"Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm nồi xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ..."
(Bằng Việt, Bếp lửa)
Căn bếp xuất hiện trong tâm trí những người con Việt là hình ảnh về một nơi yêu thương đong đầy, khơi dậy lên tình cảm gia đình nồng đượm từ những bữa cơm giản dị, nhưng chất chứa tâm tình tuổi thơ. Dù căn bếp ấy đơn sơ, chỉ là "bếp lửa" củi đỏ, đến bếp ga, bếp điện khang trang, thì nơi ấy vẫn là "trái tim" của ngôi nhà, in đậm hình ảnh người mẹ tần tảo, sớm hôm lo từng bữa ăn cho cả gia đình.
Đối với tôi, không gian bếp còn là nơi mẹ dạy tôi những bài học để làm người. Đồng ý với nhà văn Trang Hạ "bếp nhà là nơi nuôi dưỡng một người độc lập", mẹ tôi coi bếp là một thế giới mà tôi có thể thoả sức sáng tạo, kiểm soát mọi thứ, tự đưa ra quyết định, và chịu trách nhiệm với những nguyên liệu, món ăn của mình. Ở nơi đó, mẹ hướng dẫn tôi và cùng tôi học hỏi, rèn luyện những kỹ năng và sự kiên nhẫn trong cuộc sống hàng ngày. Có thể chỉ là những điều lý thuyết, khó mà được những cô cậu thiếu niên ở độ tuổi ẩm ương, ham chơi tiếp thu. Nhưng đến sau này, khi tôi có cơ hội đi du học, mới thấy thấm dần lời mẹ dạy từ căn bếp ấy.
Thời gian sống ở nước ngoài, tôi mới bắt đầu lật giở lại ký ức về những món ăn mẹ nấu, hình dung ra cách mẹ làm để làm sao nấu được đúng hương vị ấy, quen thuộc mà xa xôi. Cũng là lúc đấy, những bài học nho nhỏ lại ùa về: bài học về cách tổ chức căn bếp (hay rộng hơn, là căn nhà, và cuộc sống); hay lên kế hoạch về thực đơn trong tuần vừa đủ chất vừa tiết kiệm (mà sau này là những kế hoạch của cuộc đời). Cũng là lúc đấy, những giây phút bố mẹ con cái quây quần tíu tít bên mâm cơm, những yêu thương gắn kết gia đình tràn ngập trong tâm trí tôi, khoả lấp nỗi niềm của người con xa quê. Đến mãi sau này, tôi mới thực sự cảm nhận được tình yêu với căn bếp ngày một lớn dần, để có thể cả ngày nghịch ngợm trong bếp với đủ thứ thịt cá rau gia vị, rồi người ám mùi thức ăn, nhưng vẫn thích thú và hả hê.
Dù mỗi góc bếp gắn với những món ăn và yêu thương của mẹ, nhưng tôi thực sự muốn cải tạo căn bếp ấy cho sạch sẽ, tiện lợi hơn, để mẹ luôn thoải mái với không gian sáng tạo của mình. Một thách thức không hề nhỏ chính là không gian chật, hẹp, thấp của căn bếp, giống như bao diêm dựng đứng vậy. Với kích thước chỉ khoảng 4m dài, 2,2m cao, 1,5m rộng (một đầu rộng 1m, nối sang một ban công nhỏ 1m x 1m), tiết kiệm từ không gian dưới gầm cầu thang, đồng nghĩa với việc hạn chế không gian bày biện và chuẩn bị đồ ăn, cùng với khoảng không lưu trữ chưa tối ưu, sẽ khiến căn bếp trông kém gọn gàng. Bên cạnh đó, có khá nhiều vấn đề khi nấu nướng: mùi thức ăn ám trong nhà, dầu ăn bám đầy tường cộng với bụi khiến việc lau chùi khó khăn, tạo môi trường sinh sôi cho vi khuẩn.
Những trăn trở về các vấn đề ấy, cùng ước mơ về một căn bếp khang trang, gọn gàng cho mẹ, đã thôi thúc tôi tham dự cuộc thi này, đặc biệt khi biết thương hiệu Vicostone phối hợp tổ chức và tài trợ chương trình. Tôi bị ấn tượng về mặt đá Vicostone từ sự kiện "Trải nghiệm thật, nhận quà chất" vào 11/2018, và theo dõi thương hiệu này từ đó. Tuy nhiên, vẫn chỉ là "theo dõi" trên con đường phát triển của công ty, chứ ước mơ được sử dụng mặt đá, có lẽ vẫn chỉ là mơ ước (cho đến khi tham gia cuộc thi này, để mong được "chạm tới ước mơ"!).
Trên con đường tìm kiếm giải pháp hoàn hảo cho căn bếp của mẹ, đi đến đâu tôi cũng ngắm nghía để xem có thể áp dụng gì cho không gian tí hon của nhà mình.
Một hệ thống tủ bếp phía dưới kiểu Âu Mỹ gọn gàng, có chức năng lưu trữ thông minh (các ngăn kéo thông minh), tận dụng tối đa không gian mà vẫn đảm bảo thoải mái cho người làm bếp. Góc lưu trữ ẩn ốp sát trần nhà (gầm cầu thang) cũng là một gợi ý tuyệt vời để tiết kiệm được không gian phía dưới, nhưng vẫn nằm trong tầm với của người dùng. Việc cất trữ tất cả đồ dùng, thiết bị vào trong tủ sẽ tránh bụi và dầu mỡ xâm nhập, cũng như tạo thêm không gian để trang trí lọ hoa hay giỏ cây trong bếp.
Bên cạnh đó, phong cách tối giản kiểu Nhật, không nhiều hoạ tiết, chỉ gồm màu đơn sắc, sáng sủa, tạo cảm giác gọn gàng, sạch sẽ, là một giải pháp hoàn hảo cho căn bếp siêu nhỏ. Để giải quyết vấn đề vệ sinh, dùng mặt đá Vicostoneở bàn bếp và ốp tường bếp sẽ giúp việc lau chùi trở nên dễ dàng, đồng thời đảm bảo độ chắc chắn khi có những tác động mạnh (băm, chặt).
Ngoài ra, để có độ thoáng và ánh sáng tự nhiên, tôi muốn thay thế vị trí tủ lạnh bằng một bàn đảo cơ động (có thể gập lại khi không dùng đến), vừa để chuẩn bị đồ ăn, vừa là một bàn ăn nhỏ để ăn sáng. Như vậy, vẫn cho phép lối đi ra ngoài ban công, vẫn có màu sắc thiên nhiên và ánh sáng vào nhà.
Với những ý tưởng trên, có thể chưa phải đột phá nhưng quan trọng là sự phù hợp với điều kiện hiện tại, tôi mong một ngày căn bếp trong mơ có thể trở thành hiện thực. Vì từ căn bếp nhỏ, mẹ tôi và gia đình sẽ tìm thấy một thế giới mới đầy ắp tình yêu thương, niềm vui và những kỹ năng sống sẵn sàng rộng mở.
Nguyễn Kim Ngân
Cuộc thi "Bếp nhà trong mơ - The Home Make-over" do thương hiệu Đá Vicostone phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 16/5 đến 14/8) là nơi để độc giả chia sẻ thông điệp yêu thương với những người thân yêu, từng câu chuyện bên căn bếp, mỗi bữa cơm sum họp quây quần. Cuộc thi cũng là nơi giúp độc giả có thể tìm cơ hội thay đổi, làm mới căn bếp gia đình.
Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text từ 300 đến 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm ít nhất 2 hình ảnh tự chụp hoặc bài ảnh (tối đa 12 ảnh) hay một video thể hiện chi tiết hiện trạng không gian bếp của mình có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện.
Gửi bài dự thi tại đây.