Ngày 21/8, vụ việc được Cổng thông tin Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đăng tải, nêu năm 2012, bà Mã kết hôn với ông Triệu. Bà không có con riêng, còn ông Triệu có với người vợ đầu con trai ngoài 20 tuổi, tên là Tiểu Chiêu.
Bà Mã, ông Triệu do cao tuổi không có kế hoạch sinh con chung nên bà Mã coi Tiểu Chiêu như con ruột.
China Court đưa tin, năm 2013, bà Mã ký hợp đồng với Tiểu Chiêu, chuyển nhượng một căn nhà riêng của mình cho Tiểu Chiêu nhưng không lấy tiền, coi như món quà. Vài năm sau, ông Triệu qua đời, bà Mã phải nằm liệt giường vì bệnh tim nặng, ngay cả việc ăn uống cũng trở thành vấn đề. Vợ chồng Tiểu Chiêu chăm sóc bà một thời gian rồi bắt đầu không trả lời các cuộc gọi của bà.
Tiểu Chiêu cũng từ chối trả lại chứng minh nhân dân, thẻ ngân hàng và thẻ bảo hiểm y tế cho bà Mã. Để được khám bệnh kịp thời, bà Mã phải gọi điện nhờ cảnh sát, cuối cùng lực lượng công an và nhân viên ủy ban khu phố đã đến tận nhà để phối hợp giải quyết sự việc.
Bà Mã kiện ra tòa án, đề nghị thu hồi quà tặng cho Tiểu Chiêu và yêu cầu trả lại căn nhà. Tiểu Chiêu cho rằng không có nghĩa vụ hỗ trợ mẹ kế, hơn nữa hợp đồng không quy định anh ta có nghĩa vụ chăm sóc bà Mã nên không đồng tình với quan điểm của nguyên đơn.
Tòa án nhân dân quận Triều Dương của Bắc Kinh xét xử sơ thẩm và ra phán quyết thu hồi hợp đồng tặng cho giữa bà Mã và Tiểu Chiêu, liên quan đến ngôi nhà. Bị đơn không hài lòng với bản án sơ thẩm nên kháng cáo.
Tuần trước, Tòa án nhân dân trung cấp số 3 Bắc Kinh đã xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.
HĐXX cho rằng bà Mã thực tế đã làm hợp đồng tặng cho Tiểu Chiêu, có tính đến tâm lý mong đợi và lẽ thường của người dân Trung Quốc là cho nhà cửa để sau này con cái chăm sóc phụng dưỡng đỡ đần.
Việc vợ chồng Tiểu Chiêu cầm và quản lý các giấy tờ tùy thân, sổ tiết kiệm và thẻ ngân hàng của bà Mã từ lâu, cũng cho thấy đi kèm với việc nhận quà tặng, vợ chồng Tiểu Chiêu cũng đã xác định nghĩa vụ của con cái với cha mẹ, chăm sóc đến khi qua đời, tòa nêu.
Nguyên đơn hiện hơn 70 tuổi, bệnh nặng nằm liệt giường, cần sự chăm sóc chu đáo cả đời sống hằng ngày lẫn y tế. Song thực tế, sự chăm sóc của vợ chồng Tiểu Chiêu dành cho mẹ "khó có thể xác định là chu toàn" và không tương xứng với tài sản được bà Mã tặng.
Do đó, bà Mã có quyền thu hồi hợp đồng tặng cho và yêu cầu Tiểu Chiêu trả lại căn nhà và sang tên lại cho bà. Tòa phúc thẩm phán quyết giữ y án sơ thẩm.
Thẩm phán đánh giá, theo quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự, đối với hợp đồng tặng cho, nếu bên nhận tài sản tặng cho không thực hiện nghĩa vụ quy định trong hợp đồng thì bên tặng cho có quyền thu hồi việc tặng cho.
Trong vụ án này, giữa dì Mã và Tiểu Chiêu không có quan hệ huyết thống và nghĩa vụ của Tiểu Chiêu cũng không được quy định trong hợp đồng nhưng tòa án căn cứ vào lẽ thường trong cuộc sống và tâm lý của người dân bình thường, xác định Tiểu Chiêu phải đảm nhận nghĩa vụ chăm sóc bà Mã.
Tòa đánh giá, các vụ án tương tự cần đưa phán quyết nhân văn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi.
Tại Việt Nam, về việc cha mẹ có quyền "đòi" lại tài sản đã tặng cho con cái hay không, theo Luật sư Phạm Thanh Hữu (đoàn Đoàn luật sư TP HCM), Khoản 3 điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại".
Theo luật sư, nếu cha mẹ cho con nhà đất với mục đích để phụng dưỡng mình nhưng con bất hiếu, không chăm sóc thì cha mẹ được quyền đòi lại phần nhà đất đã cho. Tuy nhiên, cần phải đáp ứng đủ điều kiện sau:
- Thứ nhất, hợp đồng tặng cho nhà đất giữa cha mẹ với con là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện, theo điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 (trong hợp đồng tặng cho nhà đất thể hiện rõ nội dung bên được tặng cho phải có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ).
- Thứ hai, sau khi được tặng cho nhà đất, con không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ đúng với hợp đồng tặng cho.
Ngoài việc trả lại phần nhà đất đã nhận, người con còn phải bồi thường thiệt hại cho cha mẹ do việc vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng tặng cho nhà đất có điều kiện (nếu có).
Cha mẹ cho con mình nhà đất mà không lập thành hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện (không bắt buộc con phải có nghĩa vụ phụng dưỡng) thì không có quyền đòi lại phần nhà đất đã cho.
Tuy nhiên, nếu con bất hiếu với cha mẹ, tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại cho cha mẹ (nếu có).
Hải Thư