Người mẹ 55 tuổi, ở Ninh Bình cho biết, con trai bà có công việc ổn định, thu nhập khá, mua được nhà, sắm được ôtô nhưng tình duyên lận đận. Con gái cũng xinh xắn nhưng mãi chưa đưa người yêu về ra mắt. Nhiều năm nay, các con đi làm xa nhà, bà hàng chục lần đi chùa cầu duyên, cắt duyên âm, se duyên trần cho con.
"Vợ chồng tôi tuổi ngày một lớn, chỉ muốn con sớm thành gia thất. Lúc nó sinh con, mình cũng còn sức mà giúp đỡ", bà Nguyễn Thị Hoa nói. Mỗi lần các con về, bà Hoa đều thúc giục chuyện này nhưng không thấy gì thay đổi.
Tết năm nay, bà Hoa quyết định làm lễ rắc gạo muối, đốt vía đuổi xui xẻo cho hai con, hy vọng tình duyên sẽ đến. Để mẹ vui lòng, Phúc và Hạnh, hai con bà ngồi trước thềm nhà, ngoan ngoãn thực hiện mọi động tác mẹ yêu cầu.
"Tôi bảo với mẹ hạnh phúc cả cuộc đời nên mất thời gian lâu để tìm kiếm là xứng đáng. Nhưng mẹ sốt ruột nóng lòng lắm", Hạnh nói.
Ở Hà Nội, chị Minh Thùy (30 tuổi, huyện Mỹ Đức) ngày nào cũng được mẹ gọi hỏi "đã có người yêu chưa". "Nhiều bữa tôi cáu, bảo 'mới hôm qua mẹ hỏi chưa có, hôm nay lại hỏi, làm sao mà nhanh thế được", Thùy kể.
Dịp Tết Quý Mão, cô nhắn mẹ "28 Tết sẽ con về", nhưng bà Bích Hằng, 50 tuổi, lạnh lùng đáp "không dẫn được thằng nào về thì không phải về". Thấy con gái 29 Tết chưa có mặt ở nhà, bà mới gọi điện cầu hòa "mẹ sẽ không nói gì nữa, duyên mày kệ mày".
Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Minh Thùy nghe em trai kể mới biết mẹ lén lấy áo của cô, hai lần đi làm lễ cắt duyên âm. Một lần hết 30 triệu, một lần hết 50 triệu, gần bằng lương con gái đi làm nửa năm. "Chỗ vàng mẹ bảo để dành cho tôi lấy chồng giờ bán làm lễ hết", Minh Thùy nói. Ăn Tết xong, người mẹ lại rủ con đi làm lễ cầu duyên, chi phí hơn chục triệu đồng.
Không chỉ chi tiền đi cắt duyên âm cho con, bà Hoàng Hồng Thu (60 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) được con gái ví như chiếc radar. Cứ gặp ai nói có con trai trạc tuổi, bà xin số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội, gửi cho con gái, bảo nhắn tin làm quen.
Người mẹ cũng viết bài trên các mục hẹn hò, đăng ký các dịch vụ môi giới hôn nhân với kỳ vọng tìm được người yêu cho con gái. "Học hành là quan trọng, nhưng lấy chồng cũng quan trọng không kém. Giờ trẻ không đứa nào nhìn, mai kia già ai nhìn đến", bà mắng Bích Hà, cô con gái 30 tuổi đang du học Hà Lan.
Năm ngoái, bà Thu và người bạn trong câu lạc bộ khiêu vũ lập kế hoạch mai mối Hà với cháu người bạn này. Dịp hè, chàng trai về nước, bà vờ ốm nặng, nhắn con về gấp. Con gái gọi video nhưng bà lấy cớ mệt không thể nói chuyện. Bích Hà phải xin nghỉ học, nghỉ làm, bay về.
Đến nhà, cô sững người khi thấy mẹ chẳng những khỏe mạnh mà còn đang sôi nổi bàn kế hoạch mai mối. "Thằng này hơn một tuổi, cũng đi du học về, đẹp trai, gia cảnh đàng hoàng. Con lấy được nó thì chẳng cần phải đi đâu cũng sung túc", người mẹ nói.
Tâm lý và hành động của các bà mẹ phản ánh sự khác biệt thế hệ rất lớn của người Việt trong chuyện kết hôn. Các thế hệ trước thường kết hôn và ổn định cuộc sống gia đình trước tuổi 24. Người trẻ Việt có xu hướng kết hôn ngày càng muộn và ưu tiên dành thời gian phát triển bản thân, xây dựng sự nghiệp.
Kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người Việt có xu hướng tăng liên tục qua các năm, từ 23,8 năm 1989 lên 25,7 năm 2020.
Đặc biệt, tuổi kết hôn lần đầu của nam giới Việt Nam tăng từ 24,4 năm 1989 lên 27,9 năm 2020. Một số thành phố lớn như TP HCM, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới đã xấp xỉ 30 tuổi.
Cùng với đó, tỷ lệ người độc thân tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng nhanh, từ 6,2% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019.
Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học Tâm lý- Giáo dục (Hà Nội) cho biết, hầu hết cha mẹ đều lo lắng, sốt ruột khi con đến tuổi dựng vợ, gả chồng mà chưa có người yêu hay kết hôn. "Bố mẹ thúc giục con kết hôn vì nghĩ đây là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, một số người lại thể hiện sự lo lắng một cách thái quá", bà nhận xét.
Bà Bích Hằng cho biết, con gái chưa một lần giới thiệu người yêu. Bằng tuổi con gái bây giờ, bà đã sinh đủ hai mặt con, nhưng giờ con gái vẫn bảo "chơi chưa đã". "Hỏi nó thì nó bảo 'con chưa muốn lấy chồng'. Hơn 30 tuổi mà không muốn lấy chồng thì biết đến bao giờ", bà nói.
Nhưng chuyên gia tâm lý cảnh báo, cha mẹ lo lắng, thúc giục con kết hôn chẳng giải quyết được gì, ngược lại, có thể khiến con cái ức chế, căng thẳng hơn. "Nhiều phụ huynh lo quá lại làm căng với con, chê và chỉ trích con là không giao thiệp nhiều nên không có người yêu, toàn chơi với đứa có chồng/vợ hay xấu xí, béo mà không giảm cân", bà Nga nói.
Minh Thùy ở trọ trong nội thành Hà Nội, cách nhà chỉ hơn 30 km nhưng vài tháng mới về quê một lần vì ngại bị mẹ thúc ép lấy chồng. "Tôi nói chuyện với mẹ cũng không được quá 10 phút. Nhiều khi muốn trải lòng, muốn tâm sự nhưng nói gần nói xa gì mẹ cũng quy về chuyện lấy chồng", Thùy nói.
Tết về quê, cô hầu như đóng cửa phòng ở trong nhà, bỏ bữa vì không muốn chạm mặt người xung quanh quá nhiều, để phải nghe câu "bao giờ lấy chồng".
Sau lần bỏ công việc học hành về chăm mẹ ốm nhưng bị lừa, Bích Hà xa cách mẹ hơn. "Tôi thương mẹ, nhưng thấy mẹ chẳng hiểu mình, suy nghĩ và quan điểm khác xa nhau quá", Hạnh nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP HCM) cho rằng thay vì thúc giục con lập gia đình để khiến cả mình và con đều buồn phiền, cha mẹ hãy ngồi xuống, nói chuyện với con một lần. Nên giải thích cho con hiểu, nếu không có định hướng nào khác số đông (như đi tu hoặc sống độc thân) thì nên để tâm đến chuyện lập gia đình.
Theo tháp phát triển tâm lý, thời kỳ trưởng thành là từ 18-35. Đặc điểm quan trọng nhất của thời kỳ này là thiết lập mối quan hệ thân mật với người khác giới và xây dựng sự nghiệp. Đây cũng là thời điểm vàng để phụ nữ sinh con. Đến giai đoạn ngoài 30, dù sự nghiệp vững vàng mà không có tình yêu, bạn trẻ dễ rơi vào trạng thái cô độc, trống rỗng và lo âu. "Giống như cuộc khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên của đời người", bà Tâm khuyên. "Cha mẹ hãy nhớ, cuộc đời con là do con quyết định. Cha mẹ không nên và không có quyền can thiệp".
Dù nhảy qua lửa, ngồi cho mẹ đốt vía, nhưng Hạnh và Phúc, các con của bà Hoa không quá áp lực trước sự thúc giục của mẹ.
"Anh em tôi vẫn bảo mẹ chờ thêm ít nữa, chúng con vẫn cố tìm. Khi nào gặp được người phù hợp, thấy sẵn sàng chúng con sẽ mang về giới thiệu mẹ", Hạnh trấn an để mẹ yên lòng.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.
Phạm Nga