Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thị xã Phan Rang, sáng ngày 28/4/2000, do bị hàng xóm là ông Huỳnh Văn Tâm vu cho mình đánh cắp 2 chỉ vàng, Lê Thị Thuý Loan (ở tổ 3, thôn Tân Sơn, xã Thành Hải, thị xã Phan Rang, Ninh Thuận) đã bực tức ném đá vào nhà ông. Cùng lúc ông Tâm đi ra mở cửa, chị Loan ném tiếp viên thứ hai trúng vào cổ tay trái ông. Ông Tâm bước ra khỏi nhà tiến đến gần chị Loan trong khi chị cầm một con dao nhọn dài 22 cm, rộng 3 cm, lưỡi dao hướng ra sau lưng. Chị Loan giơ cao dao, đâm một nhát, ông Tâm đưa tay lên đỡ thì bị lưỡi dao xuyên thấu cẳng tay trái... Hội đồng giám định pháp y tỉnh đã xác định tỷ lệ thương tật của ông Tâm là 31%.
Ngày 15/3, TAND thị xã Phan Rang đã xử sơ thẩm bị cáo Loan 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Bị cáo đã cho rằng bản cáo trạng nêu trên có quá nhiều chi tiết không đúng sự thật và kháng cáo.
Sáng ngày 11/6, TAND tỉnh Ninh Thuận mở phiên toà phúc thẩm dưới sự chủ tọa của thẩm phán Việt Tuấn. Sau một hồi chất vấn, khi HĐXX cho nói lời cuối cùng để bước vào nghị án, bị cáo vẫn khẳng định “hồ sơ vụ án không đúng sự thật, đề nghị các cơ quan tổ chức điều tra lại và đề nghị trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật chính xác đối với người bị hại”, nếu không được bị cáo sẽ lấy cái chết để bảo vệ danh dự.
Trong thời gian HĐXX nghị án, do không có công an bảo vệ giám sát tại phiên toà, chị Loan đã đi ra ngoài mua bánh cho con và lận theo chai thuốc trừ sâu Thiodan, vào nhà vệ sinh của trụ sở TAND tỉnh uống cạn và vứt vỏ chai tại đó.
Khi HĐXX bước vào tuyên án, bị cáo Lê Thị Thuý Loan, như đã ngấm thuốc, nói: “Tôi đã uống thuốc để bảo vệ danh dự của tôi”. Bị cáo đứng không vững cũng như khạc nhổ nước bọt ngay tại vành móng ngựa, có mùi thuốc sâu. Gia đình bị cáo thấy vậy khóc lóc và xin cho đi cấp cứu, nhưng HĐXX không chấp thuận và yêu cầu thư ký phiên toà mang đến một chiếc ghế cho bị cáo ngồi để tiếp tục phần định tội (!) và tuyên bị cáo y án sơ thẩm (2 năm tù).
Mãi đến khi phiên toà kết thúc, gia đình mới được đưa chị Loan đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Sau gần 24 giờ cứu chữa, Lê Thị Thuý Loan đã tắt thở.
Nguyên nhân dẫn tới hành động trên là do bị cáo Loan cho rằng mình bị oan vì tình tiết vụ án bị đảo ngược. Trong quá trình trả lời chất vấn, bị cáo đã đề nghị HĐXX cho điều tra lại tỷ lệ thương tật đối với ông Tâm và khẳng định sự việc nêu trong bản cáo trạng không đúng sự thật. Chị Loan cho rằng còn thiếu những nhân chứng của vụ án như ông Lê Văn Trong (đội viên đội dân phòng xã Thanh Hải), người đã nhìn thấy dấu máu trong nhà chị Loan ngay sau khi xảy ra vụ việc, là một trong những chứng cứ xác định ông Tâm xông vào nhà và đánh chị Loan chứ không phải chị Loan đâm tại nhà ông Tâm… và một số nhân chứng khác. Bị cáo cũng cho biết cha nuôi của chị, ông Lê Tứ Mài, bị điếc và không biết chữ. Cán bộ điều tra lấy lời khai đã ghi sai lời khai của ông Mài. Chị Loan nhiều lần đề nghị HĐXX trực tiếp hỏi cha nuôi của mình đang có mặt tại phiên toà.
Thế nhưng chủ tọa phiên toà đã bác bỏ hết những đề nghị của bị cáo vì cho rằng lời khai của ông Mài đã có trong hồ sơ, những chứng cứ đã được cơ quan chức năng làm rõ trong hồ sơ ngay từ cấp sơ thẩm và sau khi nhận đơn kháng cáo đúng thời hạn của bị cáo, cấp phúc thẩm cũng có kiểm tra lại nên hồ sơ không thay đổi. HĐXX còn cho rằng bị cáo không phải “phòng vệ chính đáng” mà là "cố ý gây thương tích" và thường cắt ngang ý kiến tranh luận khi bị cáo đưa ra những lý lẽ để chứng minh mình không có tội. Chủ toạ nhận định bị cáo là ngoan cố và đề nghị HĐXX cho bắt giam bị cáo ngay tại phiên toà sau khi tuyên án.
(Theo Tuổi Trẻ, 16/6)