Có nhiều người muốn bỏ việc để trải nghiệm cảm giác làm ông chủ. Nhưng cũng có những ông chủ phải quay trở lại tìm việc và họ rất khó để làm quen. Xuehua đã tìm được 2 CEO (giám đốc điều hành) và một CMO (giám đốc tiếp thị) chia sẻ về hành trình tìm việc sau thất bại khởi nghiệp.
Liu Peng, 28 tuổi, CEO của một công ty khởi nghiệp đã gửi 2.000 hồ sơ qua các web tuyển dụng và được gọi phỏng vấn 50-60 lần.
Tôi thất nghiệp 220 ngày trước khi tìm được việc làm. Ban đầu tôi viết có kinh nghiệm 5-6 năm tự kinh doanh nhưng không nhận được hồi âm. Thật khó để thuyết phục rằng doanh nghiệp của tôi thất bại và có căn cứ nào để tôi mang lại hiệu suất cho công ty mới. Một người phỏng vấn của một công ty niêm yết đã ném hồ sơ của tôi vào thùng rác và nói: "Bản lý lịch thế này là giấy thải trong công ty chúng tôi".
Nhưng đối với tôi những lần phỏng vấn như vậy lại không có ý nghĩa như "phế thải". Tôi đã quen với việc đó và học cách chấp nhận.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi mở cửa hàng guitar và làm môi giới. Năm 2007, tôi và bạn gái mở công ty truyền thông với thế mạnh làm các video ngắn. Chúng tôi tưởng tượng về một tương lai tươi sáng nhưng khi bắt đầu công việc, thuê nhà kho, tìm diễn viên, quay phim... tôi phát hiện đây quả là một dự án phức tạp.
Tiền tiết kiệm đã cạn kiệt, chúng tôi sẵn sàng mời chào các nhà đầu tư. Tuy nhiên, rất khó để thuyết phục ai đó tin vào dự án của chúng tôi. Để giảm chi phí, chúng tôi chuyển xuống sống tầng hầm chung cư, nơi chứa nhiều khí formaldehyd và lúc ra ngoài cả hai cảm tưởng như chuột chui khỏi tổ. Trước khó khăn công việc, tôi và bạn gái quyết định dừng lại, đi làm thuê.
Mùa hè năm ngoái, nhiệt độ Bắc Kinh lên đến 40 độ. Mỗi ngày tôi mặc sơ mi, quần jean, đi dưới cái nắng nóng xin việc trong khi địa điểm phỏng vấn ngày càng xa hơn, nhiều nơi phải mất một ngày đi lại. Ở một khu công nghiệp, tôi được nhận phỏng vấn. May mắn cuối cùng tôi gặp được ông chủ đánh giá cao mình.
Trong công ty mới tôi cố gắng che giấu việc mình từng làm CEO. Cho đến một cuộc họp, khi giám đốc phát biểu tôi đã không kìm được và bày tỏ thẳng thắn ý kiến của mình. Đến nửa chừng tôi nhận ra đây không phải là phòng họp của mình...
Qiaochan, 27 tuổi, CEO một công ty khởi nghiệp: "Họ luôn nói không đủ khả năng trả lương cho tôi".
Sau nửa năm thất bại kinh doanh tôi đi phỏng vấn xin việc. Những cuộc phỏng vấn ban đầu rất vui vẻ. Khi tôi ra về, bên kia thường nói: "Cậu Joe, hôm nay buổi phỏng vấn tốt đẹp. Quay về và chờ đợi tin tức". Sau đó thì không có tin tức gì nữa. Lúc đầu tôi cảm thấy mình có chút phô trương, để thành tâm hơn tôi tháo nhẫn vàng ở ngón giữa.
Tôi là người chưa từng gặp thất bại trong cuộc sống. Khi nhỏ, ông tôi là giám đốc nhà máy, hơn chục toà nhà trong thị trấn là nhà máy của ông tôi. Quá trình học hành tôi luôn thuộc top 5. Mùa xuân 2017 tôi thành lập một công ty tài chính ở tuổi 25 và và xây dựng được một đội ngũ 40 nhân viên. Ông chủ cũ của tôi hứa sẽ đầu tư cho dự án 20 triệu tệ.
Các nhà đầu tư nói dự án của tôi có thể tạo ra lợi nhuận đến 9 con số 0 cho họ. Nhưng tin xấu đã đến, dự án không được đầu tư kinh phí và tôi không thể trả 300.000 tệ mỗi tháng lương nhân viên. Để tồn tại, tôi thậm chí đã nhận một số dự án không minh bạch nhưng thu nhập vẫn ảm đạm.
Sau khi công ty giải thể, ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là phải giải tỏa. Trước đây tôi luôn cố gắng làm hài lòng các bên. Giờ tôi chỉ cần làm hài lòng chính mình. Tôi đã đến tất cả các quán cà phê xinh đẹp ở Bắc Kinh tự thưởng cho bản thân. Cho đến tháng 6/2018, khi chơi chán chê, tôi bắt đầu tìm việc và kết quả không khả quan.
Trong quá trình kinh doanh tôi đơn độc trong hoạt động. Bây giờ khi tìm việc, các ông chủ chỉ muốn tôi là một cái vít trong một lĩnh vực dọc nhất định. Khi họ biết kinh nghiệm tôi có, họ nói "có thể không phù hợp với vị trí này" hoặc "sẽ không đáp ứng được kỳ vọng lương của bạn".
Sau đó một công ty mời tôi làm giám đốc. Người phụ trách nhấn mạnh rằng mặc dù không ép buộc làm thêm giờ nhưng mong các nhân viên có động lực làm việc hơn 70 giờ/tuần. Tôi lại không nghĩ vậy. Ngay cả trong quá trình kinh doanh, tôi không để công việc chiếm 100% cuộc sống của mình. Dù bận rộn đến đâu tôi vẫn phải dành 10 phút nhâm nhi ly rượu và giữ thói quen cuộc sống cá nhân. Sau cùng chỉ được 3 tuần, tôi rời công ty này.
Bây giờ tôi vẫn đang tìm công việc lý tưởng.
Dacheng, 42 tuổi, một CMO (giám đốc tiếp thị) khởi nghiệp: "Người phỏng vấn là thực tập sinh ban đầu của tôi".
Sau khi rời khỏi nghề báo năm 2015, tôi làm giám đốc tiếp thị của một công ty tài chính ở Bắc Kinh, thu nhập hàng năm là 400.000 tệ. Năm 2017, tôi được mời làm đồng sáng lập một công ty. Chỉ tiêu hàng quý công ty đặt ra cho bộ phận tiếp thị rất cao. Tôi dựa vào các mối quan hệ và nguồn lực trước đây để giúp công việc tốt hơn, song ý tưởng của tôi luôn bị công ty phản đối. Năm đó tôi rụng rất nhiều tóc và cuối cùng chọn cách ra đi.
Tôi tìm đến các công ty xin việc. Ở một công ty truyền thông, người phỏng vấn tôi là một giám đốc cấp cao. Khi gặp, tôi choáng váng vì người này từng là thực tập sinh trong tờ báo mà tôi có vị trí quan trọng.
Trong 6 tháng tiếp theo tôi đã trải qua 3 vòng phỏng vấn. Nhân sự quyết định cho tôi một lời mời làm việc nhưng mức lương chỉ bằng một nửa so với chàng trai đã phỏng vấn tôi. Tôi đã suy nghĩ trong một thời gian sau rồi quyết định từ bỏ.
Tôi xấu hổ để người khác biết tình trạng của mình. Tôi tiếp tục đi tìm việc trong nửa năm. Các công ty lớn thường nghĩ tôi già, kém sáng tạo. Có nơi hẳn đã nghĩ tôi là người trung niên mang áp lực cuộc sống.
Sau cùng tôi trở lại Quảng Châu cùng vợ và sống bằng việc viết lách. Song không lâu sau tôi nhận ra đây không phải là con đường để đi. Mùa thu 2018, tôi nói với vợ mình có thể đối mặt với sự tàn nhẫn và thất bại. Chúng tôi quyết định quay trở lại Bắc Kinh lần nữa.
Bây giờ tôi đang lập kế hoạch nội dung cho một nhóm thương mại điện tử. Tôi đang ngồi cạnh những người trẻ tuổi hơn người đã phỏng vấn tôi 2 năm trước.
Bảo Nhiên