Sáng 19/9, tiếp tục phiên xử đại án Hà Văn Thắm, tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Quốc Chiến (nguyên giám đốc chi nhánh Sài Gòn, bị đề nghị mức án 36-42 tháng tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) thấy khó hiểu khi người đại diện Ngân hàng Nhà nước tham dự phiên tòa đã từ chối trả lời nhiều câu hỏi.
"Tôi cảm thấy sự vô cảm. Ông ấy không đủ thẩm quyền, chức năng để làm rõ được vai trò của Ngân hàng Nhà nước ở đâu trong vụ việc này. Vị đại diện thậm chí còn không hiểu lãi suất cơ bản là gì thì sao làm sáng tỏ được vụ việc?”, ông Chiến nói.
Do đó ở những phần tiếp theo nếu vụ án có kháng nghị, kháng cáo, giám đốc thẩm, bị cáo Chiến đề nghị HĐXX triệu tập người đại diện có đủ thẩm quyền, chức năng "để giải đáp trước dư luận, để minh oan cho các bị cáo".
Cựu giám đốc chi nhánh Sài Gòn nhận thấy trong phiên xử này, lãnh đạo mới Ngân hàng OceanBank không những không ghi nhận công lao đóng góp của các bị cáo, không minh oan cho các bị cáo mà còn đứng trước tòa với tư cách nguyên đơn dân sự yêu cầu được bồi thường. “Thưa quý vị là quý vị mất cái gì đâu ạ?”, ông Chiến bức xúc.
Bị cáo Chiến đề nghị nếu cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm có kiến nghị thì hãy "kiến nghị, khiếu kiện, khiếu nại quyết định mua OceanBank với giá 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước" để chứng minh với dư luận rằng ngân hàng không lỗ, để minh oan cho các bị cáo.
Vừa khóc vừa nói, ông Chiến nói: "Các bị cáo không hề oán trách gì anh Hà Văn Thắm vì vô cùng nể phục, kính trọng".
Ngồi phía sau, ông Hà Văn Thắm không kìm được cảm xúc, liên tục lau nước mắt.
Trước đó, cựu diễn viên, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (nguyên chủ tịch HĐQT công ty BSC) cũng không mời luật sư mà tự trình bày. Bà khóc, tay run rẩy cầm bài bào chữa.
Nữ bị cáo nói có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Cha là thương bệnh binh, hai anh bị nhiễm chất độc da cam. Bị cáo vừa làm mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ vừa chăm sóc người thân. Bị cáo vì nhận thức hạn chế nên nhận lời giúp cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm đứng tên làm Chủ tịch HĐQT BSC.
Bà Tứ cho rằng việc bị đề nghị mức án 30-36 tháng tù với quy kết Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chiếm đoạt tài sản, là đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc OceanBank) là "quá nặng và không công bằng". Do nhiều đồng nghiệp được hưởng án treo nên bị cáo xin ‘đèn trời soi xét’ cho mình được hưởng án treo.
Học hết lớp 6, tài xế làm giám đốc ‘bù nhìn’
Tại phần bào chữa cho bị cáo Trần Văn Bình (nguyên tổng giám đốc công ty Trung Dung) luật sư Trần Văn Hùng nhận định thân chủ "bị quy kết một cách áp đặt". Trước đó, ngày 14/9, bị cáo này bị VKS đề nghị mức án 5-6 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng.
Theo cáo buộc, công ty Trung Dung do Phạm Công Danh thành lập để lấy tư cách pháp nhân vay OceanBank 500 tỷ đồng. Trần Văn Bình được thuê làm tổng giám đốc Trung Dung. VKS xác định bị cáo này là đồng phạm giúp sức cho Hà Văn Thắm trong việc gây thiệt hại cho OceanBank 500 tỷ đồng.
Cho rằng bản luận tội mới chỉ đưa ra nhận định nói chung, áp đặt chưa đưa ra căn cứ chứng minh tội phạm, luật sư nói việc truy tố bị cáo Bình là "khiên cưỡng”.
Luật sư trình bày, ông Bình là lái xe cho Tập đoàn Thiên Thanh, một hôm được ban kế toán gọi lên nói tập đoàn đang cần mở rộng, bảo đứng tên giám đốc. Ông Bình đồng ý cho mượn chứng minh để làm thủ tục.
Theo luật sư, ông Bình không biết trụ sở Trung Dung ở đâu, ban điều hành có những ai, con dấu cũng không cầm. Khi cần, các nhân viên Thiên Thanh mang sẵn dấu, văn bản và ông Bình chỉ việc ký.
"Ông Bình nhận thức việc mình làm là đang hỗ trợ hoạt động của Trung Dung và Thiên Thanh nên hồn nhiên ký, không vụ lợi đồng nào, không nhận thức có vi phạm không. Vì vậy bị cáo không biết các văn bản được ký, lập có đúng quy định không. Khi bị công an triệu tập hỏi về khoản vay 500 tỷ đồng, ông mới hay", luật sư nêu quan điểm bào chữa.
Chốt lại phần bào chữa, luật sư Hùng cho rằng thân chủ của mình vô can và "đề nghị tuyên không phạm tội".