Ai Cập nổi tiếng với những xác ướp cổ xưa được bảo quản tốt đến mức đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, đây có thể không phải là nơi lưu giữ xác ướp cổ xưa nhất châu Phi. Sâu trong vùng núi sa mạc phía tây nam Libya, các nhà nghiên cứu từng phát hiện xác ướp trẻ em mang tên Tashwinat, tồn tại trước xác ướp Ai Cập hơn 1.000 năm.
Mùa đông năm 1958, nhà khảo cổ Fabrizio Mori thám hiểm một nơi trú ẩn trong hang động tự nhiên Uan Muhuggiag, nơi những người chăn nuôi gia súc từng sinh sống. Mori tìm thấy những vết tích của nơi trú ẩn cổ xưa này dưới dạng nghệ thuật trên đá mô tả con người, động vật, gia súc và nhiều hình vẽ từ các thời kỳ khác nhau. Nhưng khi bắt đầu đào dưới nền cát mềm của hang động, ông phát hiện một chiếc bọc kỳ lạ được chôn gần bề mặt.
Chiếc bọc làm từ da dê hoặc da linh dương, bên trong là cơ thể đã khô của một đứa trẻ quấn trong một lớp lá. Đứa trẻ đã trải qua một nghi thức ướp xác, nội tạng bị lấy đi sau khi chết qua các vết mổ ở bụng và ngực. Quá trình này được gọi là moi tạng (evisceration) và thay thế bằng các loại thảo mộc, có thể nhằm giúp bảo quản cơ thể.
Đứa trẻ nằm trong tư thế bào thai, trên cổ đeo một chiếc vòng bằng vỏ trứng đà điểu. Phân tích cho thấy, đứa trẻ có da tối màu và chết khi mới chỉ khoảng 3 tuổi. Quá trình định tuổi bằng đồng vị carbon chỉ ra, xác ướp này có niên đại khoảng 5.400 - 5.600 năm.
Vào thời điểm đứa trẻ còn sống, sa mạc Sahara rất khác so với ngày nay. Những người từng ghé thăm Uan Muhuggiag sống ở một nơi có cảnh quan xanh tươi hơn nhiều. Trong thời kỳ này, đôi khi gọi là "Thời kỳ ẩm ướt châu Phi", Sahara được bao phủ bởi cỏ, cây cối và các hồ nước. Các đặc điểm này giúp duy trì cuộc sống cho những người chăn nuôi gia súc tại đây. Một bằng chứng nữa cho thấy khu vực xung quanh Uan Muhuggiag ẩm ướt hơn nhiều so với ngày nay là những hình vẽ hang động khắc họa voi, hươu cao cổ, cá sấu, trong khi xương cá và dụng cụ đánh cá cổ xưa được tìm thấy ở các địa điểm khác thuộc Sahara.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa rõ tập tục ướp xác ở Uan Muhuggiag, vốn xuất hiện trước, có ảnh hưởng đến tục ướp xác ở Ai Cập hay không. Tuy nhiên, xác ướp Tashwinat cho thấy việc ướp xác ở châu Phi có lịch sử sâu sắc và phức tạp hơn nhiều so với những gì giới chuyên gia từng nghĩ.
Thu Thảo (Theo IFL Science)