Tại sao xe nhỏ thường rất thấp gầm, xe thể thao có thêm cánh và mũi rộng? Hachi-roku là gì, hybrid bắt đầu từ đâu? là những câu hỏi mà nhiều người mê ôtô muốn biết, văn hóa và lịch sử xe hơi Nhật Bản sẽ làm sáng rõ những thắc mắc này.
Hachi-roku trong tiếng Nhật có nghĩa là 86, là cái tên đặt cho chiếc Toyota Sprinter Trueno AE86 đã cùng tay đua Keiichi Tsuchiya làm nên huyền thoại về đua xe sử dụng hình thức drift để rê đuôi xe qua những khúc cua vào thập niên 70 thế kỷ trước. Ngày nay nhiều phiên bản 86 của Toyota cũng được gọi là Hachi-roku để nhớ tới chiếc xe tên tuổi trước đây.
Nhật Bản là đất nước với nền văn hóa sản sinh ra nhiều hình thức "độc nhất vô nhị" trên thế giơi. K-car là một ví dụ đầu tiên trong nền công nghiệp ôtô. K-car (kei-car) là loại xe nhỏ mà mỗi hãng sản xuất ra phải đặt sản phẩm của mình trong một số tiêu chí nhất định như chiều dài tối đa 3.400 mm, chiều rộng tối đa 1.480 mm và chiều cao tối đa là 2.000 mm. Dung tích động cơ cũng khống chế ở ngưỡng 660 phân khối, thậm chí công suất cũng có định mức cao nhất là 63 mã lực nhằm hạn chế người mua xe sử dụng động cơ tăng áp, gây ra lượng khí thải vượt quá khống chế.
Thương hiệu Daihatsu của Toyota, Honda, Mistsubishi và Suzuki là những cái tên lớn nhất trong phân khúc K-car. Thậm chí một số hãng khác còn cho ra đời xe nhỏ hơn K, được gọi với cái tên smart K.
Bên cạnh K-car, Bosozoku là một dòng xe đặc trưng cực kỳ lạ mắt chỉ có ở đất nước mặt trời mọc. Loại hình ôtô này kết nối chặt chẽ với văn hóa băng đảng ở Nhật Bản. Ý tưởng của mẫu xe này là thêm một bộ kit khí động học khổng lồ, cụm ống xả lớn lộ thiên "tua tủa" ở phía sau, phần đỉnh xe xếp lớp như mái nhà thậm chí có nhiều vây như vây cá, màu sơn và họa tiết ở thân xe cũng đặc trưng và vô cùng ấn tượng với nhiều chủ đề khác nhau từ siêu nhân anh hùng cho đến đời thường.
Bosozoku được xếp vào nhóm "những chiếc xe thương mại đặc biệt" trong những năm 1970, đây cũng được gọi là nhóm 5 trong cách phân loại xe của Nhật Bản thời đó. Phong cách Bosozoku hầm hố như những chiếc môtô chopper được sử dụng nhiều bởi những tay băng đảng bấy giờ.
Một khu vực nữa trong nền văn hóa xe hơi Nhật Bản mà ít người ngờ tới chính là làm xe giả mạo. Trung Quốc là đất nước nổi tiếng với những sản phẩm làm giả giống hết bản gốc nhưng Nhật Bản mới là nơi xuất phát hoạt động này. Đi đầu là hãng Mitsuoka thành lập năm 1979.
Kể từ khi Rolls-Royce hay Bentley không còn độc quyền sở hữu thiết kế lưới tản nhiệt dọc cỡ lớn và đèn pha to tròn thì Mitsuoka ngay lập tức đưa chúng vào sản phẩm của mình. Đây cũng có thể là một ý tưởng cho những nhà sản xuất xe sang châu Âu, với những chiếc xế hộp tưởng như chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu thì nay dễ dàng sở hữu với mức giá 30.000 USD.
Đến giữa những năm 2000, quốc đảo này cũng như bất kỳ nhà sản xuất ôtô nào trên thế giới cũng hướng sự tập trung vào đối tượng sedan bóng bẩy hay coupe thể thao mạnh mẽ. Nhưng từ sau đó đến nay, phần lớn các hãng xe Nhật tập trung sản xuất xe hybrid là sự kết hợp của động cơ đốt trong và động cơ điện, EV (Electric Vehicle) và xe nhỏ K-car (Kei car). Người trẻ hướng tới những chiếc xe thông minh có khả năng kiểm soát qua điện thoại và kết nối toàn cầu.
Văn hóa xe hơi Nhật Bản cũng đang dần bị khỏa lấp, lu mờ vào trong nền công nghiệp xe hơi thế giới, không còn định hình phong cách riêng như giai đoạn trước. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi thế giới ngày càng phẳng, toàn cầu hóa bắt buộc xe Nhật, xe Mỹ, xe Châu Âu tìm đến những điểm chung để tiếp cận lượng khách hàng đông đảo trên toàn thế giới. Xe "xanh" đang là xu hướng mới trong văn hóa ôtô Nhật Bản.
Đức Huy