Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), đề xuất người bệnh được Quỹ thanh toán nếu phải tự mua thuốc ngoài viện. Chính sách áp dụng với người bệnh thuộc diện chẩn đoán, kê đơn, chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng không sẵn có tại cơ sở khám chữa bệnh, phải tự mua bên ngoài.
Để được thanh toán, người bệnh xuất trình với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đơn thuốc, vật tư do bác sĩ chỉ định kèm hóa đơn đã mua hợp lệ để làm căn cứ, chứng từ. Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh thiếu thuốc kéo dài, nhiều người dân đi khám, chữa bệnh BHYT phải tự mua thuốc bên ngoài.
Ngày 18/12, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng đề xuất này còn nhiều vướng mắc, bất cập, bởi theo quy định, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư và dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh. Người bệnh tự ra ngoài mua thuốc phải bỏ tiền túi còn gặp rủi ro về chất lượng lẫn giá thành, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và an toàn điều trị. Chưa kể, trường hợp bệnh nặng, cấp cứu, không có người thân đi cùng, đêm khuya, không có tiền, việc tự mua thuốc sẽ gặp trắc trở.
Đại diện BHXH nói "dù có cố gắng đến mấy bảo hiểm vẫn không thể thanh toán trực tiếp ngay cho người bệnh". Lý do là kết thúc đợt điều trị, người bệnh mới nộp hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT. Ngành này cần thời gian giám định, xác định chi phí thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ thì mới chi trả được cho người dùng.
"Để người bệnh tự mua thuốc ngoài viện rồi thanh toán BHYT phá vỡ ý nghĩa về chia sẻ rủi ro của chính sách, gây mất niềm tin của người tham gia hệ thống", đại diện BHXH Việt Nam nhận định.
Cơ quan này cũng cho rằng các cấp ngành đã ban hành nhiều văn bản, quy định tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư. Đầu mỗi quý, BHXH đã tạm ứng kinh phí hoạt động cho cơ sở khám chữa và thanh quyết toán vào quý tiếp theo. Từ nguồn kinh phí này, cơ sở y tế có trách nhiệm cung cấp đủ thuốc, vật tư, không để người bệnh tự đi thanh toán, sau đó bệnh viện quyết toán với BHXH.
BHXH đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa thực hiện đúng quy định. Ngoài ra, cần xác định đâu là trường hợp đặc biệt để thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo đúng luật thay vì áp dụng cho tất cả. Việc hướng dẫn thanh toán cần quy định cơ sở y tế phải có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh để đảm bảo quyền lợi.
Thiếu thuốc và vật tư y tế kéo dài liên miên khiến nhiều bệnh nhân phải tự mua ngoài viện với giá cao gấp nhiều lần giá BHYT quy định, nhưng không được thanh toán lại. Tình trạng này khiến người bệnh dù tham gia BHYT vẫn nặng gánh tài chính.
Ngoài ra, các chuyên gia đánh giá việc cập nhật danh mục thuốc BHYT cho bệnh nhân ở Việt Nam cực kỳ chậm so với các nước. Đơn cử, Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng, riêng Việt Nam mất trung bình từ 2 đến 4 năm để đưa một loại thuốc mới vào danh mục thuốc BHYT. Vì vậy, cấp thẩm quyền cần sớm điều chỉnh, bổ sung thuốc vào danh mục và có cơ chế quy định về việc cập nhật danh mục thuốc (thuộc phạm vi thanh toán BHYT).
Hồng Chiêu