Năm 2019, ông Nguyễn Công Thành, ở Đắk Lắk, trích 4 triệu đồng từ khoản tiền bán cà phê để mua một chiếc smartphone sau chuyến du lịch cùng nhóm bạn học phổ thông. Cô con gái tải ứng dụng mạng xã hội và đăng ký tài khoản cho ông. "Tôi kết bạn với nhiều người, đủ lứa tuổi. Có những người từ thời chăn trâu cắt cỏ vài chục năm không gặp, nay cũng được gặp lại", người đàn ông 58 tuổi khoe.
Kể từ đó, cuộc sống của ông Thành thay đổi hẳn. Ông để ý đến ngoại hình hơn và đặc biệt thích chụp ảnh. "Các con cháu đăng cái gì ông cũng bấm like với bình luận. Ông được xem ảnh thằng cháu ở Nhật sống thế nào, vui vẻ ra sao. Nhớ thì ông gọi video nói chuyện, không phải hỏi qua đứa này, đứa kia nữa", chị Thanh Giang, 30 tuổi, con gái ông Thành, kể.
Có lần, đang đêm đột nhiên ông ngồi bật dậy, khoe rối rít với cả nhà: "Hoài Linh nói chuyện với ba chúng bay ơi!". Hóa ra, ông theo dõi hàng loạt các ca sĩ, diễn viên mà mình yêu thích, trước nay chỉ gặp trên TV, thỉnh thoảng họ đăng hình ảnh, chia sẻ, ông cũng vào bình luận, được hồi đáp. Nhờ có mạng xã hội mà ông được giao lưu, trao đổi với những người có chung sở thích. Ông say sưa nói chuyện với hội trồng cây cảnh về cách tạo dáng rồi lại "nhảy" sang hội yêu cá để "bàn luận" cách cân bằng độ PH cho nước trong bể cá...
Theo khảo sát và nghiên cứu của Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), những người trong độ tuổi từ 60 đến 86, có thói quen sử dụng mạng xã hội giống người trẻ, chủ yếu để gắn kết với những người bạn cũ và phát triển mối quan hệ với những người cùng chí hướng. Họ cũng thích theo dõi những người thân yêu. Ông Thành và nhiều người già Việt Nam cũng tìm được niềm vui nhờ mạng xã hội như thế.
Thống kê của tổ chức We are social, năm 2019, ở Việt Nam, nhóm người dùng mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là trên 45 tuổi. Nhóm này tăng lên 60% trong năm qua. Nhưng cũng theo báo cáo Quảng cáo trực tuyến Việt Nam 2019 (Vietnam Digital Advertising 2019), trung bình mỗi người Việt dành khoảng 6 tiếng 42 phút để truy cập Internet.
Người nhà không thống kê ông Thành có tiêu tốn từng đó thời gian cho mạng xã hội hay không nhưng sự say sưa "thế giới ảo" ông cũng khiến con, cháu nhiều phen đau đầu.
Ông Thành không còn hào hứng bế cháu nhỏ đi chơi, đưa cháu lớn đi học như trước. Ngồi cùng khách, ông cũng mở điện thoại ra xem. Mỗi ngày, chủ tài khoản Nguyen Cong Thanh đăng ít nhất 5-6 bài viết, từ bức ảnh "tự sướng" trước rẫy cà phê, khoe chùm hoa mới nở trước nhà... và cả cái chuồng gà của gia đình cũng được tung lên. "Nhiều hôm cháu khóc ngay bên cạnh mà ông không biết vì còn mải nghĩ xem nên đăng gì cho nhiều người quan tâm", con gái ông Thành than.
Một buổi chiều, ông Thành thấy bức ảnh chụp năm anh em ruột do ông anh cả đăng. Tuy nhiên, chỉ ba người kia được gắn thẻ tên (tag), riêng ông thì không. Cho rằng mình bị các anh, em coi thường vì họ là cán bộ còn mình xa quê, lại ít học, ông Thành giận. Dưới bức ảnh, ông bình luận: "Thằng Thành này chết rồi phải không?". Sau đó, các anh chị em gọi kiểu gì ông cũng không nghe máy.
"Bác cả mày khinh tao, không coi tao là em nên không gắn tên. Từ nay coi như không họ hàng, anh em gì để đỡ làm các ông mất mặt", chị Thanh Giang cười nhớ lại. Hóa ra ông Thành mới dùng nên Facebook chưa nhận diện để gắn tên tự động như hai người anh đã dùng nhiều năm kia. Người anh cả cũng mới chơi nên không biết gắn tên là thế nào. Sau khi được giải thích, ông Thành hiểu ra, mới chấp nhận làm lành.
Được vài hôm, thấy mọi người đăng ảnh đi họp hành, đi hội thảo, ông Thành nghĩ họ đang muốn "khoe địa vị" với mình. Người nhà gọi điện nói chuyện, ông không còn mặn mà như trước hoặc không nghe máy. "Kế hoạch về quê trước Tết Nguyên Đán vốn đã "chốt" giờ bị bỏ lửng. Phải xem mối quan hệ trên mạng xã hội có nồng ấm hơn không mới quyết được chuyện đời thực", con gái ông than thở nửa đùa, nửa thật.
Cũng đôi lần gặp cảnh "dở khóc, dở cười" vì phụ huynh dùng mạng xã hội nhưng điều khiến chị Phương Thu, con gái bà Hoàng Hồng Hà, ở Phú Thọ, lo lắng nhất là mẹ mình bị lừa và vô tình tiếp tay cho tin giả.
Từ ngày trở thành người dùng mạng xã hội, bà Hồng Hà bỗng nhiên trở thành một "con nghiện" mua sắm và thích xem các video livestream bán hàng. Từ cây cảnh, quần áo, váy vóc đến giầy dép, bà đều mua qua vài "cú nhấp" trên điện thoại. Chất lượng thì rất "hên xui".
Mới đây, vừa sáng ra, chị Phương Thu thấy mẹ mắt sưng húp vì khóc. Bà đặt mua hơn 10 hạt củ giống hoa ly, đã chuyển 100.000 đồng tiền cọc nhưng không thấy gửi hàng. Nhiều lần bị lừa như vậy, nên bà Hà lên nhắn tin giục chủ shop. Không ngờ, bà bị chủ cửa hàng chửi lại với lời lẽ khiếm nhã. "Mẹ tức nên thức cả đêm chửi nhau với nó", bà Hồng Hà ấm ức khi vừa mất tiền, vừa rước bực vào thân.
Hồi đầu năm nay, bà và rất nhiều bạn bè đã trở thành nguồn chia sẻ bài viết "ăn trứng luộc lúc nửa đêm để phòng Covid-19". Không chỉ chia sẻ, bà Hồng Hà còn gọi điện cho con, cháu ở khắp nơi giục ăn trứng phòng bệnh. Hậu quả là đêm đó, chị Phương Thu mất ngủ vì liên tục vì mọi người gọi điện hỏi "mẹ em sức khỏe có ổn định không mà lại gọi điện nói chuyện lạ như vậy".
"Người già nghiện điện thoại chủ yếu do nguyên nhân sinh học, tâm lý và xã hội. Lạm dụng mạng xã hội có thể là dấu hiệu cô đơn", nhà tâm lý học Yap Chee Khong (Malaysia) nhận xét.
Chị Phương Thu thấy điều này có phần đúng với người mẹ của mình. Bà vốn đang quen với nhịp sống ở quê, nhưng vì phải phụ chị chăm cháu mà lên Hà Nội sống. Hàng ngày, chỉ bà già với đứa trẻ con chưa biết nói ở nhà, mạng xã hội trở thành cầu nối với thế giới bên ngoài. "Đôi khi trách mẹ, nhưng cũng phải nhìn lại vì có lẽ mình làm con nhưng đã quá thờ ơ với đời sống tâm lý của mẹ", chị nói.
Chị Thanh Giang ở Đắk Lắk cũng thừa nhận đã "bỏ quên bố mẹ ở phía sau". "Thỉnh thoảng những câu chuyện các con, các cháu nói ở mâm cơm ông bà không thể hiểu. Nhưng từ khi lên mạng, ông trẻ ra, kiểu nói chuyện nào ông cũng bắt chuyện được", cô con gái chia sẻ.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch tập đoàn truyền thông LeBros cho rằng, người già hay người trẻ đều dễ bị nghiện mạng xã hội. Tuy nhiên, người già có nhiều thời gian rảnh hơn nên thời gian sử dụng cũng nhiều hơn. Đặc biệt, những người lớn tuổi thường cảm tính, lại thiên kiến nên dễ trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội. "Nhiều người mà tôi biết dễ dàng chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, bỏ tiền tham gia vào các nhóm, hội mà không biết bị lừa", ông Vinh cho hay.
Theo ông Vinh, để kéo người già khỏi mạng xã hội, các con, cháu nên dành thời gian cho họ nhiều hơn, ví dụ tổ chức các hoạt động kết nối các thành viên trong gia đình, đăng ký cho bố mẹ tham gia các câu lạc bộ... Đồng thời, con, cháu nên chủ động chia sẻ thông tin, định hướng và cảnh báo để ông bà, bố mẹ biết, tránh bị lừa đảo, đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng.
Nhật Minh