Sáng 22/6 hàng trăm người mang theo xoong, nồi, gạo, bí đao và một số vật dụng khác kéo lên trụ sở UBND huyện Quỳnh Phụ, gây áp lực đòi cấp điện. Từ 9h sáng đến hơn 18h chiều, người dân vây kín trụ sở, nấu cơm ăn tại chỗ, đòi lãnh đạo phải đối chất với dân.
Một tháng qua, đúng đợt nắng nóng nhất trong vòng nửa thế kỷ thì xã Quỳnh Hội lại thiếu điện. Ông Lưu Xuân Rạng, người dân thôn Đông Xá, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) cho biết: "Ngày nào chúng tôi cũng bị cắt điện từ 4h sáng đến 11-12h giờ đêm trong cái nắng khủng khiếp. Trẻ nhỏ nóng nên rôm sẩy mọc khắp người, khóc thét cả ngày”.
Anh Nguyễn Quang Chính, đại diện thôn Đông Xá cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với ngành về tình trạng cắt điện bởi đây là chủ trương chung trong giai đoạn thiếu điện. Tuy nhiên, ngành điện lực cũng không thể cắt điện triền miên, vô tội vạ, dẫn đến những nhu cầu tối thiểu của người dân như bơm nước sinh hoạt, xát gạo, nước cho nông sản xuất không được đảm bảo”.
Cả thôn Đặng Xá có khoảng 500 ha đất ruộng, nhưng mạ gieo đâu chết đó, lúa cấy hôm trước hôm sau đã đỏ quạnh vì thiếu nước. Máy bơm nước dùng chung cho thôn Đông Xá và 3 thôn khác, một ngày chỉ 4 tiếng có điện nên không thể nào bơm đủ nước phục vụ mùa màng. Ông Nguyễn Tiến Nghĩa, người vận hành máy bơm của xã, cho biết rất mệt mỏi bởi phải phân xử tranh chấp nước giữa các thôn.
![]() |
Người dân bao vây trụ sở chính quyền vì mất điện. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Ngày 17/6, một nhóm thợ điện của chi nhánh điện Quỳnh Phụ xuống Đông Xá sửa trạm biến áp. Người dân đã “bao vây” nhóm thợ này, yêu cầu phải sửa cho xong trạm biến áp mới được nghỉ. Tiếp đó, dân làng buộc thợ điện phải gọi cho cấp trên xuống để giải đáp thắc mắc của dân.
Ông Phạm Huy Anh, Trưởng phòng kinh doanh chi nhánh điện Quỳnh Phụ, đã phải viết cam kết cung cấp điện cho dân với thời gian cắt điện sẽ là 8 tiếng một ngày. Buổi sáng cắt từ 6h30 đến 10h30, buổi chiều từ 13h30 đến 17h30. Nếu có sự cố đường dây và trạm biến áp hoặc trường hợp bất khả kháng sẽ có thông báo cụ thể để người dân biết.
Tuy nhiên, sau khi bản cam kết được ký, điện vẫn bị cắt như trước đó khiến người dân bức xúc. 3 ngày sau đó tình hình vẫn không được cải thiện nên hàng trăm người dân xã Quỳnh Hội và các xã lân cận đã kéo lên UBND huyện Quỳnh Phụ đòi nhà đèn thực hiện cam kết.
“Chi nhánh điện Quỳnh Phụ không thực hiện lời hứa, chúng tôi phải đòi cấp cao hơn là Công ty Điện lực Thái Bình phải giải quyết”, ông Vũ Đức Lõa giải thích.
Chiều 22/6, một cuộc họp giữa lãnh đạo Tập đoàn điện lực, Điện lực Thái Bình, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ và người dân xã Quỳnh Hội đã diễn ra. Người dân đã cử đại diện vào đối chất với lãnh đạo, đưa nguyện vọng. Giám đốc Điện lực Thái Bình cam kết sẽ cấp điện 10 giờ mỗi ngày, từ 10h đến 14h và từ 20h đến 6h sáng hôm sau.
Chiều 23/6 trao đổi với báo chí, ông Phạm Tiến Thao, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ khẳng định, người dân kéo lên huyện chỉ để đòi quyền lợi, không có biểu hiện gây rối.
Theo ông Nguyễn Văn Tuynh, Phó giám đốc Điện lực Thái Bình, là đơn vị phân phối điện, công ty chỉ nhận được gần 2,3 triệu KWh mỗi ngày trong khi nhu cầu 3,4 đến 3,7 triệu KWh. Ngành điện phải ưu tiên cho khu công nghiệp, khu hành chính, bệnh viện, trường học…, vì thế điện dành cho nông thôn đã thiếu càng thiếu.
"Lãnh đạo công ty cũng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu tiết kiệm điện, đồng thời giảm các thiết bị chiếu sáng công cộng, đèn quảng cáo… để tăng sản lượng dành cho nông dân. Với nhiều biện pháp, chúng tôi sẽ cung cấp đủ điện như đã cam kết với bà con trong buổi làm việc ngày 22/6”, ông Tuynh nói.
Hoàng Thùy