Từ 7h, an ninh tại khu vực cổng tòa và phòng xử án được tăng cường. Bị cáo Trọng được đưa đến phòng xử án từ sáng sớm. Cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng hầu như không biểu lộ cảm xúc từ lúc rời xe thùng cho đến khi đứng trước vành móng ngựa. Vợ bị cáo có mặt tại phòng xử.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Trọng cho biết, thân chủ khỏe nhưng gầy hơn so với trước, tinh thần ổn định. Trong thời gian bị giam giữ, ông Trọng đã ăn kiêng nên bệnh tật thuyên giảm và vẫn thường làm thơ.
Theo truy tố, năm 2001-2002, bị cáo Trọng khi đó là Trưởng phòng cảnh sát hình sự Hải Phòng có quan hệ thân thiết với Đồng Xuân Phong, cán bộ Đội Chống buôn lậu, Cục Hải quan Hải Phòng. Ngày 16/1/2009, Phong bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM khởi tố bị can về tội Buôn lậu nhưng anh ta bỏ trốn và bị truy nã toàn quốc.
Công an TP HCM đã gửi quyết định truy nã và cử cán bộ trực tiếp phối hợp với Phòng cảnh sát hình sự Hải Phòng và công an phường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) xác minh, truy bắt Phong.
Ngày 22/4/2011, Phòng cảnh sát truy nã Hải Phòng báo cáo về việc rà soát những kẻ trốn truy nã, trong đó có Phong, gửi trực tiếp đến ông Trọng (thời điểm này đang giữ chức Phó giám đốc Công an Hải Phòng). Theo quy kết, từ năm 2010, biết rõ Phong bị truy nã nhưng bị cáo không có ý kiến chỉ đạo, cũng như không tổ chức, triển khai lực lượng tiến hành truy bắt theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Đến ngày 17/5/2012, khi anh trai là nguyên cục trưởng Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng bị khởi tố, ông Trọng đã nhờ Phong tham gia đưa anh trốn ra nước ngoài. Hành vi này bị nhà chức trách xác định có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Về hành vi tổ chức cho anh trai trốn đi nước ngoài, trong phiên xét xử gần 4 tháng trước, Tòa tối cao đã tuyên phạt ông Trọng 16 năm tù.
Trả lời thẩm vấn trong phiên xử sáng nay, trước câu hỏi của chủ tọa Trịnh Thu Hà có lần nào gọi điện thoại kêu Phong ra đầu thú, cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng trả lời: "Tôi chưa liên hệ, thậm chí tôi còn nhắc nhở anh em, động viên Phong ra đầu thú".
Chủ tọa dẫn lời khai của Phong cho thấy, năm 2010 có lần ông Trọng gọi điện thoại hỏi thăm sức khoẻ, khuyên ra đầu thú. Bị cáo đáp: "Tôi bận quá, không còn đủ thời gian tắm làm sao mà liên hệ".
Bị cáo cho hay Công an TP HCM và Công an Hải Phòng có phối hợp bắt tội phạm truy nã. "Cáo trạng truy tố tôi như vậy là không đúng", bị cáo nói.
Theo lời khai của bị cáo, cựu phó phòng hình sự Vũ Tiến Sơn bảo có một số người có thể giúp ông Dương Chí Dũng bỏ trốn. Ông sau đó có nói chuyện nhưng không biết đó là ai. "Chỉ khi đưa anh trai sang Campuchia tôi mới biết có sự tham gia của Phong", bị cáo khai.
Chủ tọa chất vấn: "Tại cơ quan điều tra, cả Phong và Sơn đều khai bị cáo nhờ họ đưa ông Dũng bỏ trốn, bị cáo nói thế nào?". Cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng đáp: "Đến nay tòa nói vậy thì tôi thừa nhận. Anh em khai thế nào tôi nhận. Tôi là con người chứ không phải cái máy nhưng tôi không lợi dụng công vụ vào mục đích của tôi. Tôi đôn đốc PC52 làm đúng chức năng của họ chứ không lợi dụng chức vụ".
Tại tòa, bị cáo trình bày, gia đình đại đa số là cán bộ, trong đó làm công an nhiều, bố từng có huy chương kháng chiến, mẹ cũng có huy chương. Bản thân bị cáo cũng có huân huy chương trong quá trình công tác, được tặng bằng khen.
Đại diện VKS hỏi: "Bị cáo nghĩ thế nào về việc Sơn sau khi điện thoại có bảo bị cáo nói chuyện với Phong?". "Tôi không phủ nhận, anh em nói thế nào thì tôi nhận vậy, tuy nhiên cũng hơi sốc. Tôi không bác bỏ việc nói chuyện với Phong", bị cáo khai.
8h50, sau chừng 50 phút xét hỏi, VKS đọc bản luận tội, xác định đủ căn cứ kết luận bị cáo Trọng có quen Phong. Ông Trọng dù biết bị can này đang bị truy nã song không chỉ đạo tổ chức bắt. Khi anh trai Dương Chí Dũng bị khởi tố, ông Trọng đã nhờ Phong tham gia đưa anh trốn ra nước ngoài. Hành vi này bị quy kết phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên, đánh giá bị cáo có nhiều cống hiến trong lực lượng công an và phòng chống tội phạm, gia đình bị cáo có công với nước, tại toà bị cáo thể hiện sự thành khẩn nên VKS áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, đề nghị mức phạt từ 12 đến 18 tháng tù.
Trong phần tranh tụng, luật sư của bị cáo Trọng cho rằng trong vụ án Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, xét xử phúc thẩm hồi tháng 5 đã quy kết thân chủ sử dụng, lôi kéo Phong tạo thành mắt xích giúp Dương Chí Dũng trốn truy nã. Tuy nhiên, bản cáo trạng lần này tiếp tục nhắc lại chuyện đó. Theo luật sư, đây là sự trùng lắp, trái với Điều 107, khoản 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự - không được khởi tố vụ án hình sự với người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật.
Luật sư cho rằng, nếu xem việc bắt Phong như một công vụ cụ thể thì trách nhiệm trước hết thuộc về các đơn vị thực thi cấp dưới, đề xuất kế hoạch hành động. Cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng chỉ phê duyệt hoặc nhận báo cáo tình hình, trong khi thực tế các đơn vị trực tiếp không có hoặc chưa có báo cáo.
Theo luật sư, hồ sơ vụ án và các lời khai cho thấy ông Trọng không thực hiện bất cứ hành vi nào cản trở việc truy bắt Phong thì không thể nói thân chủ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm hoặc không làm một việc trái pháp luật... Từ đó, luật sư đề nghị xem xét lại tội danh, đình chỉ vụ án để điều tra lại.
Tuy nhiên, VKS đã bác điều này, cho hay với cương vị phó giám đốc Công an Hải Phòng, ông Trọng khi nhận được báo cáo về tội phạm truy nã thì phải triển khai nhiệm vụ nhưng đã không làm. Tại tòa, bị cáo cũng khai nếu biết Phong bị truy nã thì trong hoàn cảnh muốn giúp anh trai bỏ trốn cũng "vẫn sẽ dùng Phong". Theo VKS, điều đó thể hiện mối quan hệ thân thiết với Phong trước đó.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Trọng trình bày: "Tôi bị giam lâu rồi không được về gia đình, về với Hải Phòng. Hôm nay, nhìn những thấy ánh mắt hiền hậu mà dâng trào cảm xúc. Với vụ án này, tôi tin vào HĐXX, tôi không tranh luận, không kháng án. Những năm ở Hải Phòng tôi tự hào. Dù ở hoàn cảnh nào, tôi thiết tha với tình yêu cuộc sống mãnh liệt, nụ cười thanh thản nhất".
Sau hơn nửa tiếng nghị án, khi được đưa trở lại phòng xét xử để tuyên án, bị cáo Trọng hướng mắt về phía dưới nhìn người thân mỉm cười.
Bản án xác định, tại cơ quan điều tra, bị cáo không thừa nhận tội danh nhưng cơ bản thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Trọng được ghi nhận có quá trình cống hiến lâu dài, có nhiều thành tích xuất sắc, gia đình có công với cách mạng, được tặng thưởng huân, huy chương. Đây được xem là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Theo tòa, bị cáo Trọng biết Phong là nghi can trốn nã nhưng do cả nể nên không truy bắt quyết liệt. VKS truy tố bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là có căn cứ, đúng pháp luật. HĐXX không đồng ý với đề nghị đình chỉ vụ án của luật sư bảo vệ bị cáo.
Tòa tuyên phạt bị cáo Trọng mức án 15 tháng tù. Cộng với mức tù 16 năm bị tuyên trước đó, cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng phải chịu 17 năm 3 tháng tù.
Việt Dũng