Thứ bảy, 27/1/2018, 09:54 (GMT+7)

Bí ẩn CLB ở Uzbekistan từng chiêu mộ Rivaldo, Zico và Scolari

Đội bóng non trẻ Bunyodkor trả 14 triệu đôla cho hai năm thi đấu của Rivaldo và biến Scolari thành HLV hưởng lương cao nhất thế giới. 

Tháng 7/2008, đội bóng ba năm tuổi Bunyodkor công bố thông tin gây sốc trên trang chủ. Họ đạt thỏa thuận chiêu mộ Samuel Eto'o trong nửa năm. Thông tin được Giám đốc thể thao Bakhtiyor Babaev xác nhận. Ông còn cho biết thêm, rằng hợp đồng có được là do mối quan hệ thân thiết giữa chủ tịch của hai CLB, những người cùng tham gia trong kế hoạch phát triển bóng đá ở Uzbekistan, dưới sự giúp đỡ của hai CLB Tây Ban Nha danh tiếng là Real Madrid và Barca.

Eto'o khi đó có tương lai bất ổn tại Nou Camp. Anh bị HLV mới Pep Guardiola liệt vào danh sách "thanh lý", cùng với Ronaldinho, Deco, Gianluca Zambrotta để dọn đường cho những cầu thủ mới như Seydou Keita, Dani Alves, Alexander Hleb. Tình thế của tiền đạo người Cameroon rất ngột ngạt, và chính anh cũng thừa nhận, rằng sẽ suy nghĩ một cách nghiêm túc việc chuyển sang Uzbekistan chơi bóng.

Rivaldo trong màu áo Bunyodkor. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, hợp đồng này không thành hiện thực khi hai đội bóng thành Milan là AC và Inter tiếp cận "Báo đen". Không chịu bỏ lỡ kế hoạch nâng tầm đội bóng, Bunyodkor tiếp cận một ngôi sao bóng đá khác - Rivaldo, Quả Bóng Vàng năm 1999, lúc này đã 36 tuổi, và vừa hết hợp đồng một năm với AEK Athens của Hy Lạp. Rút kinh nghiệm vụ chuyển nhượng Eto'o, lãnh đạo Bunyodkor đẩy rất nhanh tốc độ đàm phán với ngôi sao người Brazil. Những con số trong bản hợp đồng với Rivaldo liên tục nhảy múa, trước khi được gút lại ở mức 14 triệu đôla cho hai năm chơi bóng tại Trung Á, một mức lương mà bản thân cựu cầu thủ Barca phải thốt lên là "Quá tốt đối với tôi khi đã cuối sự nghiệp".

Cuối tháng 8/2008, Rivaldo ra mắt ở thủ đô Tashkent. Cùng đi với anh còn có một huyền thoại Brazil khác, Zico - trong vai trò HLV. Danh thủ từng làm mưa làm gió ở World Cup 1982 ký hợp đồng một năm, trước khi nhường ghế huấn luyện cho người Brazil khác, Felipe Scolari - người giúp Brazil vô địch World Cup 2002, và vừa thất bại trong việc chinh phục Ngoại hạng Anh cùng Chelsea. Scolari rời Stamford Bridge chỉ sau hơn bảy tháng làm việc, nhưng với một đội bóng vừa được thành lập vào năm 2005 như Bunyodkor, thế đã là quá tốt. Tất nhiên để nhận được cái gật đầu của nhà cầm quân người Brazil, cái giá mà đội bóng Uzbekistan phải trả không hề rẻ. Trong một năm ngồi ghế nóng, Scolari đòi 18 triệu đôla, cao nhất trong giới HLV thời điểm ấy, và Bunyodkor đồng ý.

Rivaldo và ông thầy Scolari ở Uzbekistan.

Sự xuất hiện của những tên tuổi như Rivaldo và Scolari là điều mà người hâm mộ Bunyodkor khó lòng mong đợi vào bốn năm trước, khi đội bóng mới được thành lập dựa trên một giải đấu nghiệp dư. Tên của họ, trong tiếng Uzbekistan nghĩa là "nhà sáng tạo", phản ánh đúng những gì lãnh đạo đội bóng muốn thực hiện. Họ muốn phá thế thống trị của hai đội bóng lâu đời nhất Uzbekistan là Pakhtakor Tashkent và Neftchi. Họ gấp rút bắt tay vào sân vận động trị giá 150 triệu đôla, với sức chứa 15 ngìn chỗ ngồi, và hoàn thành chỉ trong vòng vài tháng. Ngày khai trương sân mới, lãnh đạo Bunyodkor mời hẳn Barca danh tiếng của Chủ tịch Joan Laporta đến chào sân. Sau đó, Bunyodkor còn chi hơn một triệu đôla cho ba ngôi sao hàng đầu là Lionel Messi, Carles Puyol và Andres Iniesta đến... chơi ở thủ đô Tashkent.

Nhiều năm sau cơn bão kim tiền nổ ra ở Bunyodkor, Samuel Eto'o mới xuất đầu lộ diện trên kênh truyền hình Telefoot (Pháp) để ôn lại kỷ niệm với đội bóng Uzbekistan. "Ngày ấy tôi được đề nghị 25 triệu đôla cho hai hay ba tháng chơi bóng tại Uzbekistan. Lúc nghe thấy con số đó, đầu óc tôi cảm thấy quay cuồng, và nhịp tim đập loạn xạ".

Vào thời điểm năm 2008, GDP của Uzbekistan chưa đến 30 tỷ đôla, theo công bố của Ngân hàng thế giới. Điều ấy có nghĩa, chỉ riêng hoạt động của đội bóng Bunyodkor, ước tính khoảng vài trăm triệu đôla, đã chiếm đến vài phần trăm GDP của Uzbekistan. Điều gì đã xảy ra ở đội bóng non trẻ của Trung Á? Tất cả những gì người ta biết về Bunyodkor thời điểm ấy là một trang web xa hoa, với cả ngôn ngữ hiển thị tiếng Anh cùng tên của tám nhà tài trợ, tất cả đều là các công ty dầu mỏ và khí đốt. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện.

Phối cảnh sân vận động trị giá 150 triệu đôla của Bunyodkor.

Uzbekistan được phủ bức màn bí ẩn với phần còn lại của thế giới. Rất khó để vào nước này, ngay cả với quốc gia láng giềng Afghanistan. Theo Ngân hàng thế giới, mức lương trung bình tuần của người dân Uzbekistan năm 2008 dưới mức 40 đôla, với tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 40%, và một phần ba dân số Uzbekistan sống dưới mức nghèo khổ. Chính vì những lý do ấy mà trong lần viếng thăm đầu tiên của tờ Guardian, Giám đốc thể thao Azamat Abduraimov của Bunyodkor đã yêu cầu nhật báo nước Anh không được tiếp xúc và viết bất cứ điều gì về chủ tịch CLB. "Chúng tôi cần sự kiểm duyệt về vấn đề này", Abduraimov nói với vẻ nghiêm trọng.

Người có liên quan tới bóng đá nổi tiếng nhất Uzbekistan là cổ đông lớn thứ nhì Arsenal, Alisher Usmanov. Nhiều người cho ông là người đứng sau sự lớn mạnh của Bunyodkor, nhưng sự thật không phải vậy. Usmanov chỉ quan tâm tới bóng đá quốc tế, cụ thể là nước Anh, chứ không dính líu gì tới bóng đá Uzbekistan. "Tại Uzbekistan, hầu hết mọi người đều sợ hãi những nhân vật có quyền lực. Đó là một xã hội khép kín, nơi tất cả đều nghĩ là tốt hơn cả là nên im lặng", biên tập viên Danil Kislov của một tờ báo lớn tại Uzbekistan bộc bạch. "Hầu như ai cũng biết người đứng đầu của Bunyodkor. Nhưng nói ra ư? Đừng hòng".

Bóng đá được xem là cứu cánh và niềm vui duy nhất của người dân đất nước Trung Á, khi họ liên tục chịu các lệnh cấm và trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn thập niên 2000. Tổng thống nước này giai đoạn đó, Islam Karimov đã ký một sắc lệnh về việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cũng như doanh nghiệp cho bóng đá trong vòng ba năm. 

Karivoma, người được cho là chủ của Bunyodkor.

Bunyodkor ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Chủ sở hữu danh nghĩa là Miradil Djalalov, người đứng đầu Zeromax, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Uzbekistan, hoạt động trong lĩnh vực dầu, khí đốt, bông, và có trụ sở tại Thụy Sĩ. Djalalov có quan hệ sâu rộng với chính phủ, đặc biệt là với Gulnara Karimova, con gái cả của cựu Tổng thống Karimov, người có khối tài sản lên đến hàng tỷ đôla. Công ty Zeromax của Djalalov được cho là sân sau của Karimova. "Tôi nghe nói bà ta được cơ cấu để làm tổng thống tương lai", cựu Đại sứ Anh tại Uzbekistan, Craig Murray thổ lộ.

Cũng theo Murray, Karimova là nhân vật duy nhất có khả năng bảo vệ quyền lực và tài sản của gia đình Tổng thống Karimov. Bà được ví von với "bà đầm thép" Margaret Thatcher, và được cha tạo mọi điều kiện để nổi tiếng, trước khi dấn thân vào chính trường. Ngoài Zeromax, Karimova còn kiểm soát mạng viễn thông lớn nhất Uzbekistan, một công ty khai thác vàng. Sự tham gia của Karimova khiến Bunyodkor trở thành một dự án bí mật của chính phủ. 

Cuối năm 2008, Bunyodkor di chuyển hơn 300 kilomet về phía đông thủ đô Tashkent, đến thung lũng Fergana để chơi trận cuối cùng của mùa giải, gặp Namangan. Phải mất bốn tiếng lái xe, người hâm mộ mới đến thung lũng Fergana, trung tâm của Uzbekistan, nơi có ba phần tư số dân nước này sinh sống (khoảng 27 triệu người) và được xem là cuồng nhiệt bóng đá nhất đất nước Trung Á. Mọi xe ô tô trên đường vào thung lũng đều bị chặn lại để kiểm tra. Lực lượng an ninh cấm mang mọi thiết bị như máy ảnh, ghi âm hay máy quay vào khu vực này. 

Abdurahmon Fazilov, trưởng Hội CĐV Bunyodkor thổ lộ, rằng người hâm mộ vào sân cổ vũ mà không được dùng đồ uống, hút thuốc, và phải dọn dẹp sân vận động khi trận đấu kết thúc. "Không ai được phép cổ vũ cho cá nhân riêng lẻ, chỉ có đội bóng được ca ngợi như một tổng thể", Fazilov nói. Ngay bên cạnh, một CĐV của đội bóng đối địch Pakhtakor không giấu được tiếng cười. Người đàn ông này kể về sự thù hằn và cuộc chiến giữa hai nhóm CĐV, thậm chí cầu thủ Pakhtakor đã bị dí súng hăm dọa, sau trận hòa với Bunyodkor hồi tháng 8/2008. "Đó là đội của con gái Karimov. Họ dùng đó như một công cụ chính trị", người hâm mộ Pakhtakor thốt lên.

Cầu thủ chạy cánh trái của U23 Uzbekistan, Dostonbek Khamdamov (phải) là thành viên của Bunyodkor.

Bunyodkor vô địch Uzbekistan năm 2008, sau trận đấu với Namangan. Trên sân tập ngày hôm sau, Rivaldo hồ hởi nói chuyện với người hâm mộ. "Khi tôi nói về dự định đến Uzbekistan, người thân trong gia đình đã giãy nảy. Họ bị sốc và không biết nơi tôi sẽ chơi bóng là chỗ nào", nhà vô địch World Cup 2002 chia sẻ. Rivaldo hài lòng với cuộc sống mới tại Trung Á, nơi anh có căn biệt thự lớn hơn nhiều so với căn nhà của anh tại Athens. Zico cũng nằm trong siêu dự án mang tên Bunyodkor, nhưng ông nhận thấy ấn tượng của ông về Uzbekistan, thuở còn dẫn dắt Nhật Bản thập niên 1990, khác xa những gì ông thực tế trải nghiệm khi đến đội bóng nhà giàu của Uzbekistan.

Giống như Việt Nam, bóng đá là môn thể thao được hâm mộ nhất và có sức hút to lớn với người dân Uzbekistan. Nhưng dự án Bunyodkor rõ ràng là quá lãng phí và xa hoa ở một đất nước mà nhiều người còn sống dưới mức nghèo khổ. "Nếu có nhiều tiền như thế, thà giới chủ hãy trả cho những người nghèo ở Uzbekistan, tôi nghĩ còn có ích hơn", biên tập viên Kislov ngao ngán phát biểu.

Thắng Nguyễn (theo Guardian)