Đại học Vrije Universiteit Brussel (VUB) xác nhận sẽ không gia hạn hợp đồng hợp tác với Viện Khổng Tử khi thỏa thuận hết hạn vào tháng 6 sang năm. "Trường có quan điểm rằng hợp tác với Viện không còn phù hợp với chính sách và mục tiêu của mình nữa", VUB cho biết trong một thông báo trên trang web hôm 11/12.
Trước đó, cơ quan an ninh Bỉ cáo buộc giáo sư Song Xinning, cựu giám đốc Viện Khổng Tử tại VUB, đã làm tuyển dụng cho hoạt động tình báo của Trung Quốc.
Không đề cập đến cáo buộc này, song VUB cho biết hợp tác với Viện Khổng Tử, vốn nhằm mục đích trao đổi, quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, "không phù hợp với các nguyên tắc nghiên cứu miễn phí", dựa trên thông tin mà trường thu thập.
Song bị cấm nhập cảnh vào khối Schengen, bao gồm 26 nước châu Âu, trong vòng 8 năm. Trước đó, Song cho biết cơ quan nhập cảnh Bỉ thông báo hôm 30/7 rằng ông sẽ không được gia hạn visa với lý do "ủng hộ hoạt động tình báo Trung Quốc".
Song nói quyết định này đến sau khi ông từ chối hợp tác với nhà ngoại giao Mỹ ở thủ đô Brussels. Ông cũng từ chối chia sẻ thông tin liên lạc và công việc với giới chức Trung Quốc hay nhận giúp đỡ của họ sau lệnh cấm gia hạn visa.
Viện Khổng Tử do Bộ Giáo dục Trung Quốc giám sát, đã được thành lập tại hơn 480 cơ sở giáo dục đại học trên khắp thế giới. Trong thập kỷ qua, các viện đã chịu sự giám sát ngày càng tăng từ chính phủ phương Tây với cáo buộc có liên kết với hoạt động gián điệp.
Vài viện bị buộc đóng cửa ở Mỹ và Australia với cáo buộc gây ảnh hưởng quá mức, trong khi một số học giả và nhà nghiên cứu Trung Quốc bị điều tra, sa thải và thậm chí bị bắt ở Mỹ vì nghi ngờ đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc không tiết lộ quan hệ tài trợ với các trường đại học Trung Quốc.
Tại châu Âu, Viện Khổng Tử ở đại học Leiden, Hà Lan, đại học Stockholm, Thụy Điển, và đại học Lyon, Pháp, đều đã đóng cửa.
Trung Quốc trước đây tuyên bố sẽ tối ưu hóa việc mở rộng các viện, tăng cường khả năng và nâng cao tiêu chuẩn giáo dục. Nước này cũng cho biết sẽ cải thiện cơ hội giáo dục cho sinh viên từ các quốc gia tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia do Trung Quốc khởi xướng.
Nhật Duy (Theo SCMP)