Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang vừa đình chỉ công tác 15 ngày với hiệu trưởng và hiệu phó trường THPT Vĩnh Xương sau khi trường này kỷ luật một học sinh không đúng quy định. Lãnh đạo trường Vĩnh Xương đã nêu họ tên học sinh vi phạm dưới cờ, trước toàn trường, làm ảnh hưởng đến tâm lý. Ngoài ra, trong đơn gửi cơ quan chức năng, gia đình nữ sinh phản ánh giáo viên chủ nhiệm nhiều lần "làm việc riêng" với em, phê bình trước lớp. Những việc này là nguyên nhân khiến em cố tình uống thuốc quá liều và ngất xỉu ở trường.
Thầy Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng) cho rằng việc bêu tên, phê bình các em trước toàn trường từng rất phổ biến, nay không còn phù hợp. Các em không còn "giáo viên nói là phải nghe" mà chủ động, tích cực và có thái độ mạnh mẽ hơn trong việc đối thoại với thầy cô.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội tạo ra nhiều mặt trái. Hiệu trưởng trường Lộc Phát lấy ví dụ, nếu ngày xưa học sinh bị phê bình, bắt quỳ gối ở sân trường thì cùng lắm cả trường biết. Bây giờ hình ảnh và video sẽ được ghi lại, lan truyền trên Facebook, khiến các em xấu hổ, thậm chí cảm thấy nhục nhã. "Áp lực khủng khiếp của mạng xã hội khiến người lớn chúng ta còn khó đứng vững chứ đừng nói học sinh", thầy Chương nói.
Từ việc đánh giá sự khác biệt giữa tâm lý, môi trường học tập của học sinh qua các thế hệ, thầy Chương khẳng định xử phạt học sinh mắc lỗi là cần thiết, nhưng không có nghĩa xúc phạm, bêu riếu các em trước toàn trường. Thái độ và sự đồng hành của giáo viên, nhà trường trong và sau lúc phạt cũng rất quan trọng. "Phạt các em thì dễ, nhưng quan tâm như nào để học trò tiến bộ và cảm thấy nhận được giá trị tích cực sau hình phạt mới là cái khó. Nếu chỉ bêu riếu, các em phản ứng lại là điều dễ hiểu", thầy nói.
Với kinh nghiệm mấy chục năm làm giáo dục, hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát gợi ý một số hình phạt tích cực. Giáo viên có thể cho học sinh đến viện dưỡng lão, trại trẻ mồ côi để phụ giúp, tổ chức các hoạt động hoặc lao động ở nghĩa trang liệt sĩ, trường lớp. Việc này giúp các em biết trân trọng cuộc sống hiện tại. Nếu học sinh quá nghịch ngợm, phải đình chỉ học 1-3 ngày, giáo viên nên yêu cầu các em đọc một số quyển sách, sau đó kiểm tra nội dung, đặt câu hỏi.
Về phía giáo viên, thầy Chương khẳng định khi để xảy ra xung đột với học sinh, người thầy luôn có lỗi. Ngoài rèn luyện chuyên môn, tìm tòi cách giảng bài hấp dẫn để học sinh không sợ mình và môn học, thầy cô cần quan tâm đến tâm lý của các em hơn. Làm tốt việc này, thầy và trò sẽ tránh được xung đột. Ngoài ra, ban giám hiệu cũng cần làm tốt công tác quản lý, nắm bắt tính cách giáo viên để phân công nhiệm vụ hợp lý, không để nhiều thầy cô khó tính cùng dạy một lớp.
Cùng quan điểm với thầy Chương, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), khẳng định hình thức kỷ luật nêu tên học sinh trước toàn trường là "hoàn toàn sai và có nhiều cách xử phạt hay hơn".
Dẫn Điều lệ trường THCS, THPT và trường có nhiều cấp học trong Thông tư 32, hiệu lực từ 1/11, thầy Khang bày tỏ sự đồng tình khi Bộ Giáo dục và Đào tạo loại bỏ các hình thức kỷ luật lạc hậu, như: Khiển trách trước lớp, trước hội đồng kỷ luật của trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ hay một năm học. "Ở thời đại 4.0, cảnh cáo trước trường tức là trước toàn thế giới. Khi thông tin lan rộng, áp lực lên đứa trẻ rất lớn và chúng khó tiến bộ được", thầy phân tích.
Theo thầy Khang, không thiếu gì cách kỷ luật học sinh. Tuy nhiên, các hình thức kỷ luật đều đi từ bước đầu tiên là "thận trọng để tìm ra nguyên nhân", sau đó đánh giá, móc xích sự việc một cách khách quan. Khi quyết định hình thức kỷ luật, giáo viên phải luôn chú ý không xúc phạm học sinh cả về thể xác và tinh thần.
Để làm được điều này, giáo viên ngoài cái tâm, phải biết kìm nén cảm xúc bởi đôi khi vi phạm của học sinh xúc phạm cả giáo viên. Nhà trường, giáo viên phải bỏ quan niệm "kỷ luật là phạt, phạt là trừng trị". "Thầy cô rất dễ vấp phải điều này. Trường học ở An Giang cũng trong tâm thế học sinh mắc lỗi là phải phạt. Như vậy là không tỉnh táo", thầy Khang nói.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng thầy cô phải thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá học sinh, hướng tới kỷ luật tích cực. Còn bêu tên các em trước tập thể là xúc phạm nhân phẩm, danh dự. "Ngay từ khi chưa có Thông tư 32, nhiều trường học đã bỏ hình thức kỷ luật này vì nhận thấy không phù hợp và bị xã hội lên án rất nhiều", thầy Bình nói.
Thầy giáo với hơn 18 năm kinh nghiệm làm hiệu trưởng cho rằng học sinh bây giờ rất thông minh, tiếp nhận được thông tin từ nhiều môi trường, có quyền trẻ em, quyền được bảo vệ, tôn trọng chứ không phải như trước đây. Việc kỷ luật cũng phải thay đổi theo hướng tích cực, tạo điều kiện để học sinh tiến bộ.
Thanh Hằng - Dương Tâm