Tháng 10/2024, Indonesia cấm bán iPhone 16 do Apple không đáp ứng yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa ở nước này. Hãng sau đó đề xuất đầu tư 10 triệu, 100 triệu và thậm chí một tỷ USD để cùng đối tác xây nhà máy AirTags, nhưng vẫn không được chấp thuận do phụ kiện này không phải một bộ phận trong iPhone.
Ngày 12/2, Nikkei Asia dẫn nguồn tin cho biết sau nhiều lần bị từ chối, Apple hiện thảo luận với các nhà cung ứng về khả năng lắp ráp iPhone ở nước này. Nếu thành hiện thực, đây là một thắng lợi lớn cho Indonesia và đánh dấu lần đầu iPhone được sản xuất tại Đông Nam Á. Trước đó, Huawei cũng công bố kế hoạch sản xuất điện thoại tại đây.
![iPhone 16 Pro Max tại sự kiện ra mắt tháng 9/2024](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2025/02/12/DSCF0415-4153-1739374860.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QRtiwhGtN_QIdkdsbZJKEQ)
iPhone 16 Pro Max tại sự kiện ra mắt tháng 9/2024. Ảnh: Tuấn Hưng
Chính sách của Indonesia quy định thiết bị điện tử bán trong nước phải có từ 35% đến 40% linh kiện địa phương. Trước đây, các công ty như Apple có thể đáp ứng bằng cách đầu tư vào phát triển và tạo việc làm trong nước, nhưng hiện Indonesia không chấp nhận.
Cuối tháng 1/2025, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Rosan Roeslani tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề cấm iPhone 16 trong vòng 1-2 tuần. Tuy nhiên, đã ba tuần trôi qua, chưa có thông báo chính thức nào từ cả Apple lẫn Indonesia.
Theo Apple Insider, quy định 40% thành phần sản xuất trong nước rất khó để bất kỳ nhà sản xuất nào đạt được. Apple chưa có nhà máy đối tác tại Indonesia. Việc xây cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng từ đầu để đáp ứng quy định sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian. Trước khi lệnh cấm được ban hành, Apple được dự đoán bán được 2,9 triệu iPhone tại Indonesia trong năm 2024, chiếm 2% thị phần nước này.
Huy Đức (theo AppleInsider, NikkeiAsia)