Chi Mai, bà mẹ đơn thân 34 tuổi, vẫn còn nhớ rõ, đó là một ngày tháng 8/2012. Cô lầm lũi bế đứa con trai mới hơn tuổi rưỡi ra khỏi nhà, bắt đầu cuộc sống đi ở nhà thuê. Những mâu thuẫn không thể hòa giải với chồng do khác biệt tính cách khiến Mai liều lĩnh thay đổi cuộc đời.
Trời lúc đó đã se lạnh, con mới lẫm chẫm biết đi, tiếng con gọi bố từ dưới sân vọng vào tường mấy tòa chung cư rồi vọng lại khiến Mai càng thêm đau đớn. Cô không ngờ cuộc đời mình lại thay đổi kinh khủng như vậy. Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, có bằng thạc sĩ ở Ba Lan, làm tại một công ty lớn ở thủ đô Warsaw, kết hôn với chàng trai bản xứ, những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với cô. Nhưng không, những cuộc cãi vã diễn ra thường xuyên, với tính gia trưởng, nhỏ nhen của chồng, khiến nụ cười trên môi cô dần tắt lịm.
Dọn đồ đạc vào căn phòng thuê cũ kỹ chỉ vỏn vẹn 28m2, mùi ẩm mốc nồng lên rõ rệt, Mai ý thức sâu sắc cuộc đời mình. Cô tự nhủ sẽ làm mọi thứ để con được hạnh phúc, cho con một mái ấm tốt hơn. Lời nói của chồng "hai tháng nữa cô sẽ bò về nhà bằng đầu gối" càng làm Mai có thêm động lực sống.
Cuộc sống của mẹ đơn thân nơi xứ người không ai thân thích khiến Mai quay cuồng cả ngày. Có những ngày bão tuyết, đang ở chỗ làm thì cô trông trẻ gọi điện nói con ốm, cô phải lén lút trốn làm về cho con đưa khám. Rồi những đêm con sốt cao, khóc cả đêm mà trời lạnh buốt, chẳng biết làm thế nào, Mai phải nhờ bác hàng xóm đi mua thuốc hộ. Cả đêm bế con trên tay, tranh thủ lúc con ngủ cô lại giặt giũ chăn đệm vì con ho trớ hết ra. Xong việc cũng là lúc trời tờ mờ sáng, Mai lại vội vã chạy đi làm.
"Con tôi nhớ bố, nên con gọi tất cả các chú các bác kể cả người lạ là bố. Những lúc như vậy tôi cũng day dứt lắm, nghĩ mình không thể cho con gia đình trọn vẹn. Nhưng tôi nghĩ nếu tiếp tục sống mà không hạnh phúc như trước, con tôi cũng sẽ không thể có niềm vui", Mai nói.
Sau khi ly hôn, chồng cũ chu cấp chưa đến một nửa số tiền sinh hoạt cho con, còn liên tục tạo khó dễ cho Mai. Đỉnh điểm là việc chồng gửi đơn lên tòa cấm con không được về Việt Nam cho đến khi 18 tuổi. Anh ta còn phủ nhận sạch trơn việc Mai trả tiền nhà, tiền xe, tiền sửa nhà, vì tất cả mọi giao dịch trước đó cô đều chuyển cho chồng để anh thanh toán.
Một mình Mai ra tòa đấu tranh cho con về Việt Nam mà không cần thuê bất cứ luật sư nào. Hai năm trời ròng rã theo đuổi vụ kiện, không biết bao nhiêu lần đi lại, nộp không biết bao nhiêu giấy tờ chứng minh sự gắn bó của mình với Ba Lan, chứng minh cháu đủ sức khỏe để đi xa, chứng minh giữa hai nước có ký kết hợp tác về hỗ trợ pháp lý... cuối cùng tòa cũng đồng ý cho con cô mỗi năm có thể về quê mẹ một lần mỗi tháng, không cần xin phép bố.
Mai chia sẻ trong những tháng ngày ấy, có nhiều lúc cô cảm thấy vô cùng mệt mỏi, không biết phải dựa vào đâu. Sức khỏe của cô cũng không tốt. Mai từng bị nhiễm khuẩn cơ tim khi có bầu mới được 3 tuần, phải vào viện cấp cứu và nằm liệt giường gần một tháng. Thời điểm đó, bác sĩ tim liên tục nói cô cần phải nghỉ ngơi, nhưng cô không thể. Cô cũng không dám nói với bố mẹ ở Việt Nam, lặng lẽ chịu đựng một mình.
Và rồi hạnh phúc cũng dần mỉm cười với Mai. Cô tích góp được một khoản tiền, làm thủ tục vay do chính phủ hỗ trợ để mua nhà. Hai mẹ con được sống thoải mái hơn, môi trường sống tốt hơn, con trai bớt đau ốm, cao lớn khỏe mạnh hơn trước.
Năm 2014, Mai muốn cho con đi Tây Ban Nha đón năm mới cùng bạn bè. Lúc đầu chồng cũ đồng ý cho con đi nhưng đến khi làm thủ tục, anh ta lại đổi ý và nói: "Không là không, không cần lý do gì hết". Cô đành ngậm ngùi ở lại dù tiền vé máy bay, tiền phòng đã đặt trước. Thế nhưng chuyến đi lỡ dở đó lại mở ra một cánh cửa mới cho cuộc đời Mai.
Biết Mai đang buồn, một vài người bạn rủ cô tới một buổi tiệc. Ở đó, Mai quen một chàng lính phi công trong quân đội Ba Lan, em của người bạn khá thân. Nhìn cô gái Việt nhỏ nhắn, mặt không hề trang điểm, nhưng luôn toát lên vẻ mạnh mẽ, tự tin, anh Marcin thầm để ý. Trong bữa tiệc, anh không rời mắt được khỏi cô. Khi biết chuyện của Mai, anh càng cảm phục và yêu bà mẹ trẻ đầy nghị lực.
Sau ngày hôm đó, chàng phi công liên tục tìm cách chinh phục Mai. Tuần nào, anh cũng đi mấy trăm cây số từ nơi làm việc ở Poznan về Warsaw, chỉ để gặp mặt Mai, chơi với con cô, giúp cô dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. "Tôi đang cố gắng xin chuyển về Warsaw để gần hai mẹ con Mai. Nếu không được, tôi sẽ chuyển sang làm phi công hàng không dân dụng để cả nhà được ở với nhau", anh Marcin nói.
Từ một chàng dân chơi, không coi trọng các mối quan hệ, không xác định lâu dài với ai, anh Marcin biến thành người đàn ông của gia đình. Sự thay đổi của cậu con trai khiến mẹ và chị gái anh đều không thể tin nổi. Mẹ anh biết Mai từ trước, hiểu được cô đã đấu tranh vượt lên hoàn cảnh thế nào nên ngay lập tức ủng hộ. Bà chỉ nói với con trai một câu: "Châu ngọc ngay bên cạnh, con phải biết trân quý".
Đã có một bờ vai nương tựa, không còn phải làm mọi thứ một mình, nhưng Mai vẫn độc lập về mọi mặt. Cô xin nghỉ ở công ty cũ, lập một dự án và xin được cấp vốn, mở một công ty riêng, chuyên xúc tiến xuất khẩu hàng Ba Lan về châu Á. Kinh tế khá hơn nhưng trên hết là Mai đã chủ động hơn về thời gian, hai mẹ con có nhiều thời gian ở bên nhau để đi chơi, du lịch khắp nơi.
"Mỗi lần nhìn con vui đùa, tôi tự cám ơn bản thân đã không do dự từ bỏ những thứ không xứng đáng và dám một mình đấu tranh cho hạnh phúc. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn con đường này. Hoàn cảnh và những biến cố trong cuộc sống đôi khi không như ý muốn, nhưng quan trọng là chúng ta đối mặt với nó như thế nào", Mai chia sẻ.
Tuệ Minh