![]() |
Lâm Xuân Phát thoát khỏi trách nhiệm trong vụ án giết người xảy ra 15 năm trước. |
Căn cứ để tuyên vô tội trường hợp này là tội danh truy tố theo Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 1985, và từ khi vụ việc xảy ra đến nay đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là cơ sở để luật sư của Lâm Xuân Phát bào chữa trước tòa.
Trong vụ án giết người này, Lâm Xuân Phát bị buộc tội không làm đúng các trình tự quản lý hồ sơ, dẫn đến mất toàn bộ tài liệu vụ án giết người của Châu Phát Lai Em. Việc này đã gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra lại vụ án.
Trong phần nhận định vụ án chiều qua, HĐXX tiếp tục bác bỏ lập luận bào chữa của luật sư những bị cáo còn lại. Tuy nhiên một số người sẽ được xem xét tình tiết giảm nhẹ hình phạt như: ăn năn hối cải, nhân thân tốt, đóng góp trong quá trình công tác... Trong số này có bị cáo Bùi Quốc Huy. Bản án cho rằng không thể nại lý do nhận thức và năng lực hạn chế để né tránh trách nhiệm. "Việc các phó giám đốc liên đới trách nhiệm sẽ được xem xét xử lý sau, song trách nhiệm cá nhân bị cáo Huy đã rõ” - thẩm phán Phạm Lương Toản nói thêm.
Về hành vi lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi của Nguyễn Thập Nhất, HĐXX chỉ buộc bị cáo này chịu trách nhiệm với khoản tiền 15 triệu đồng đúng với mức Nhất thừa nhận, vì "việc đưa tiền chỉ có Thuyết và Nhất biết...". Ngoài ra còn có căn cứ là biên bản đối chất ngày 3/10/2002 giữa Nhất và Thuyết, trong đó bị cáo thừa nhận có dẫn Thuyết đến nhà Phạm Sĩ Chiến.
Đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Trung, HĐXX cho rằng trong vụ án giết Phan Lê Sơn, thực tế bị cáo đã không ra quyết định khởi tố và không ký lệnh bắt tạm giam với Nguyễn Văn Thọ như điều tra viên đề xuất. “Nguyễn Mạnh Trung cho rằng do trình độ nhận thức, năng lực công tác không đánh giá được toàn diện chứng cứ, không xác định được mức độ phạm tội - là không thể chấp nhận được”. Tòa đồng thời bác phần tự bào chữa của Nguyễn Mạnh Trung rằng sai sót trong điều tra vụ án Phan Lê Sơn còn có trách nhiệm của ông Võ Văn Măng, lúc đó là phó giám đốc Công an TP HCM.
Liên đới trong vụ án này còn có Đặng Hải Tương. Nội dung bào chữa của nguyên điều tra viên Công an thành phố này bị bác bỏ bởi "toàn bộ sai sót (trong vụ án Phan Lê Sơn) tập trung vào đối tượng Bùi Anh Việt - bị cáo có ý nghĩa quyết định về việc chứng minh hàng loạt tội phạm trong vụ án". Ngoài ra HĐXX cho rằng không thể chấp nhận việc "cán bộ điều tra không đi tìm sự thật mà lại tạo ra chứng cứ giả dẫn tới bỏ lọt tội phạm hoặc sai tội danh”. Bản án chấp nhận lời buộc tội của VKS rằng Đặng Hải Tương phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Trường hợp bị cáo Nguyễn Bá Phong, nguyên viện trưởng VKSND quận 1, TP HCM HĐXX luận án: "Với tư cách một thủ trưởng VKS cấp quận, trước hết về hành chính bị cáo đã tự mình hoạt động và chỉ đạo cấp dưới hoạt động sai nguyên tắc, kéo dài để cuối cùng đình chỉ sai pháp luật một vụ án (vụ Châu Phát Lai Út cố ý gây thương tích). Bị cáo Phong đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được phân công, thực hiện các hành vi một cách cố ý để phủ nhận kết quả điều tra rồi cuối cùng tha bổng kẻ phạm tội. Xét bị cáo chưa thật sự thành khẩn, song bị cáo phạm tội lần đầu và hậu quả vụ án đã được ngăn chặn nên giảm cho bị cáo một phần hình phạt”.
Với hai bị cáo Hoàng Linh và Quang Thắng, HĐXX cho rằng lời khai của những người đã đưa tiền và tài sản cho hai nhà báo này đều có căn cứ. Bởi họ đều hiểu 2 nhà báo có thể đăng báo, ảnh hưởng xấu đến uy tín kinh doanh của mình. Hơn nữa chính các bị cáo này thừa nhận nếu họ không là nhà báo thì không được mời ăn nhậu hoặc cho tiền. Tòa xác định có đủ chứng cứ tuyên Võ Quang Thắng và Hoàng Linh phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
“Quan điểm của luật sư cho rằng bị cáo Dương Ngọc Hiệp phạm tội vì nghĩa là không chấp nhận được. Bởi bất cứ quan hệ đạo đức nào cũng phải phù hợp với pháp luật và pháp luật là cơ sở để bảo vệ đạo đức” - thẩm phán Phạm Lương Toản đọc phần bản án liên quan đến Hiệp "Phò Mã", con rể Năm Cam. HĐXX cũng không chấp nhận lập luận rằng để Bảy Việt - bị cáo trong vụ giết Phan Lê Sơn - ra đầu thú là công của Hiệp. Bởi thực chất đó là chỉ đạo của Trương Văn Cam. Luật sư đòi phải có biên nhận về việc đưa hối lộ là không thực tế. Tuy nhiên trong quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo đã khai báo thành khẩn, bản thân chưa tiền án tiền sự nên giảm nhẹ một phần hình phạt.
Với Nguyễn Tuấn Hải, HĐXX cho rằng lời bào chữa của luật sư về vai trò của bị cáo Hải trong vụ án Vũ Hoàng Dung là phù hợp với các chứng cứ khác và thực tế diễn biến của vụ án. Lời bào chữa của luật sư dành cho bị cáo Nguyễn Việt Hưng không phạm tội vì động cơ đê hèn cũng được HĐXX chấp nhận. "Nhưng Nguyễn Việt Hưng đã gây tội ác quá lớn, không có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nào để có thể chiếu cố giảm nhẹ cho bị cáo được”.
Lời đề nghị của luật sư không áp dụng hình phạt tử hình với bị cáo Châu Phát Lai Em không được tòa chấp thuận. Theo HĐXX, mặc dù hồ sơ tại VKSND TP HCM về vụ án giết người năm 1988 đã mất, nhưng hồ sơ được phục hồi hiện nay đã tập hợp đủ chứng cứ khách quan chứng minh hành vi của Lai Em là hung hãn, đủ cơ sở để áp dụng hình phạt cao nhất.
Nghĩa Phương