Theo ZDnet, người bị bắt được xác định là Wei Sun, 48 tuổi, người Mỹ gốc Hoa, sống tại thành phố Tucson, bang Arizona. Hồ sơ trên LinkedIn cho thấy, Sun làm việc cho Raytheon từ tháng 12/2008 với vai trò kỹ sư điện và thiết kế mạch tương tự.
Sun đã tham gia chương trình Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Mỹ, tiếp xúc với hàng loạt dữ liệu dán nhãn "bí mật". Raytheon hiện là một trong những nhà thầu quân sự lớn nhất của chính phủ Mỹ và là nhà sản xuất tên lửa dẫn đường lớn nhất thế giới.
Theo hồ sơ tòa án, tháng 12/2018, Sun nộp đơn lên lãnh đạo Raytheon, thông báo sắp đi du lịch và muốn mang theo laptop HP do công ty cấp, bên trong chứa các thông tin mật. Dù không được phép, người này vẫn rời Mỹ vào 18/12/2018 với chiếc máy tính nêu trên.
Ngày 7/1/2019, khi đang ở nước ngoài, Sun truy cập tài khoản email Raytheon để thông báo nghỉ việc với lý do "học tập và làm việc tại nước ngoài". Đến 14/1/2019, người này trở về Mỹ và bị nhân viên an ninh của Raytheon mời đến vào hôm sau.
Ban đầu, Sun nói anh ta đến Singapore và Philippines. Tuy nhiên, do cung cấp thông tin không nhất quán về hành trình du lịch của mình, người này cuối cùng thừa nhận đã tới Trung Quốc, Campuchia và Hong Kong. Máy tính xách tay mà Sun mang đi chứa ít nhất năm file thông tin được phân loại theo Quy định về Lưu lượng vũ khí quốc tế (ITAR), tức phải được chính phủ Mỹ chấp thuận nếu muốn mang ra nước ngoài. Chúng chủ yếu liên quan đến mạch cổng lập trình trường (FPGA) cho các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Raytheon chấm dứt hợp đồng của Sun từ 15/1/2019 nhưng phải đến 24/1 năm nay, người này mới bị bắt giữ và chưa rõ mức án phạt.
Giữa năm ngoái, Xudong "William" Yao (57 tuổi) cũng bị truy nã và đối mặt với 10 năm tù sau khi ăn cắp dữ liệu của công ty đầu máy Mỹ rồi tuồn sang Trung Quốc. Tháng 7/2019, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Yi-Chi Shih, 64 tuổi, một kỹ sư điện sống tại Los Angeles (Mỹ), cũng đối mặt với án tù lên tới 219 năm do đánh cắp chip bán dẫn sử dụng trong các hệ thống quân sự của Mỹ để chuyển cho cộng sự ở Trung Quốc.
Bảo Lâm