So với các bạn ở thành phố, học sinh ở nông thôn có phần thiệt thòi và vất vả hơn, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa… Gia đình của các em phần lớn là làm nông, kinh tế của gia đình phụ thuộc vào mùa vụ. Cha mẹ các em phải cố gắng tằn tiện lắm mới có thể cho con đến trường đi tìm “cái chữ”. Học phí đóng tiền học cho các em, nhiều gia đình phải xin khất lại để khi gặt và bán lúa hoặc dành dụm từ công việc làm thuê mới có tiền đóng cho nhà trường.
Đa số gia đình các em đều khó khăn, mỗi ngày các em đi học, các em thường được cha mẹ cho từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng, phòng khi đường xa bị xì xe mà không có tiền vá, nhưng không phải lúc nào cũng có. Vì vậy, ngày nào có học 2 buổi, em nào ở gần thì về nhà ăn cơm, còn phần lớn còn lại đều nhà xa nên phải ở lại, ăn cho qua buổi trưa với mì gói chế nước sôi hoặc phần cơm nguội lạnh với chút mắm hoặc khô trong mà mẹ chuẩn bị cho từ sớm…
Không phải em nào cũng may mắn được lót dạ bằng một buổi trưa như thế. Có em tâm sự: “có lúc con chỉ mới học hết tiết 3, tay chân run, mặt mày xây xẩm, bụng sôi vì đói… cô giáo phải đưa xuống phòng y tế mua trà đường cho uống…".
Khi nghe các em học sinh kể, những lời tâm sự đầy trăn trở của thầy hiệu trưởng và của các thầy cô, ông Tưởng Thanh Hải - Chủ tịch Hội khuyến học xã Bình Phú (Cai Lậy) xót lòng, nên ông đem suy nghĩ của mình bàn với một số thành viên trong nhóm từ thiện của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Bình Phú và Ban giám hiệu Trường THCS Đoàn Thị Nghiệp phát động tổ chức bữa ăn miễn phí cho học sinh. Ý tưởng của ông được mọi người tán thành.
Những thành viên gần trường tình nguyện giúp đỡ nấu ăn, không chỉ bỏ công mà còn góp thêm củi lửa, vận động mạnh thường quân hỗ trợ mua sắm vật dụng như khay đựng cơm, chén dĩa, muỗng đũa, mỗi người một ít để “Bếp ăn tình thương” ra đời. Từ đầu năm học 2011-2012 đến nay, học sinh trường THCS Đoàn Thị Nghiệp đã được bữa cơm trưa miễn phí từ “Bếp ăn tình thương” - một mô hình được xây dựng từ những tấm lòng vì học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nguồn kinh phí vận động còn khiêm tốn nhưng mỗi ngày bếp ăn vẫn phục vụ 50-70 suất cơm trưa miễn phí cho học sinh. Địa điểm bếp ăn đối diện Trường THCS Đoàn Thị Nghiệp nên rất thuận tiện để các em dùng cơm sau giờ học buổi sáng, no bụng để sẵn sàng cho buổi học sau.
Ngày nào cũng vậy, nhìn đồng hồ gần 10h trưa, các thành viên của bếp ăn chuẩn bị cơm, thức ăn vào các khay sẵn sàng phục vụ thực khách “nhí”. Tuy là các món chay, nhưng bữa cơm luôn đảm bảo dinh dưỡng với 4 món ăn và thực đơn được đổi liên tục trong tuần. Khi tiếng trống tan trường vang lên, các em học sinh tíu tít ùa vào nhận phần cơm, những em tới sớm ngoan ngoãn phụ lau chùi bàn ghế và ngồi ngay ngắn vào bàn ăn đợi bạn.
Em Nguyễn Duy Khang - học sinh lớp 7A5 cho biết: "Bữa trưa ở đây rất ngon, các cô chú rất thương tụi con nên không khí thân mật như bữa cơm ở gia đình". Em Bùi Thành Đạt - lớp 9A1 thì bảo: "Ba mẹ con đi làm thuê xa, lâu lâu mới về một lần, hai anh em con phải tự nấu cơm ăn, nhiều lúc buồn lắm… Nhưng từ khi có 'Bếp ăn tình thương', hai anh em con rất vui vì được ăn cơm chung với mọi người, không khí vui vẻ, tụi con ăn cơm ngon hơn và không phải thường xuyên ăn mì gói nữa…".
Để có bữa cơm trưa miễn phí, mỗi ngày từ sáng sớm, các thành viên của bếp ăn đã tất bật đi chợ, chọn các loại thực phẩm tươi ngon. Mỗi ngày chi phí cho bếp ăn từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng đều là sự góp sức của những mạnh thường quân. Lan tỏa những tấm lòng nhân ái, nhiều bậc phụ huynh, các tiểu thương chợ Cai Lậy và chợ Bình Phú khi biết “Bếp ăn tình thương” đã sẵn lòng hỗ trợ thêm gạo, rau cải, thực phẩm chay.
Bà Võ Thị Bé - một thành viên phục vụ bếp ăn nói: “Tôi nấu mấy chục suất ăn cùng lúc cho các cháu tuy cực, nhưng rất vui với việc làm ý nghĩa này. Khâu vệ sinh được chú trọng từ việc chọn thực phẩm đến chế biến. Khi nấu cơm, canh, chúng tôi canh giờ sao cho các cháu vừa tới là ăn được cơm canh nóng hổi. Có những hôm, các cháu không đăng ký danh sách nhưng vẫn đến dùng cơm, những thành viên nhà gần sẵn sàng san sẻ phần cơm của gia đình cho các cháu”.
Theo thầy Võ Kế An - Hiệu trưởng trường nhiều em bộc bạch dùng cơm tại “Bếp ăn tình thương” còn tươm tất hơn bữa cơm tại gia đình, cũng đủ hiểu hoàn cảnh gia đình các em khó khăn đến mức nào…
Đến nay, “Bếp ăn tình thương” đã duy trì sang năm học thứ ba, đó chính là nhờ tấm lòng nhân ái của chú Hải và những thành viên trong nhóm từ thiện với học sinh nghèo. Tuy nhiên, điều làm cho Thầy An và chú Hải lo lắng là “Bếp ăn tình thương” không có này sẵn nguồn kinh phí hoạt động, mà chủ yếu dựa vào sự góp sức sẻ chia của mọi người nên ông cũng mong các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, những người có tấm lòng vì học sinh nghèo hãy luôn là “người bạn đồng hành”, để “Bếp ăn tình thương” này luôn được “nổi lửa”…
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Nguyễn Mỹ Phương