Ông Hoa Xuân Tứ dùng hàm răng và dùng vai cào lúa, dùng chân quét sân. Ảnh: CAND. |
"Không có tay nhưng còn đôi chân, thế là tôi kẹp phấn, kẹp bút vào hai ngón chân tập viết, rồi dùng má và vai kẹp bút... Dần dần, cả hai cách này đều thành thạo, chữ viết không thua kém ai", ông Tứ - người đàn ông tật nguyền chia sẻ.
Câu chuyện Hoa Xuân Tứ, sinh năm 1952 (quê Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An), lên 6 tuổi bị cụt hai tay vẫn học giỏi, sống tự lập, được nhiều người biết đến.
Hay tin nhà có khách, Hoa Xuân Tứ quần đùi, áo cộc đi thoăn thoắt từ đồng về, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Mặc dù đôi tay cụt lên tận vai, bộ ngực lép kẹp vì thiếu đôi tay vận động, nhưng bù lại, đôi chân ông rắn chắc, nước da nắng gió nên trông ông vẫn dáng vẻ một lão nông thực thụ. Vội vàng dùng vai và má phải kẹp cán cào, hai chân điều khiển lưỡi cào, ông tranh thủ cào lại số lúa đang phơi cho được nắng.
Tiếp đó, ông dùng chân và miệng bó lúa, nâng bổng những bó lúa ấy xếp gọn lại để lấy lối đi rồi ông kẹp chiếc chổi trện vào ngón chân, mềm mại quét lối đi cho khách vào nhà… Tất cả những động tác ấy điêu luyện như một nhà ảo thuật.
Ông mãi mãi không thể quên cái ngày khủng khiếp cách đây nửa thế kỷ. Ngày mới lên 6 tuổi, bé Tứ xem anh trai mình ép mía nấu mật. Lúc anh trai có việc đi ra ngoài, Tứ tò mò cho mía vào che. Rốp một cái, che kẹp mía đồng thời kẹp luôn bàn tay trái của Tứ. Phản xạ ngây thơ, tự nhiên của Tứ lúc ấy là thét lên kinh hoàng vì đau đớn, đồng thời dùng tay phải cầm cổ tay trái nhằm kéo tay bị kẹp ra khỏi che.
Khi cả làng kịp đến, thì đôi tay Tứ bị che kẹp dập nát lên tận hai vai. Sau nhiều tháng điều trị, Tứ thành "con chim cụt cánh". Không có đôi tay để được đến trường như bè bạn, Hoa Xuân Tứ khóc cạn nước mắt bởi niềm khát khao được học hành mà lại thiếu mất đôi tay. Nhưng nghị lực, lòng kiên trì khổ luyện đã giúp Tứ vượt qua.
Tứ trở thành tấm gương sáng vượt lên chính mình để học tốt. Năm 1970, Hoa Xuân Tứ tốt nghiệp phổ thông trung học cũng là lúc anh tròn 20 tuổi, chỉ vì "cụt cánh" nên anh không thể vào đại học, càng không thể gia nhập quân đội, mặc dù khao khát trong anh cháy bỏng.
Nhà Tứ có hai anh em trai, người anh vào bộ đội không tin tức, bố mẹ già lo người nối dõi, giục Tứ lấy vợ đẻ con. Nhiều cô gái làng thương anh nhưng e ngại không dám lấy anh làm chồng.
Mãi về sau, người chị gái lấy chồng xa mai mối và mất một năm tìm hiểu, chị Lê Thị Sự, người con gái xã Nghi Văn, Nghi Lộc chia sẻ hoàn cảnh của Hoa Xuân Tứ, tự nguyện lấy anh, sau khi chị mãn hạn khoá dân công hỏa tuyến trở về. 35 năm, sinh năm người con, vợ chồng anh Tứ sống nghèo khó nhưng hạnh phúc bởi nồng nàn tình yêu thương.
Bốn người con của anh chị đã yên bề gia thất nhưng chẳng ai khá giả. Người con gái thứ 3 "hoạ vô đơn chí" chung cảnh tật nguyền như anh, do năm lên 4 tuổi, một viên đá do lũ trẻ cùng lứa ném nhau trúng vào chỗ hiểm trên đầu, khiến người con gái này trở nên tàn phế. Năm nay đã 30 tuổi mà cô không biết khóc cười, người nhỏ thó như bé lên 10, luôn nằm một chỗ, co quắp.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm 65 tuổi, cán bộ hưu trí nhà cạnh anh Tứ cho biết: "Ông Tứ một con người đặc biệt, ông làm quần quật và luôn chứng tỏ nghị lực vươn lên. Dù khó khăn thiếu thốn đến đâu, ông cũng không trách đời, trách phận. Đặc biệt không nương nhờ cầu cạnh vay mượn phiền luỵ đến ai".
(Theo Công An Nhân Dân)