. Đặc biệt thế mạnh của anh là khả năng đá bóng hai chân thuần thục.
Khi còn là sinh viên, Tùng mệnh danh là "siêu sao phá lưới" của đội tuyển bóng đá khoa. Đến nay đã đi làm, anh cũng nhiều lần nhận giải quả bóng vàng cấp tập đoàn. "Nhờ đi bóng được cả hai chân nên mình giữ được bóng tốt hơn. Không những thế, mỗi lần thủ môn bị thương hay vắng mặt, mình chụp gôn giùm cũng phát huy được sở đoản nhờ có hai tay linh hoạt gần như nhau. Mình chưa bao giờ thấy việc thuận tay trái, chân trái là bất tiện cả", Tùng bộc bạch.
Không dễ dàng hòa nhập với cuộc sống khi bị bắt buộc phải bỏ thói quen dùng tay trái, Thu Minh cho biết từ khi bị rèn làm mọi thứ bằng tay phải, chị bắt đầu gặp muôn vàn rắc rối. "Mỗi lần làm gì, đầu tiên phải nghĩ xem nên dùng tay nào. Nhiều khi tôi cảm thấy bản thân mâu thuẫn ghê gớm. Từ đó tôi thu mình lại, khó thể hiện cảm xúc, khó đưa ra quyết định dứt khoát. Một số đứa bạn tôi cũng trong tình cảnh tương tự, hay mâu thuẫn nội tâm, nói lắp…", bà mẹ trẻ một con hiện sống tại quận Bình Thạnh, TP HCM, trầm tư.
Chị Mai Hiên, Việt kiều đang làm việc tại Đan Mạch, cho biết, ở các nước châu Âu, giáo viên và phụ huynh rất tôn trọng thói quen thuận tay của trẻ. Họ cho rằng việc cho phép học trò tự do sử dụng tay thuận chính là giúp các em phát huy năng khiếu thiên bẩm.
"Thời tôi còn học ở Pháp rất nhiều sinh viên sử dụng tay trái để viết, họ viết chữ đẹp và rất giỏi. Ở công ty tôi, 3 người giữ chức vụ cao nhất đều thuận tay trái. Con trai tôi thuận tay trái tôi cũng không ép phải thay đổi", chị Hiên nói.
Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, đa phần loài người đều thuận tay phải, chỉ khoảng 10% thuận tay trái. Về cơ bản, tay trái thuận được cho là do sự phát triển trội hơn của bán cầu não phải. Những người này thường có chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) cao, trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo tốt hơn. Họ thường thành công hơn trong các lĩnh vực ngôn ngữ, âm nhạc, nghệ thuật…
Trong cuộc sống, người thuận tay trái sẽ gặp phải rất nhiều bất tiện. Tuy nhiên ngày nay vấn đề này đã được cải thiện khá nhiều, các nhà sản xuất bắt đầu quan tâm hơn đến việc chế tạo ra hàng loạt dụng cụ dành cho người thuận tay trái như kéo, dao hai lưỡi, găng tay thể hình...
Ông Thịnh khẳng định, việc thuận tay nào là đặc điểm sinh học tự nhiên của cơ thể mỗi người, do đó cần được tôn trọng và cổ vũ thay vì cưỡng ép phải theo số đông dẫn đến sự lóng ngóng, vụng về không đáng có. Trong lớp học ở trường quốc tế mà ông đang dạy, có 3 học sinh thuận tay trái và không bị ép buộc phải tập viết bằng tay phải. Các trò này khá thông minh, học giỏi và viết chữ đẹp.
Thực tế không phải ai thuận tay trái cũng thông minh, giống như không phải ai thuận tay phải cũng giỏi. "Tuy nhiên để cho trẻ tự do sử dụng tay thuận là góp phần giúp các em phát triển những khả năng thiên bẩm thay vì đảo lộn trật tự đó. Chỉ cần thầy cô lưu ý hơn đến những em thuận tay trái, nên sắp xếp các em ngồi ở đầu bàn phía tay trái để không va vào tay bạn bên cạnh", ông Thịnh nói.
Theo thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng, cha mẹ có thể nhận biết con mình thuận tay nào chính xác nhất vào lúc bé khoảng 3-4 tuổi. Nếu bé thuận tay trái, không nên lo lắng, đặc biệt đừng xem đó là một tật xấu và ra sức sửa chữa. Một số nghiên cứu còn chỉ ra những người thuận tay trái bị cưỡng bức dùng tay phải có xu hướng trở nên vụng về, khó hòa nhập, thiếu tự tin, nói lắp…
"Cứ để con mình phát triển hết khả năng như thiên phú. Biết đâu đó sẽ là những vĩ nhân tương lai tiếp sau Napoleon, Bill Clinton, R. Reagan, Leonardo de Vincy, Marie Curie, Bill Gate, Barack Obama…", ông chia sẻ.
Nhằm giải đáp những trăn trở của phụ huynh để giáo dục con trẻ trở nên tự tin và phát huy khả năng thiên bẩm, thạc sĩ Trần Đình Dũng sẽ có buổi chia sẻ về chủ đề "Cách thức để bố mẹ biết định hướng cho con sống cuộc đời của con" vào sáng 8/2. Ngoài ra, sáng 1/2, Hội quán các bà mẹ TP HCM tổ chức chương trình “Xuân chia sẻ yêu thương 2015”. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Lan Hải sẽ tư vấn cách phòng tránh bệnh trong dịp Tết và dạy trẻ những kỹ năng phụ giúp gia đình. Các chương trình trên sẽ diễn ra tại hội trường số 2.2 và 2.3 đường Phan Xích Long, phường 3, quận Bình Thạnh, TP HCM. Đăng ký tham dự miễn phí: 0908 350 590. |
Thi Trân