![]() |
Alyona và ông ngoại, tháng 7/2005. |
Bà ngoại Klara Gasinova của bé đặt bức ảnh trở lại chiếc giá sách, vuốt cho phẳng dải băng đen kết trên khung. Tấm ảnh là một trong các kỷ vật về những người thân yêu của bà đã chết trong vụ khủng bố.
"Tôi không nghĩ là con bé nhớ mẹ nó nữa. Hồi trước nó từng khóc suốt cả đêm, chắc là đòi mẹ, nhưng bây giờ thì thôi rồi", bà Gasionova vừa nói vừa âu yếm mỉm cười với cháu.
"Nhờ Alyona mà chúng tôi vẫn còn sống đây. Nhờ con bé mà tôi còn đủ sức mà sống tiếp", bà cụ đã trông nom Alyona từ sau khi con bé được một người lính đưa ra khỏi ngôi trường định mệnh, vào ngày thứ hai của vụ con tin.
Bức ảnh, chụp một người lính vạm vỡ tay nâng niu một bé gái và nhìn vào mắt bé đầy thương cảm, đã trở thành hình ảnh biểu tượng của cuộc khủng hoảng kéo dài 3 ngày. 331 người đã chết, hơn một nửa trong số đó là trẻ em.
Mẹ và chị gái 9 tuổi của Alyona chết trong vụ con tin, khi các tay súng Hồi giáo xông vào trường trung học số 1 ngay trong ngày khai giảng, bắt hơn 1.000 người để đòi chính phủ Nga rút quân khỏi Chechnya.
Yêu sách của chúng không được đáp ứng và vụ khủng hoảng con tin kết thúc khi bom nổ bên trong nơi giam giữ con tin, đặc nhiệm Nga tràn vào giải cứu. Sau ngày 3/9, cả thành phố nhỏ Beslan chìm trong không khí tang tóc.
Im lặng
![]() |
Alyona một năm trước. |
Một năm đã trôi qua và sự yên lặng nặng nề vẫn bao trùm thành phố nhỏ, nơi đường sá đầy nắng nhưng vắng bóng trẻ em.
Không một ai động đến ngôi trường. Mái nhà bị sập khiến nước mưa mùa đông rơi xuống bào mòn những cuốn sách vương vãi, lẫn giữa các vỏ đạn nằm trên sàn.
Tại một nghĩa trang đặc biệt bên rìa thành phố, những người phụ nữ mặc toàn đồ đen lúi húi chăm sóc phần mộ của người thân. Họ nhẹ tay lau sạch các tấm bia đá như thể đang dịu dàng đắp lại tấm chăn cho một em bé ốm.
Các nhà tâm lý học nói về những dấu hiệu quá rõ ràng của tình trạng đau đớn bao trùm cả thành phố này. Sự quả cảm truyền thống của người Ossetia vẫn chưa thể giúp họ đương đầu với nỗi đau.
"Nhiều người lớn vẫn đau khổ sâu sắc. Khi chúng tôi gợi chuyện, họ chỉ khóc. Tất cả Beslan đều như thế", Larissa Khabayeva, một chuyên gia tâm lý thuộc trung tâm phục hồi chấn thương tinh thần do UNICEF tài trợ, có trụ sở ở Vladikavkaz, nói.
"Cả thành phố cần được giúp đỡ, tất cả mọi người đều bị chấn thương. Ngay cả những người không ở trong trường khi đó cũng bị rơi vào tình trạng hậu chấn thương".
Bên trong trung tâm vang đầy tiếng trẻ cười đùa. Đây là nơi các tình nguyện viên hướng dẫn trẻ em các trò chơi và vẽ. Nhưng không khí vui vẻ ở đây là giả tạo. Những em bé này là những em may mắn.
"Trong số các trẻ ở đây, 50% không phản ứng chút nào với hướng dẫn của chúng tôi. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm những em bé không muốn ra khỏi nhà", Khabayeva cho biết.
"Một phần ba số các em bị hoảng loạn ở tuổi dưới 13, đấy là những em không chạy thoát được. Các em sẽ lớn lên thành thiếu niên, và khi đó những vấn đề hiện còn ẩn giấu sẽ bộc lộ ra".
Cất giấu nỗi buồn
Truyền thống văn hoá của người Ossetia không cho phép đàn ông và con trai tìm kiếm sự hỗ trợ về tâm lý - điều này có thể gây thêm các vấn đề trầm trọng trong tương lai.
"Đàn ông cũng cần được nói ra những khó khăn của họ. Nhưng điều này là rất khó bởi văn hoá của chúng tôi không cho phép nam giới khóc lóc hay bày tỏ tình cảm", Khabayeva nói.
Roman Bichegov-Begoshvili, 42 tuổi nhưng có vẻ ngoài của người ngoại ngũ tuần, suốt ngày ngồi hút thuốc trong sân và nhìn chằm chằm vào chiếc xe hơi bị phá huỷ phía bên kia đường.
Anh mất đứa con trai 9 tuổi trong vụ khủng bố, và quyết định sinh một đứa con khác để xoa dịu nỗi đau - đấy là em bé đầu tiên được sinh ra sau thảm kịch.
"Nói thực lòng, tôi quyết định có đứa con này là để cho vợ tôi. Cô ấy cứ khóc suốt ngày. Và có lẽ cũng là để cho tôi nữa, để tôi có thể sống. Để khuây khoả", anh vừa nói vừa với tay rót thêm một cốc vodka.
"Nhưng dù có con mới, tôi vẫn không thể quên được. Nỗi đau này đủ cho 110 năm. Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được".
Vợ của Roman đang chăm sóc đứa bé Samart 2 tuần tuổi, bên dưới bức ảnh cậu con trai đã mất. "Lúc này tôi không cảm thấy gì hết, tôi vẫn chưa phải là tôi. Có thể sau lần giỗ này, mọi thứ sẽ thay đổi. Nhưng cơn sốc vẫn chưa qua", cô nói.
"Tôi không còn trẻ nữa, không sống mãi được. Nhưng tôi muốn cuộc đời của Samart hạnh phúc, mà không chỉ Samart, tôi mong hạnh phúc cho tất cả trẻ em. Tôi mong thế hệ mới sẽ được sống mà không phải trải đau buồn".
T. Huyền (theo Reuters)