Theo các ghi chép lịch sử, ngày 30/12/620, "dấu hiệu đỏ" trông như đuôi gà lôi rực sáng trên bầu trời Nhật Bản. Vào thời điểm đó, đây được coi là điềm xấu. Các nhà khoa học từng đưa ra giả thuyết về cực quang, nhưng cực quang thường không có hình dạng này mà trông như những dải ruy băng uốn lượn trên trời.
Ryuho Kataoka, chuyên gia nghiên cứu thời tiết không gian tại Viện Nghiên cứu Địa cực Quốc gia Nhật Bản, cùng đồng nghiệp quyết định tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng lạ 1.400 năm trước, Space hôm 2/4 đưa tin. Đầu tiên, họ so sánh những miêu tả trong lịch sử với dữ liệu hiện đại về cực quang.
Cực quang chủ yếu xuất hiện dưới dạng ánh sáng xanh lá cây. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể mang những màu sắc khác, ví dụ như đỏ, tùy thuộc vào việc nguyên tố nào trong khí quyển Trái Đất bị kích thích bởi các hạt mang điện do Mặt Trời phát ra.
Nhóm nghiên cứu cũng lập bản đồ từ trường Trái Đất vào thời điểm đó. Kết quả, vĩ độ từ trường của Nhật Bản năm 620 là 33 độ (ngày nay là 25 độ). "Đuôi gà lôi" dài khoảng 10 độ, nằm trong vùng có thể chịu ảnh hưởng bởi một cơn bão từ mạnh.
"Các nghiên cứu gần đây cho thấy cực quang có thể mang hình dạng giống đuôi gà lôi, nhất là trong những cơn bão từ lớn. Như vậy hiện tượng năm 620 nhiều khả năng là cực quang", Kataoka nhận định.
Nghiên cứu mới, xuất bản trên tạp chí Sokendai Review of Culture and Social Studies, cũng phân tích giả thuyết cho rằng hiện tượng năm 620 do sao chổi gây ra. Tuy nhiên, sao chổi thường không tạo ra ánh sáng đỏ nên khả năng này vô cùng thấp.
Thu Thảo (Theo Space)