Flora Pérez, 58 tuổi, cố gắng đăng ký lịch tiêm vaccine Covid-19 cho bố cô suốt nhiều tuần nay nhưng không thành. "Thật sự rất, rất khó, không có điểm tiêm nào còn trống chỗ cho bố tôi. Ông ấy đã 82 tuổi", Pérez vừa gói thực phẩm vào túi và bày lên kệ hàng vừa nói.
Là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì Covid-19 tại New York, khu dân cư Corona, quận Queens, nơi gia đình Pérez sống, chỉ 5-28% dân số, chủ yếu người lao động nghèo, nhập cư đã được tiêm vaccine. Tỷ lệ này thấp gần nhất thành phố.
Tại Mỹ, cộng đồng dân nhập cư, người da đen, người gốc Latin luôn là "nạn nhân" của tình trạng mất cân bằng tiêm chủng. Số ca vong vì Covid-19 của nhóm này cũng chiếm tỷ lệ cao. Số liệu công bố giữa tháng 2 cho thấy tỷ lệ tiêm chủng ở cộng đồng người nhập cư sống rải rác tại 5 quận thuộc nhóm thấp nhất trên toàn New York. Thành phố hiện có hơn 3 triệu người nhập cư sinh sống.
Pérez và gia đình cô không phải những người duy nhất gặp khó khăn. Rất nhiều người đã tìm đến các dịch vụ xã hội để được hỗ trợ tiêm chủng. Bronx Works, một tổ chức phi lợi nhuận, đã tổ chức tiêm hàng trăm liều vaccine mỗi ngày trong 5 ngày liên tiếp. Để khuyến khích người nhập cư tham gia tiêm chủng, giới chức thành phố bổ sung hướng dẫn viết bằng nhiều ngoại ngữ, tổ chức nhiều điểm chủng ngừa tại các khu dân cư.
"Tôi thấy những gương mặt rạng rỡ vì được tiêm phòng gần nhà, không phải vất vả di chuyển", John Weed, trợ lý giám đốc điều hành của Bronx Works, nói.
Song, còn tồn tại nhiều trở ngại. Trong 115 người sống trong cộng đồng người nhập cư trả lời phỏng vấn, chỉ 8 người đã tiêm vaccine.
Derrick Williams, 72 tuổi, cho biết ông gặp nhiều khó khăn trong việc tự lên lịch trình tiêm chủng do không sử dụng công nghệ thành thạo. "Những người cao tuổi như tôi không biết dùng điện thoại, máy tính. Tôi phải nhờ con gái đặt lịch tiêm cho mình", ông chia sẻ.
Yesenia Abreu, 42 tuổi, cố gắng đăng ký lịch tiêm cho người dì lớn tuổi. "Dì của tôi không giỏi thao tác thiết bị công nghệ, các trang web thì luôn gặp sự cố", Abreu nói. Gia đình cô cũng khó tiếp cận hướng dẫn tiêm chủng vì các thông tin không được viết bằng tiếng Tây Ban Nha.
Nhiều người, trong đó có người đủ điều kiện tiêm vaccine, khẳng định họ không muốn đặt lịch tiêm vì lo lắng tác dụng phụ. Họ cho biết báo cáo về các ca tử vong sau khi nhận các liều tiêm khiến họ lo sợ.
"Các thành viên trong gia đình tôi đều không muốn tôi tiêm vaccine. Tôi sẽ nghe theo họ và tiếp tục đeo khẩu trang để bảo vệ mình", Ao Gui Qin, 68 tuổi, một người Mỹ gốc Hoa nói.
Twahair Mohammad, 39 tuổi, người gốc Myanmar, muốn đợi tuyên bố chính thức về tác dụng phụ của vaccine. "Hiện tôi rất sợ. Tôi cần vaccine, nhưng không phải bây giờ", anh bộc bạch.
Mariam Diallo, 42 tuổi, một người nhập cư khác sống tại South Bronx, khẳng định không quan tâm tới vaccine. Cô cho biết sẽ không thay đổi quyết định ngay cả khi tới lượt mình được chủng ngừa.
Với một số khác, nỗi sợ tiêm chủng đến từ việc không được tiếp cận thông tin chính xác. "Nhiều người không hay biết gì về việc tiêm vaccine Covid-19. Có những hộ gia đình không có cả TV để theo dõi tin tức", Sarahi Marquez, quản lý nhà hàng gia đình tại Port Richmond nói. Cô hiện là nguồn cung cấp thông tin tiêm phòng cho nhân viên và những người dân lân cận.
"Một số người tin rằng chương trình tiêm chủng là một âm mưu với mục đích đưa chíp điện tử vào cơ thể người nhằm bí mật theo dõi họ", Marquez nói. "Đây là những ý tưởng điên rồ. Nhưng nếu không có nguồn tin đáng tin cậy, bạn rất có thể sẽ tin những thứ được truyền tai nhau trên đường phố".
Trong khi đó, một số người muốn được tiêm phòng Covid-19 song không thể sắp xếp thời gian để đăng ký. Cả 4 người trong gia đình Waverly Dong đều là bán hàng tại tạp hóa gia đình, đủ điều kiện tiêm chủng. Nhưng do quá bận rộn với công việc buôn bán, nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán, họ chưa thể đăng ký tên vào danh sách tiêm.
"Tôi làm việc 7 ngày một tuần. Tôi sẽ cố gắng dành thời gian rảnh để đi tiêm khi mọi thứ dễ dàng hơn", Jatinkumar Rasikbhal Patel, 30 tuổi, người Mỹ gốc Ấn, chia sẻ về lịch trình bận rộn.
Lê Hằng (Theo NY Times)