Là quốc gia nằm bên triền núi Himalaya, hành trình đến vùng đất vốn được mệnh danh là “cõi hạnh phúc” của miền hạ giới không dễ nhưng luôn có rất nhiều du khách chờ đợi để được đến đây.
1. Khí hậu
Bhutan có khí hậu rất đa dạng, nhiệt đới ở phía nam, mùa đông lạnh và mùa hè nóng ở miền trung, còn phía bắc dãy Himalaya thì mùa đông lạnh và mùa hè mát.
2. Di chuyển
Từ Việt Nam bay sang Bhutan, du khách có thể quá cảnh ở Bangkok (Thái Lan) hoặc Nepal. Thời gian bay khoảng hơn 6 tiếng, giá vé hạng thường khoảng 25 triệu đồng. Nếu đi theo tour, một chuyến du lịch sang đất nước này 6 ngày khoảng hơn 50 triệu đồng. Chính phủ Bhutan không khuyến khích khách du lịch đi tự túc mà phải qua một công ty du lịch để bảo lãnh visa.
Thiền viện Paro Taktsang. Ảnh: Panoramio |
3. Những điểm tham quan ở Bhutan
Thimphu là thủ đô của Bhutan, nằm ở phần phía tây trên độ cao khoảng 2.300 mét. Từ sân bay quốc tế Paro, du khách sẽ mất khoảng một tiếng, đi qua những con đường đồi đầy gió để đến được thủ đô. Trashi Chhoe Dzong là khu trung tâm hành chính và tôn giáo được xây dựng vào thế kỷ 18. Vào ban đêm khi đèn chiếu sáng, thủ đô giống như một con tàu trong thung lũng Thimphu có cây cối bao quanh.
Dzong là lối kiến trúc pháo đài tu viện đặc thù của những quốc gia cùng dãy Himalaya, mà tiêu biểu nhất chính là ở Bhutan. Loại kiến trúc này có dáng dấp bên ngoài rất đồ sộ, tường tháp bao quanh một khu phức hợp gồm sân, đền, văn phòng chính quyền và cư xá của tu sĩ. Các pháo đài tu viện được sử dụng như là những trung tâm tôn giáo, quân sự, hành chính và xã hội. Đây còn là địa điểm để tổ chức các lễ hội tôn giáo hằng năm.
Trashicho Dzong được xây dựng vào năm 1641. Đây là tu viện ấn tượng nhất nằm trên bờ Wangchu (sông Thimphu). Hiện nay, nơi này đang này là cơ quan hành chính của nhà nước, nơi đặt ngự phòng của vua và rất nhiều cơ quan khách thuộc bộ máy cai trị của nhà nước. Đây cũng là nơi ngự giá vào mùa hè của các vị lãnh đạo Phật Giáo.
Kiến trúc dzong ở Bhutan. Ảnh: Bhutanadventure |
Tháp Khamsum Yulley Namyel Chorten được xây dựng bởi nữ hoàng thứ ba, Ashi Tshering Yangdon Wangchuck trong năm 2000 và là một minh chứng tuyết vời cho nghệ thuật Chorten của phái Mật Tông Bhutan.
Ta Dzong: nơi từng là tháp canh, bảo vệ khu Rinpung Dzong trong cuộc chiến tranh giành đất đai với vương quốc Tây Tạng vào thế kỷ thứ 17. Hiện giờ nơi đây được chính phủ dùng làm nhà bảo tàng quốc gia, lưu giữ rất nhiều hiện vật, kỷ vật thời xưa.
Paro Taktsang dzong là nơi linh thiêng nhất Bhutan được xây dựng cheo leo bên vách đá của thung lũng Paro ở độ cao hơn 3.000 m so với mực nước biển.
Rinpung dzong là một trong những tu viện lớn nhất Paro. Cơ quan luật pháp và chính quyền tỉnh Paro đều được đặt tại đây.
Kyichu Lhakhang là một trong những ngôi mộ thiêng liêng nhất của vương quốc Bhutan, gồm 2 đền thờ. Đền thờ đầu tiên được xây bởi vua Tây Tạng Songtsen Gampo vào thế kỷ thứ 7 và còn ngôi mộ thứ 2 được xây dựng vào năm 1968 bởi Ashi Kesang, Hoàng Thái Hậu của vương quốc Bhutan thời bấy giờ.
Pháo đài tu viện Wangdue Phodrang được xây trên một ngọn đồi nhìn xuống ngã ba sông Puna Chhu và sông Tang Chhu với mục đích ngăn chặn các cuộc xâm nhập bằng đường sông.
Punakha là một trong những pháo đài đẹp nhất của đất nước, nằm giữa hai con sông thơ mộng Pho Chu và Mo Chu. Đây được coi là cung điện của hoàng gia Bhutan cho đến giữa thế kỷ 20. Ngày nay du khách có thể vào tham quan.
Ngoài ra, đến Bhutan, du khách có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều động vật hoang dã như: hươu, nai, chim, sơn dương, gấu,… Chúng rất thân thiết và không tấn công con người bởi dân địa phương yêu quý muông thú, tất cả sống chung với nhau một cách thân thiện.
Một điểm thú vị khác ở Bhutan là tại thủ đô Thimphu không sử dụng tín hiệu đèn giao thông. Mọi sự hướng dẫn đều do cảnh sát giao thông đảm trách.
Nghi lễ Jampa Lhakhang Drup linh thiêng và lâu đời nhất ở Bhutan. Ảnh: National Geographic |
4. Lưu ý
Người dân Bhutan chỉ nói tiếng bản xứ, rất ít người biết tiếng Anh, vì vậy khi đến đất nước này du khách nhất thiết phải nhờ đến hướng dẫn viên người Bhutan.
Để bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ và bảo tồn truyền thống văn hóa của mình, hoàng gia Bhutan quyết định hàng năm chỉ cho phép khoảng 6.000 du khách đến đất nước này. Mỗi khách du lịch phải đóng ít nhất 200 USD cho mỗi ngày ở Bhutan và đi theo chương trình do một công ty du lịch Bhutan thu xếp.
Anh Phương