Ngày 10/1, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM bác kháng cáo kêu oan, chấp nhận kháng nghị, tăng án từ tù chung thân lên tử hình đối với Ugah Victor Uchenna (quốc tịch Nigeria) về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy (đường dây của Uchenna mua bán trái phép gần 7 kg heroin). Trong quá trình thụ lý, tòa hai lần phải hoãn xử để đáp ứng các “chiêu” làm khó của Uchenna.
Ở lần xử đầu tiên, Uchenna yêu cầu tòa phải dịch văn bản kháng nghị của VKS ra tiếng Anh. Tòa đồng ý và hoãn xử. Tuy nhiên, khi cán bộ tòa mang văn bản kháng nghị đã được dịch sang tiếng Anh đến trại giam giao cho Uchenna thì Uchenna từ chối ký nhận.
Tại phiên xử được mở lại, lúc đầu Uchenna vòng vo nói không nhận được văn bản kháng nghị. Về sau, Uchenna thừa nhận đã nhận được văn bản kháng nghị tiếng Anh nhưng lại đòi có mặt đại diện lãnh sự quán. Tòa lại phải hoãn xử để đáp ứng Uchenna. Đến phiên xử ngày 10/1 vừa qua, không còn kiếm được lý do nào nữa để yêu cầu hoãn xử, Uchenna mới chấp nhận nghe tòa tuyên án.
Một vụ tương tự, từ năm 2006, Nanji David Ete (quốc tịch Nigeria) đã thiết lập một đường dây mua bán trót lọt gần 11,5 kg heroin ở Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan về Việt Nam rồi vận chuyển sang Trung Quốc. Tháng 6/2009, đường dây này bị triệt phá.
Ngay từ đầu, dù có người phiên dịch nhưng Ete vẫn yêu cầu phải dịch các văn bản tố tụng ra tiếng Anh hoặc tiếng Nigeria. Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 4/2011 của TAND TP HCM, Ete và các đồng phạm không đồng ý với việc tòa sử dụng các bản cung tiếng Việt (dù có chữ ký của họ). Các bị cáo nói phiên dịch viên chỉ “dịch sơ” cho họ nghe nên chưa có gì bảo đảm đúng ý của họ. Dù vậy, tòa án vẫn phạt Ete án tử hình, hai bị cáo khác tù chung thân, bốn bị cáo còn lại từ 15 năm tù đến 20 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Sau đó, VKS kháng nghị yêu cầu tăng mức hình phạt với ba đồng phạm của Ete, còn các bị cáo kháng cáo xin giảm án.
Tại phiên phúc thẩm lần đầu, các bị cáo nại rằng không hiểu văn bản kháng nghị của VKS nên yêu cầu tòa hoãn xử, dịch ra tiếng Anh để họ nghiên cứu. Tòa chấp nhận. Sau khi văn bản kháng nghị cùng bản án sơ thẩm được dịch ra tiếng Anh và tống đạt cho các bị cáo, tòa mới mở lại được phiên xử, y án với Ete…
Sau khi tòa tuyên án tử hình, cảnh sát phải rất vất vả mới đưa được Ugah Victor Uchenna xuống xe về trại giam. |
Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP HCM cho biết hiện nay trong các vụ án có bị can, bị cáo người nước ngoài, các cơ quan tố tụng đều sử dụng tiếng Việt trong tất cả bút lục, sau đó yêu cầu phiên dịch viên đọc cho bị can, bị cáo nghe. Tình trạng này dễ dẫn đến chuyện ra tòa, bị cáo phản cung nói rằng trong giai đoạn điều tra, họ nghe phiên dịch không phải như vậy...
Theo Điều 24 Bộ luật Tố tụng hình sự, tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch. Theo Điều 226, nếu bị cáo không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết.
Như vậy, bị can, bị cáo người nước ngoài có quyền chỉ nói và viết bằng tiếng dân tộc mình. Lúc đó cơ quan tố tụng phải có người phiên dịch. Tuy nhiên, các điều luật trên lại chưa rõ ở chỗ về phía cơ quan tố tụng thì sao, có phải dịch tất cả văn bản tố tụng ra chữ viết tiếng dân tộc của bị cáo hay một ngoại ngữ nào đó để tống đạt cho họ hay không? Ngay cả đối với bản án, luật cũng chỉ quy định người phiên dịch đọc lại cho bị cáo nghe bằng thứ tiếng mà bị cáo biết chứ không nói là dịch ra văn bản để tống đạt.
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), dù có khó khăn thì cũng cần thiết phải nghiên cứu hướng đến việc ban hành các văn bản tố tụng bằng hai thứ tiếng khi xử lý hình sự người nước ngoài phạm tội. Nếu ngại ngôn ngữ bản xứ của bị can, bị cáo không phổ biến thì có thể quy định dịch văn bản tố tụng ra ngôn ngữ quốc tế thông dụng là tiếng Anh. Điều này phù hợp với xu hướng tố tụng tiến bộ, hạn chế chuyện bị can, bị cáo lợi dụng gây khó dễ cho cơ quan tố tụng.
Tuy nhiên, kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) lại cho rằng nguyên tắc xét xử trong tố tụng hình sự là bằng tiếng Việt. Cơ quan tố tụng chỉ cần phiên dịch cho bị can, bị cáo người nước ngoài nghe để hiểu chứ không thể đòi hỏi phải có văn bản tố tụng bằng một ngoại ngữ khác. Bởi lẽ dịch văn bản tố tụng ra tiếng Anh thì cơ quan tố tụng có thể làm được nhưng nếu bị can, bị cáo yêu cầu dịch văn bản sang một ngoại ngữ ít phổ biến, thậm chí không ai biết thì sao? Lúc đó, vụ án sẽ rơi vào bế tắc.
Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM cho rằng, người nước ngoài vào Việt Nam ít nhiều cũng phải biết tiếng Anh để giao dịch. Nhưng khi đụng chuyện, họ làm như không biết và yêu cầu có phiên dịch tiếng mẹ đẻ. Một số thứ tiếng hiện rất khó tìm người phiên dịch, có trường hợp phải dùng hai phiên dịch viên nối nhau. Chỉ riêng vấn đề phiên dịch tiếng Hoa cũng đã phức tạp bởi nhiều bị cáo không đồng ý phiên dịch viên tiếng phổ thông mà phải phiên dịch tiếng địa phương. Điều này gây khó khăn không ít cho việc xét xử của tòa.
Mặt khác, một số vụ án cần có luật sư chỉ định cho các bị cáo người nước ngoài. Hiện không có quy định hỗ trợ chi phí nhờ phiên dịch để trao đổi với bị cáo cho luật sư. Vì rào cản ngôn ngữ, lại không muốn bỏ tiền túi trả cho người phiên dịch, rất nhiều luật sư đã né chuyện làm việc với bị cáo, dẫn đến chất lượng bào chữa chưa tốt.
Vừa nghe tòa tuyên án tử hình (tức chưa được nghe phiên dịch), bị cáo Nanji David Ete đã ngã quỵ, kêu lên: “Oh my god!”. Còn Ugah Victor Uchenna, khi vừa nghe tòa tuyên án tử (tức cũng chưa được nghe phiên dịch) thì cũng giống đồng hương vội la lớn “Why, why?”. Lúc này, một cảnh sát dẫn giải hỏi Uchenna rằng: “Nghe hiểu tiếng Việt à?”, Uchenna lắc đầu ngay, trả lời rất rành rọt bằng tiếng Việt: “Đâu có”. |
Theo Pháp luật TP HCM