![]() |
Bị cáo Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân tại phiên toà. Ảnh: Tú Anh |
Theo bị cáo Hà, những người này có liên quan vụ án; đang là đối tượng nghi vấn trong giai đoạn 2 của quá trình điều tra. Vì vậy, điều họ trình bày trước tòa cũng như trước cơ quan điều tra là thiếu khách quan.
Nguyên thứ trưởng Hà cho rằng, việc các cơ quan tố tụng tách vụ án làm hai giai đoạn là "thiếu công bằng". Kết thúc điều tra vụ án tham ô Lã Thị Kim Oanh với 8 trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ngày 15/6/2003, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố điều tra giai đoạn 2 của vụ án với việc tiếp tục làm rõ hành vi của một số cán bộ tại ngân hàng, Sở Địa chính, UBND Hà Nội và Cục đầu tư phát triển Hà Nội... Tuy nhiên, tới thời điểm này, chưa trường hợp nào bị cơ quan điều tra khởi tố bị can.
Tiếp tục trình bày phần bào chữa bổ sung, nguyên thứ trưởng Nguyễn Quang Hà khẳng định, ông đã làm tròn trách nhiệm được giao với việc ký thay các công văn khi bộ trưởng đi vắng và đôn đốc các vụ chức năng kiểm tra hoạt động của Công ty Tiếp thị.
Trước khi ông Hà trình bày những "oan ức trong lòng", luật gia Trần Đình Triển đã thu hút sự quan tâm của những người tham gia phiên tòa bằng phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Hà rất ấn tượng. Theo đó, các kết luận giám định trong vụ án đã không được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Luật gia viện dẫn nhiều thông tư, nghị định cho thấy giám định viên phải có quyết định của bộ trưởng chuyên ngành về việc cử cán bộ làm nhiệm vụ giám định. Vậy nhưng, trong phần giám định tài chính của vụ án này, ông không thấy "quyết định của Bộ trưởng Tài chính". Người bảo vệ bị cáo Nguyễn Quang Hà nêu nhiều dẫn chứng cho thấy kết luận giám định không có cơ sở đáng tin cậy để làm căn cứ buộc tội các bị cáo. "Từ ngữ dùng không chính xác, việc trích dẫn pháp luật bị cắt xén, có vấn đề giám định có vấn đề lại bỏ qua", ông Triển nói.
Theo ông Triển những vấn đề bất lợi cho 8 bị cáo được các cơ quan tố tụng sử dụng làm chứng cứ, nhưng những tài liệu có lợi thì họ lại bỏ qua. Gần 2 tiếng tranh tụng trước tòa, ông Triển đã bị chủ tọa nhắc nhở nên thận trọng trong việc phát ngôn. Nhưng ông đối đáp lại ngay: "Tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời bào chữa của tôi". Chăm chú nghe người bảo vệ quyền lợi cho mình thuyết trình, ông Hà xoay lệch hẳn người sang bên phải.
Bảo vệ bị cáo Nguyễn Thiện Luân, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng không đủ căn cứ kết tội thân chủ của ông phạm tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, nguyên thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân ký văn bản số 14 và 36 xác định Công ty Tiếp thị thiếu vốn, đề nghị Ngân hàng Đầu tư phát triển Hà Nội giúp đỡ là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Bộ và được Chính phủ đồng ý.
Luật sư Tỵ nêu công văn đề nghị số 999 (26/2/1998) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và công văn 327 (15/3/1998) do phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký, cho phép Công ty Tiếp thị được vay vốn theo kế hoạch nhà nước năm 1998 đối với phần còn thiếu... Luật sư Tỵ khẳng định: "Hai văn bản này đã chứng minh, thực chất Công ty Tiếp thị cần vốn để hoành thành xây dựng khu triển lãm nông nghiệp Nghĩa Đô".
Tiếp tục phần bào chữa, ông Tỵ cho rằng việc bị cáo Nguyễn Thiện Luân ký xác nhận trong lúc bộ trưởng và thứ trưởng phụ trách xây dựng cơ bản đi vắng là hoàn toàn đúng thẩm quyền. Hành vi này không phạm điều cấm nào của pháp luật nên không thể coi là tội phạm hình sự.
Cùng bảo vệ cho Nguyễn Thiện Luân, luật sư Phạm Hồng Hải cho rằng án sơ thẩm quy kết bị cáo Luân không đôn đốc nhắc nhở, kiểm tra tình hình hoạt động của Công ty Tiếp thị dẫn tới việc giám đốc Lã Thị Kim Oanh ngày càng lún sâu vào sai phạm là không có cơ sở. "Bản thân thứ trưởng Luân không thể xuống từng doanh nghiệp kiểm tra. Việc này phải thông qua cán bộ cấp dưới mà ông chỉ đạo thực hiện", luật sư Hải trình bày.
Ông Hải và ông Tỵ cùng quan niệm, hành vi ký xác nhận của nguyên thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân không trực tiếp gây ra việc Lã Thị Kim Oanh làm thất thoát tiền vay ngân hàng. Như thế không thể buộc ông Luân vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Sai phạm của bị cáo này nếu có, cũng chỉ là sai phạm hành chính.
Bổ sung lời bào chữa của các luật sư, bị cáo Nguyễn Thiện Luân nói: "Kính mong HĐXX xem xét kỹ lưỡng để có thể minh oan cho tôi".
Tại phần bào chữa cho bị cáo Đỗ Đức Thuần, luật sư Nguyễn Thị Phương Đức nghi ngờ tính chính xác và độc lập trong kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an và kết luận trưng cầu giám định tài chính. Hai kết luận chỉ kết thúc chênh nhau 1 ngày, nhưng kết luận của cơ quan điều tra lại nói rằng căn cứ vào kết luận của cơ quan giám định và ngược lại. "Chẳng nhẽ, cơ quan điều tra dựa vào kết luận của cơ quan giám định trong khi cơ quan giám định chưa ra kết luận?", luật sư thắc mắc. Bà Đức suy đoán: "Phải chăng hai cơ quan này đã thảo luận cùng nhau từ trước để ra kết luận".
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường dân sự 1,7 tỷ đồng của Đỗ Đức Thuần cho nguyên đơn dân sự là Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (đơn vị kế thừa Công ty Tiếp thị), luật sư Đức đề cập đến việc Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp đã chi 83 tỷ đồng trả các khoản nợ cho Lã Thị Kim Oanh.
Bà Đức cho rằng tại hành vi cố ý làm trái, Lã Thị Kim Oanh, Đỗ Đức Thuần, Phạm Tiến Bình và Nguyễn Chính Nghĩa bị cáo buộc gây thất thoát hơn 34 tỷ đồng. Song Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp đã chi tiền "khắc phục hậu quả". Do vậy, nên coi đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Thuần và những người khác.
Luật sư Đức nêu lên một số tình tiết rằng bị cáo Thuần lập khống hàng loạt hóa đơn chứng từ hợp thức hóa các khoản chi của Lã Thị Kim Oanh là do trình độ nghiệp vụ non kém, bị cấp trên o ép, và anh ta có "cố ý về hành vi nhưng không cố ý về hậu quả". Bài bào chữa của bà Đức kết thúc bằng câu nói: "Xin HĐXX xem xét để bị cáo Thuần trong bóng tối của ngục tù còn mang niềm tin của ánh sáng công lý".
Nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Phan Văn Quán (nguyên vụ trưởng vụ tài chính kế toán), luật sư Hà Đăng cho rằng thân chủ của ông không phạm tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. "Cơ quan điều tra đã nhầm địa chỉ, liên quan việc này phải là người khác chứ không phải ông Quán", luật sư Hà Đăng nói.
Luật sư Phạm Văn Đàm và luật gia Trần Đình Triển trong phần bảo vệ nguyên vụ trưởng Vụ kế hoạch - đầu tư Huỳnh Xuân Hoàng cùng khẳng định không có căn cứ buộc tội. Việc VKS đề nghị bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Hoàng là không khách quan và toàn diện.
Phiên tòa chiều nay khép lại với phần bào chữa của luật sư Đỗ Thị Minh Tâm và Mỹ Hà cho hai thuộc cấp của Lã Thị Kim Oanh là Phạm Tiến Bình và Nguyễn Chính Nghĩa.
Anh Thư