Nghiên cứu được thực hiện bởi Liên đoàn Béo phì Thế giới (WOF), với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu từ hơn 50 hiệp hội béo phì khu vực và quốc gia. Thống kê cho thấy một quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao gấp 10 lần khi ít nhất 50% dân số bị thừa cân. Kết quả này giúp giải đáp câu hỏi tại sao tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở một số nước lại cao hơn nhiều so với các nước khác.
Tuổi tác được cho là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của Covid-19, vì thế phần lớn quốc gia đặt ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi. Tuy nhiên, lần đầu tiên, báo cáo của WOF cho thấy béo phì là yếu tố nguy cơ thứ hai. WOF đang kêu gọi ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm này.
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết báo cáo phải đóng vai trò như hồi chuông thúc giục các chính phủ giải quyết nạn béo phì. Phân tích dữ liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins về các ca tử vong do Covid-19 và thống kê của Đài quan sát Y tế Toàn cầu của WHO về bệnh béo phì cho thấy, 2,2 triệu trong số 2,5 triệu ca tử vong vì Covid-19 xảy ra ở các nước có mức độ béo phì cao.
Các nhà khoa học cố gắng giải thích sự khác biệt về tỷ lệ tử vong do Covid-19 giữa các nước châu Á và phương Tây, cũng như các nước thu nhập thấp và thu nhập cao. WOF cho rằng phát hiện mới có đóng góp quan trọng để lý giải sự chênh lệch.
Báo cáo không nhận thấy quốc gia nào có tỷ lệ dân số béo phì dưới 40% lại có nhiều người chết vì Covid-19. Mặt khác, không có nước nào với tỷ lệ tử vong cao (ít nhất 100/100.000 người) lại có tỷ lệ dân số thừa cân dưới 50%.
Ví dụ, Việt Nam có tỷ lệ tử vong thấp nhất trên thế giới và mức độ thừa cân thấp thứ hai. Đến nay Việt Nam ghi nhận tỷ lệ 0,04 trên 100.000 trường hợp tử vong do Covid-19 và 18,3% người trưởng thành bị thừa cân, theo số liệu của WHO. Ngược lại, Anh có tỷ lệ tử vong cao thứ ba thế giới và tỷ lệ béo phì cao thứ tư, với 184 trường hợp tử vong trên 100.000 người và 63,7% dân số trưởng thành bị thừa cân. Tiếp theo là Mỹ với khoảng 152 ca tử vong trên 100.000 người và gần 68% người bị béo phì.
Ông Tedros cho biết: "Mối liên hệ giữa béo phì và tỷ lệ tử vong do Covid-19 là rõ ràng và thuyết phục". Ông nhận định cần có đầu tư vào sức khỏe cộng đồng và hợp tác quốc tế để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bệnh béo phì. Theo ông, đó là một trong những cách tốt nhất để hệ thống y tế tại các quốc gia phục hồi sau đại dịch.
Tim Lobstein, cố vấn chính sách cấp cao của WOF và là tác giả của báo cáo, cho rằng các chính phủ đã thất bại trong việc giải quyết tình trạng béo phì trong nhiều năm, bất chấp các mục tiêu của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Covid-19 chỉ là một trong số những bệnh truyền nhiễm bị trầm trọng hóa bởi các vấn đề về cân nặng. "Chúng tôi đã thấy tình trạng này xảy ra với bệnh Mers, H1N1 và các bệnh hô hấp khác", ông Lobstein nhận định.
Báo cáo cũng đưa ra một lập luận nhằm kêu gọi hành động giải quyết nạn béo phì. Theo đó, thiệt hại trong các đợt phong tỏa có thể được giảm thiểu đáng kể nếu các chính phủ giải quyết vấn đề thừa cân từ trước khi đại dịch bắt đầu.
Quỹ Tiện tệ Quốc tế (IMF) dự đoán thiệt hại kinh tế toàn cầu cho đến năm 2025 là 28 nghìn tỷ USD. Nghiên cứu cho rằng ít nhất 6 nghìn tỷ USD trong số đó liên quan trực tiếp tới tình trạng béo phì của người dân.
Mai Dung (Theo Financial Times)