8h ngày 26/7, bà Trần Hoàng Kim (37 tuổi) nhanh tay đảo đều chảo rau xào, chốc chốc lại trở nồi cá kho cho thấm đều gia vị. Ở bên cạnh, ông Nicolas Antonio múc từng vá cơm nóng từ chiếc nồi lớn ra sẵn từng hộp. Hai vợ chồng đã cặm cụi từ rạng sáng để đủ cơm, đặt trước hiên nhà ở trong hẻm 43, đường Vườn Lài tặng những người khó khăn.
Lịch trình chuẩn bị phần ăn từ thiện của họ bắt đầu từ sáng sớm, lúc 5h người chồng quốc tịch Mexico chở bà Kim đến chợ đầu mối Thủ Đức mua rau, cá, thịt, trái cây. Một tiếng sau họ bắt đầu nấu nướng, chồng sơ chế thực phẩm còn vợ đứng bếp.
"Chế biến cả trăm suất ăn thì cần quen tay, nhiều khi ông cũng muốn thử nấu mà tôi không cho, nên chủ yếu phụ việc vặt", bà Kim nói.
Khoảng 8h30 việc nấu nướng hoàn tất, hai vợ chồng chia phần cơm vào các hộp xốp. Thực đơn mỗi ngày đều được thay đổi trong khoảng chục món, mỗi phần ăn đầy đủ rau, món mặn và trái cây tráng miệng. Trung bình một lần nấu cơm hết khoảng 25 kg gạo và 40 kg rau, thịt với chi phí một triệu đồng.
"Lúc đầu là tiền túi rồi sau này có thêm nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ. Có những hôm không đủ chi phí thì tôi nấu cơm chay cho bà con", bà Kim nói.
Ngày nào cũng vậy, dù 9h30 mới phát cơm nhưng từ trước đó nửa tiếng, nhiều người đã có mặt ngồi chờ trong nhà hoặc ngoài hẻm. Chưa đầy 15 phút, 200 phần cơm được phát hết sạch. Bà Kim cho biết, bất kỳ ai không kể hoàn cảnh đều có thể đến nhận bữa trưa miễn phí. "Tôi gọi là cơm 0 đồng thay vì miễn phí để mọi người không có cảm giác được ban phát hoặc mặc cảm vì nghèo mới phải nhận đồ từ thiện", chủ bếp ăn nói.
Trong số những người chờ nhận cơm sáng 26/7 có bà Nga quê Đồng Nai làm nghề bán vé số. Bà cho biết ngày nào cũng đi bộ gần hai km tới nhận 4 phần cơm cho mình và cháu ngoại. "Bán vé số lời chẳng là bao, có được suất ăn miễn phí giúp tôi tiết kiệm mỗi buổi trưa 20.000-30.000 đồng. Tiền này tôi có thể trang trải được những thứ khác", bà Nga chia sẻ.
Theo bà Kim, bếp ăn là nơi mình gửi gắm tình yêu thương đến cộng đồng với phương châm "cho đi là còn mãi". Dù miễn phí, hai vợ chồng luôn rất kỹ trong khâu vệ sinh thực phẩm. Họ không muốn đặt cơm từ các bếp ăn công nghiệp để đảm bảo vệ sinh. Trong nhà còn có gian hàng 0 đồng gồm quần áo, thực phẩm, thuốc men để ai cần có thể mang về.
Trước đó, suốt 10 năm bà Kim chủ yếu sống ở Malaysia với nghề làm tóc. Sau giờ làm việc bà thường đi nấu cơm, làm bánh phát cho các cô nhi viện, mái ấm, trẻ khuyết tật ở nước sở tại. Năm 2019, khi về nước, bà ấp ủ mở một bếp ăn thiện nguyện cho những người lao động khó khăn.
4 năm trước, bà Kim bắt đầu làm bếp ăn 0 đồng, khi ấy thuê ngôi nhà trong con hẻm nhỏ, chỉ đủ xe máy đi lọt ở khu Thanh Đa – Bình Qưới, quận Bình Thạnh. Thời điểm ấy do hẻm chật nhà nhỏ nên khó phát cho nhiều người, tuần chỉ làm một lần khoảng 100 suất ăn. Cuối tuần bà cùng nhóm thiện nguyện đi phát cơm trong bệnh viện, mỗi lần gần 600 phần cơm.
Bà Kim có mối tình 9 năm với ông Nicolas Antonio. Khi bà về nước, hai người đăng ký kết hôn và dự định sẽ sang Mexico, bắt đầu cuộc sống mới. Tuy nhiên, do nhận thấy bếp ăn của mình chưa san sẻ được cho nhiều người bà thuyết phục chồng ở lại để sống với đam mê thiện nguyện.
"Tôi dự định sẽ ở Việt Nam đến hết năm sau hoặc lâu hơn cho đến khi tìm được người có thể thay mình đảm đương được bếp", bà Kim cho biết.
Để hỗ trợ bếp 0 đồng của vợ, ông Nicolas Antonio dùng tiền của gia đình mua đồ thực phẩm. Căn nhà, nơi phát cơm từ thiện hiện tại cũng mới được thuê đầu năm nay, khang trang hơn và hẻm đủ rộng để mọi người có thể vào nhận bữa ăn trưa mỗi ngày.
Ông cho biết, suốt thời gian qua, vợ chưa đi làm để tập trung toàn thời gian làm bếp ăn cho người nghèo. "Việc của tôi chỉ là phụ vợ nấu nướng, phát đồ cơm mỗi ngày. Thấy vợ vui khi giúp được nhiều người khác là tôi hạnh phúc rồi", ông Nicolas Antonio nói.
Quỳnh Trần